/ Góc nhìn
/ Tài sản nhà nước bị thất thoát phải được thu hồi

Tài sản nhà nước bị thất thoát phải được thu hồi

13/04/2021 07:26 |

(LSVN) - Vụ án Gang thép Thái Nguyên - một trong những vụ án lớn mà Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương xếp vào diện theo dõi, chỉ đạo đang đưa ra xét xử thu hút sự chú ý của báo chí, truyền thông và dư luận.

Dự án Gang thép Thái Nguyên.

Sự chú tâm theo dõi này không chỉ là một vụ án điển hình về sự lãng phí, gây thất thoát lớn (830 tỉ đồng), chậm tiến độ và đã xảy ra quá lâu, chậm xử lý gây bức xúc mà còn là chờ xem Tòa án sẽ xử lý khối tài sản "khủng" của những người gây ra thất thoát này như thế nào.

Còn nhớ, từ trước khi vụ án bị truy tố, truyền thông đã không ít lần đưa hình ảnh biệt thự "to đẹp nhất Thái Nguyên" với những lời "trầm trồ" bởi một nghịch lý hiển hiện giữa thanh thiên bạch nhật: Công trình nghìn tỉ chậm tiến độ, đội giá, gây lãng phí mà lãnh đạo công ty lại có biệt thự nguy nga đến thế là sao. Thật là một sự phô trương chọc tức dư luận, bởi sở hữu ngôi biệt thự này là cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty - bị cáo của phiên tòa hôm nay.

Trước đó, khối tài sản khủng của bị cáo này đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra kê biên và phong tỏa, gồm cả căn biệt thự, căn hộ ở Hà Nội và vài mảnh đất khác nhằm thu hồi tài sản do tham nhũng mà có và tránh sự tẩu tán tài sản. Đây là một động thái kịp thời và cũng thể hiện một bước chuyển biến tích cực trong việc thu hồi tài sản tham nhũng, bởi nếu tham nhũng bị phát hiện, xử lý mà tài sản của Nhà nước không thu hồi được thì kết quả chống tham nhũng cũng bằng không. Trong một động thái khác, Luật sư bào chữa cho bị cáo có tài sản lớn này đề nghị dỡ bỏ kê biên và phong tỏa của một số tài sản nói trên vì những lý do như là tài sản chung hoặc đã bán trước khi vụ án khởi tố.

Chúng ta đều biết, dư luận xã hội đã tỏ ra thất vọng như thế nào khi dự luật về công khai tài sản, thu hồi tài sản bất minh (không chứng minh được nguồn gốc) đã bị bác bỏ. Và, dư luận cũng đồng tình và ủng hộ, cả phấn chấn nữa khi 19 thành viên của Ủy ban kiểm tra Trung ương đều tự nguyện công khai tài sản và thu nhập của mình.

Đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, đề xuất những biện pháp để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản, cách thức thi hành án, nêu bật tình trạng "hy sinh đời bố, củng cố đời con" trong những vụ án tham nhũng và đòi hỏi phải quyết liệt hơn nữa thì công cuộc phòng chống tham nhũng mới mang lại hiệu quả thiết thực, kể cả sự răn đe.

Theo dõi vụ án này, chưa thấy dấu hiệu rõ ràng của việc tẩu tán tài sản, nhưng trước Tòa, thấy rõ sự "tẩu tán trách nhiệm" của một số bị cáo cho rằng mình do tin tưởng cấp trên hoặc nhà thầu nên mới ra nông nỗi này. Oan quá!   

NHỊ NGỌC

Bộ Công an xác minh vụ việc liên quan đến mua sắm thiết bị tại Bệnh viện Tim Hà Nội

Lê Minh Hoàng