/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Tâm sự của người lính bên kia chiến tuyến

Tâm sự của người lính bên kia chiến tuyến

19/06/2022 12:02 |

(LSVN) - Hơn một năm sau tôi lần được Đài Phát thanh Quân giải phóng, phải công nhận các ông có rất nhiều nhà báo có tài, rất nhiều bài viết làm cho chúng tôi nghe dao động tư tưởng. Bởi những bài viết đó đúng sự thật, đúng với lương tâm của mỗi con người, đúng đạo lý và cũng đúng với phong tục của người Việt Nam. Do đó, những bài viết đó có tác dụng và ảnh hưởng rất lớn.

Ảnh minh họa.

Vị tướng ngụy tâm sự: "Trong cuộc đời binh nghiệp của tôi, không thể nào quên năm 1968 khi được giao nhiệm vụ đánh vào một vùng giải phóng ở Tây Ninh. Do nắm không chắc tình hình, mặt khác quân giải phóng quá dũng cảm nên chúng tôi thua đau. Tôi kéo quân về hậu cứ thì ngay lập tức bị một cố vấn Mỹ nhổ nước bọt vào mặt và khinh bỉ, cho rằng tôi là một sĩ quan hèn nhát. Tôi buồn quá, nỗi buồn không biết chia sẻ cùng ai. Một đêm đã khuya tôi lần sóng radio tìm có chương trình gì hay nghe cho đỡ buồn, bắt gặp Chương trình “Nối liền Nam Bắc”. Giọng đọc một người con gái miền Bắc trên Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên, bất giác tôi chợt nghĩ hay quá. Thế rồi, đêm đêm tôi lại mở radio nghe cô ta đọc, sau khi nghe nhiều tôi liên rất mê tiếng con gái miền Bắc, một tiếng nói nhẹ nhàng, quyến rũ. Tôi ước gì được gặp cô phát thanh viên đó một lần, không chỉ phát thanh viên đọc hay mà các bài viết cũng rất hay, có lần cô phát thanh viên đọc đoạn: 'Chúng ta là người Việt Nam, cũng là con Lạc, cháu Hồng, sao lại nghe người ngoại bang để đánh nhau', câu nói này làm tôi nhớ mãi. Thú thật với anh, sau khi nghe câu đó tôi suy nghĩ rất nhiều, có lần tôi được giao nhiệm vụ trấn áp một ấp chiến lược ở Biên Hòa vì nhân dân ở đây chống đối chính quyền Việt Nam Cộng hòa rất quyết liệt. Tuy nhiên, khi đem quân đến tôi lại ám ảnh với câu nói từ giọng đọc của nữ phát thanh viên kia, tôi quyết định bố trí quân rồi bắn đạn lên trời một lúc sau đó lại rút quân về, không trấn áp dân. Chuyện này là duy nhất tôi nói với anh. Lúc đó cấp trên mà biết tôi sẽ bị Tòa án binh xét xử bỏ tù. Hơn một năm sau tôi lần được Đài Phát thanh Quân giải phóng, phải công nhận các ông có rất nhiều nhà báo có tài, rất nhiều bài viết làm cho chúng tôi nghe dao động tư tưởng. Bởi những bài viết đó đúng sự thật, đúng với lương tâm của mỗi con người, đúng đạo lý và cũng đúng với phong tục của người Việt Nam. Do đó, những bài viết đó có tác dụng và ảnh hưởng rất lớn.

Tôi cũng nghe nhiều lần cô Trần Thị Tuyết ngâm thơ, nhưng ấn tượng nhất là lần cô ngâm thơ chúc Tết Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó, giọng đọc cô trong trẻo, cuốn hút con người ghê gớm. Miền Bắc rất hạnh phúc vì có một vị lãnh tụ Hồ Chí Minh gần dân, vì dân, thương dân, hết mình vì dân. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là linh hồn của cuộc chiến thắng mà các ông giành được.

Tôi biết nhiều người ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, người dân miền Nam, trong đó có cả những cấp dưới của tôi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Quân giải phóng. Tôi hiểu rõ, dưới quân của tôi nghe đài của bên kia là sẽ bị bỏ tù không cần xét xử. Nhưng tôi mặc, vì họ chắc cũng có những tâm tư như tôi".

Đến nay đã 47 năm đất nước thống nhất. Tôi có rất nhiều suy nghĩ tại sao báo chí thời nay lại thiếu đi những bài bình luận, chuyện luận, phóng sự, tùy bút, xã luận sâu sắc, đi vào lòng người như trước đây. Sau tháng 02/1979 tôi lên công tác ở Vị Xuyên, chiến sự ở đây rất nóng bỏng và vô cùng ác liệt. Tôi vào một Tiểu đội chốt ở trong một cái hang. Thỉnh thoảng anh em được ở dưới đưa lên cho mấy tờ báo Quân đội. Anh em rất phấn khởi đọc không sót một chuyên mục nào. Các anh nói với tôi: “Báo Quân đội món ăn tinh thần của chúng tôi. Qua báo chúng tôi được biết các anh em ở Chi Ma, ở Lũng Cú cũng rất ác liệt, họ đứng vững, lập công vẻ vang”. Tôi càng hiểu báo chí đã tiếp sức mạnh cho người lính trụ vững nơi ác liệt nhất, hàng ngày đối mặt với kể thù rất nguy hiểm. 

Tết vừa rồi có một nhà báo già, ra sạp mua 05 số báo Tết. Đọc xong, nhà báo già than vãn về việc thèm đọc những bài tùy bút về mùa Xuân, cảm nghĩ về mùa Xuân, Đảng với mùa Xuân như trước đây.

Ông phàn nàn, báo Tết những năm gần đây chủ yếu làm kinh tế, quảng cáo nhiều hơn bài viết. Nghe ông phàn nàn cô con gái hiện đang làm báo liền đáp: “Thời bố làm báo chỉ tập trung làm sao viết cho hay. Người nào viết hay là nhà báo giỏi. Còn chúng con Tổng biên tập chú trọng người nào làm kinh tế giỏi. Không ít người chẳng biết làm báo, nhưng doanh thu cho tòa soạn khá là được. Có cơ quan báo chí cũng tuyển cả những người chưa một ngày làm báo, nhưng là chủ doanh nghiệp vào nói là làm báo, để chủ yếu tìm nguồn thu. Như thế làm gì có những bài viết như bố mong muốn. Nhiều vị cơ quan quản lý báo chí không hề học báo chí, chưa một ngày làm báo, nhận xét báo chí nói chung chung”. 

Đổi mới báo chí nhiều người nói, nhưng báo chí hiện nay độc giả đón đọc như thế nào, thì ít người quan tâm, chú ý. Các tờ báo, cũng như cơ quan quản lý báo chí chưa có thống kê, điều tra xã hội chất lượng đầu ra của tác phẩm báo chí, độc giả đón đọc như thế nào, để cải tiến nội dung, hình thức. Đây là một vấn đề rất quan trọng, cần phải quan tâm.

HẢI HƯNG

Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị (01/5/1972-01/5/2022): Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương phát triển toàn diện

Lê Minh Hoàng