/ Pháp luật - Đời sống
/ TAND Tối cao giải đáp khái niệm “các quyết định khác của bản án” và việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL

TAND Tối cao giải đáp khái niệm “các quyết định khác của bản án” và việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL

11/09/2023 06:00 |

(LSVN) – Mới đây, TAND Tối cao đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri đề nghị làm rõ khái niệm “các quyết định khác của bản án” quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Hình sự”; việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL.


Ảnh minh họa.

TAND Tối cao giải đáp khái niệm “các quyết định khác của bản án”

Cụ thể, cử tri đề nghị TAND Tối cao làm rõ khái niệm “các quyết định khác của bản án” quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

Liên quan đến nội dung này, theo TAND Tối cao: Các “quyết định khác của bản án” quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Hình sự được hiểu là các quyết định về biện pháp tư pháp áp dụng đối với bị cáo, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự, án phí, xử lý vật chứng, tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa,... được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Trong thời gian tới, thông qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, TAND Tối cao sẽ nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 70 của Bộ luật Hình sự nếu xét thấy cần thiết.

TAND Tối cao giải đáp về việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL

Có cử tri nêu kiến nghị về việc: “Có ý kiến cho rằng trong thực tiễn xét xử có nhiều ý kiến chưa thống nhất việc trong việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL vì bên cạnh việc chứng minh bị cáo dùng hung khí nguy hiểm, tấn công vào vùng nguy hiểm trọng yếu trên cơ thể nạn nhân còn phải chứng minh thêm các tình tiết tính chất, mức độ, cường độ tấn công, sự quyết liệt trong hành động phạm tội của bị cáo để làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo có mong muốn tước đoạt tính mạng của bị hại hay không hoặc có thái độ bỏ mặc, bất chấp hậu quả, xem thường tính mạng của bị hại để từ đó xem xét định tội danh “Giết người”.

Nếu bị cáo không quyết liệt trong hành động phạm tội, chỉ dùng hung khí nguy hiểm đâm 1 nhát vào vùng trọng yếu trên cơ thể bị hại, bị hại không chết, đồng thời với thương tích của bị hại do bị cáo gây nên nếu không cấp cứu kịp thời cũng không nguy hiểm đến tính mạng thì chỉ định tội danh “Cố ý gây thương tích”.

Về nội dung kiến nghị này, TAND Tối cao cho biết, tại Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023, TAND tối cao đã có hướng dẫn thống nhất trong việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL “Về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại”.

Theo đó, để áp dụng án lệ này, trước tiên cần xác định vùng trọng yếu trên cơ thể của con người là những vùng có các cơ quan quan trọng quyết định đến sự sống của con người (ví dụ: Tim, gan, thận, não, động mạch chủ...), nếu bị xâm hại mà người bị xâm hại không được cấp cứu kịp thời sẽ chết.

Do đó, ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án, các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại; hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo.

Vì vậy, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng Án lệ số 47/2021/AL, mà chỉ xem xét áp dụng án lệ này trong trường hợp hành vi của bị cáo có đầy đủ các yếu tố nêu trên để xác định bị cáo phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.

PV

TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự

Bùi Thị Thanh Loan