/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Tản mạn về Mèo: Nguồn gốc và chủng loại mèo

Tản mạn về Mèo: Nguồn gốc và chủng loại mèo

21/02/2023 08:22 |

(LSVN) - Mèo là một trong những loài vật đông đảo nhất, phong phú nhất, hữu ích nhất và được con người thuần dưỡng sớm nhất. Thực tế đó bắt nguồn từ gốc tích xa xưa và chủng loại đa dạng của mèo. So với các loài vật nuôi khác, mèo có nhiều sự khác biệt và phức tạp, thể hiện rõ nét qua cấu tạo, đặc tính sinh học và hoạt động của nó. Loài mèo còn trở nên gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng sâu rộng tới cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người, trên khắp thế giới cũng như ở Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Truyện cổ Việt Nam kể rằng, xưa kia, vì các kho trên trời hay bị nạn trộm cắp nên Ngọc Hoàng phải tuyển một kẻ chuyên trông coi kho. Thử Thần được chọn vì ông ta vốn nổi tiếng chăm chỉ, nhanh nhẹn, được việc. Trở thành người quản lý đống của cải bao la, chẳng bao lâu Thử Thần sinh lòng tham, thực hiện hành vi biển thủ, tư túi. Chuyện bại lộ, Ngọc Hoàng rất tức giận, đem đày Thử Thần xuống cõi trần và hóa kiếp hắn thành con vật tí hon nhọn mồm, dài đuôi mà người ta gọi là “chuột”. Nhưng vẫn chứng nào tật ấy, chuột tiếp tục vụng trộm, phá phách lương thực, đồ đạc của loài người, đồng thời sinh sôi nảy nở rất nhanh. Không thể gọi Thử Thần về trời, Ngọc Hoàng nghĩ ra giải pháp khắc phục bằng cách triệu Miêu Thần đến giao nhiệm vụ hãy xuống cõi trần nói rõ cho Thử Thần là loài người nghèo túng nên không được trộm cắp, quấy phá họ; nếu Thử Thần vẫn không nghe thì cứ tùy ý trừng trị. Để thực hiện nổi sứ mệnh này, Miêu Thần được biến thành con vật nhanh nhẹn, dẻo dai, có giọng đanh lạnh và nanh vuốt sắc bén… Vừa xuống trần gian, Miêu Thần đã liên tục gào vào tai lũ chuột tiếng “nghèo” (loài người gọi chệch là “mèo”), đồng thời ráo riết săn bắt và tàn sát chúng. Loài người thoát nạn, cảm ơn Miêu Thần và mời ông ta về ở cùng với mình. Miêu Thần cũng dần bằng lòng với cuộc sống nơi trần thế, nhưng thỉnh thoảng lại nhớ lại các bạn xưa trên trời, ông ta đâm bực Thổ Công - vốn là kẻ gián tiếp gây ra sự chia ly ấy - nên… phóng uế bừa bãi vào chỗ ở của Thổ Công cho bõ ghét(!).

Trên đây là một trong hàng ngàn truyền thuyết khắp thế giới kể về sự tích loài mèo, đặc tính và sinh hoạt của chúng; thể hiện sức tưởng tượng phong phú của con người và cách lý giải lãng mạn, thú vị mà giản đơn về nguồn gốc một loài vật gần gũi. Đương nhiên, thực tế thì khác hẳn. Mèo - cũng như muôn loài - nằm trong tiến trình hình thành và tiến hóa phức tạp của sinh vật. Là một trong những loài thú cổ xưa nhất, các di tích hóa thạch cho thấy mèo xuất hiện cách đây chừng 70 triệu năm (một trong những bằng chứng điển hình về sự thuần dưỡng mèo là người ta đã tìm thấy thi thể một con mèo được chôn cùng với chủ của nó cách nay 9.500 năm tại Cyprus).

Mèo rừng sống ở khắp nơi trên thế giới, trừ lục địa Australia, New Zealand và một số đảo thuộc châu Đại Dương. Chúng gồm 6 loài chính, nặng từ vài đến vài chục kilogam. Mèo rừng Á Âu (Felis silvestris) phổ biến nhất, có ở châu Âu, châu Á (trừ các miền rừng xích đạo); dài tới 70 cm (với đuôi rậm, dài tới 40 cm); lông màu xám, cằm và bụng màu trắng, dưới chân có một chấm tròn đen. Mèo thảo nguyên (Otocolobus manul) sống tại các đồng cỏ miền núi Trung Quốc và Mông Cổ; dài tới 80 cm (với đuôi rất lớn dài 35cm), con ngươi tròn, lông dài màu vàng xám. Mèo linh (hay Linh miêu - Lynx lynx) có ở Bắc Âu, Bắc Á (với số lượng ít); dài tới 120 cm (nhưng đuôi ngắn - chỉ 20 cm); chót vành tai có một túm lông điển hình. Mèo đốm Phi (Leptailurus serval) sống ở gần khắp châu Phi (trừ những vùng sa mạc); dài tới 130 cm (với đuôi 35 cm); đầu nhỏ, tai to, thân và chân dài; lông màu hung nhạt điểm những đốm đen rất rõ. Mèo rừng Á (Felis chaus) có nhiều ở Đông Bắc Phi và châu Á; dài tới 70 cm (với đuôi dài 25 cm, mang những khoanh đen); lông thường màu nâu xám nhạt, đôi khi có đốm hoặc vằn. Mèo vàng Phi (Profelis aurata) sống nơi rừng xích đạo châu Phi; dài tới 115 cm (với đuôi dài 40 cm); đầu nhỏ, lông ngắn, mượt, màu sắc thay đổi, thường là nâu đỏ (hơi nhạt ở phía bụng), nhưng đôi khi xám hoặc nhiều đốm.

Mèo nhà được người Ai Cập cổ đại thuần dưỡng từ mèo rừng cách đây chừng 10.000 năm. Chúng nhanh chóng phát triển và du nhập vào khắp các châu lục. Hiện nay, tồn tại 330 loài mèo nhà với tổng số lượng khoảng 630 triệu con trên toàn thế giới, có loài đông tới nhiều chục triệu con (như mèo Xiêm), có loài lại rất hiếm - chỉ vài trăm con (như mèo nhân sư). Mèo nhà trung bình nặng 3-4 kg, lớn nhất là loài mèo Maine Coon (còn gọi là mèo Ragdoll, nặng tới 14 kg), nhỏ nhất là loài mèo Singapura (chỉ nặng trên dưới 2 kg).

Tuy cùng nguồn gốc, cùng họ, rất giống nhau về cấu tạo, đặc tính sinh học…, nhưng là vật nuôi chịu tác động của con người, mèo nhà cũng khác mèo rừng ở nhiều điểm: nhỏ yếu hơn, đa dạng hơn, ăn tạp hơn…

Mèo nhà nếu không có chủ nuôi thì dễ trở thành mèo hoang với cuộc sống tương tự mèo rừng. Điều ngược lại thì rất khó xảy ra: các nhà khoa học Mỹ, Đức, Nhật Bản… đã cố gắng thuần hóa mèo rừng từ nhỏ mà vẫn không thành công - khi lớn lên chúng vẫn mang đầy đủ những đặc điểm hoang dã và thờ ơ với con người. Đến nay, người ta vẫn chưa khám phá được bí quyết thuần dưỡng mèo rừng của dân Ai Cập xưa.

ANH HÙNG

Năm Mão nói chuyện con mèo

Nguyễn Hoàng Lâm