/ Nghề Luật sư
/ Tập huấn kỹ năng của Luật sư khi tham gia tố tụng trọng tài thương mại quốc tế - Kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam

Tập huấn kỹ năng của Luật sư khi tham gia tố tụng trọng tài thương mại quốc tế - Kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam

13/10/2023 15:21 |

(LSVN) - Sáng nay (ngày 13/10/2023) tại Hà Nội, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức chương trình tập huấn trực tiếp, kết hợp trực tuyến về “Kỹ năng của Luật sư khi tham gia tố tụng trọng tài thương mại quốc tế - Kinh nghiệm của Nhật Bản và Việt Nam”.


Toàn cảnh buổi tập huấn.

Tham dự chương trình, về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên CEDR VMC.

Về phía JICA có Luật sư Tsukahara Masanori, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA; Luật sư Kawabata Yuchiro Yutaro, Văn phòng Luật Nishimura & Asashi.

Ngoài ra, buổi tập huấn còn có sự tham gia của Luật sư thuộc các Đoàn Luật sư trên cả nước qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.


Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết: Trong khuôn khổ Dự án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã tài trợ tổ chức khóa tập huấn, điều này sẽ góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng của Luật sư khi tham gia tố tụng tại Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế. Tại khóa tập huấn, các chuyên gia của cả hai bên sẽ chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho các Luật sư để có thể đại diện cho các doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp khi tham gia các vụ án thương mại quốc tế hiệu quả; đồng thời các Luật sư Nhật Bản sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế quý báu trong lĩnh vực này cho các Luật sư Việt Nam.


Luật sư Tsukahara Masanori, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA.

Về phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Luật sư Masanori Tsukahara, Chuyên gia dài hạn Dự án JICA bày tỏ sự vinh dự khi được tổ chức buổi tập huấn kỹ năng của Luật sư khi tham gia tố tụng trọng tài thương mại quốc tế.

Ông MasanoriTsukahara cho rằng, trên thế giới các cuộc giao dịch thường phát sinh tranh chấp, tại buổi tập huấn, phía JICA có các Luật sư giàu kinh nghiệm sẽ chia sẻ, thảo luận, phát biểu những thông tin bổ ích trong quá trình tranh tụng tại tòa thương mại quốc tế.


Đoàn chủ trì buổi tập huấn.

Tại buổi tập huấnLuật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN đã chia sẻ kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp trọng tài thương mại tại Việt Nam và quốc tế thông qua ba nội dung chính, gồm: Thỏa thuận trọng tài; công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam; một số lưu ý cho Luật sư khi tiến hành thủ tục trọng tài tại Việt Nam và quốc tế.

Theo Luật sư Tuyết các đặc điểm cơ bản của thỏa thuận trọng tài gồm:

- Thoả thuận trọng tài là cơ sở xác định phạm vi thẩm quyền của Hội đồng trọng tài hoặc các vấn đề của hợp đồng có thể giải quyết bằng trọng tài (Luật Trọng tài thương mại Điều 5);

- Thoả thuận trọng tài phải được lập bằng văn bản, có hiệu lực và có thể thực hiện được (Điều 2 Công ước New York, Luật Trọng tài thương mại Điều 16 khoản 2, Điều 18);

- Thoả thuận trọng tài thường được coi là độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài (Luật Trọng tài thương mại Điều 19);

- Khi các bên đã thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà một bên khởi kiện ra Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được (Luật Trọng tài thương mại Điều 6).


Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, Trọng tài viên VIAC, Hòa giải viên CEDR – VMC chia sẻ tại buổi tập huấn.

Tại tham luận của mình, Luật sư Đinh Ánh Tuyết cũng nêu lên hiệu lực của điều khoản trọng tài như: Thoả thuận trọng tài vô hiệu; thỏa thuận trọng tài không rõ ràng hoặc không thực hiện được; luật điều chỉnh thỏa thuận trọng tài; tranh chấp thuộc thẩm quyền của trọng tài và phạm vi thỏa thuận của thủ tục trọng tài; tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài và phạm vi thỏa thuận của thủ tục trọng tài.

Luật sư Đinh Ánh Tuyết đã nêu ra các vụ việc cụ thể; thủ tục tiền tố tụng và bắt đầu tố tụng trọng tài; quy định về đệ trình theo một số quy tắc trọng tài và các vấn đề về soạn thảo các đệ trình...

Luật sư Yutaro Kawabata, Văn phòng Luật Nishimura & Asashi đã trao đổi về thủ tục trọng tài theo quy tắc trọng tài ICC và những vấn đề cơ bản của trọng tài thương mại quốc tế từ kinh nghiệm làm Luật sư đại diện.

Luật sư Yutaro Kawabata đã nêu các chủ thể trong trọng tài thương mại quốc tế. Trong đó, ông đã khái quát thủ tục trọng tài thương mại quốc tế; sự tham gia của Luật sư trong trọng tài thương mại quốc tế (vai trò của Luật sư thay đổi theo sự thay đổi của thời đại); kinh nghiệm làm Luật sư đại diện trong trọng tài thương mại quốc tế...; kinh nghiệm làm Luật sư đại diện trong trọng tài thương mại quốc tế (Luật sư nước sở tại); kinh nghiệm làm Luật sư đại diện trong trọng tài thương mại quốc tế...; vai trò của Luật sư trong trọng tài thương mại quốc tế,...


Luật sư Kawabata Yuchiro Yutaro, Văn phòng luật Nishimura & Asashi chia sẻ bài tham luận tại buổi tập huấn.

Trong bài tham luận chia sẻ về kinh nghiệm làm Luật sư đại diện trong trọng tài thương mại quốc tế, Luật sư Yutaro Kawabata cho biết, có rất nhiều vụ kiện trọng tài mà nhiều Văn phòng luật cùng hợp tác với nhau để đại diện chung cho một khách hàng. Tranh chấp được giải quyết tại trọng tài quốc tế trải dài ở nhiều quốc gia, khu vực bối cảnh cũng khác nhau vì có rất nhiều bên tham gia nên chìa khóa thành công chính là sự đa dạng và tinh thần làm việc nhóm. Kinh nghiệm làm Luật sư đại diện trong trọng tài thương mại Luật sư nước sở tại đóng vai trò hỗ trợ cho Luật sư chính thực hiện các bước như phân tích về pháp luật Nhật Bản; tổng hợp và dịch các tài liệu là căn cứ cho những lập luận pháp lý; thu thập và dịch bản ý kiến của chuyên gia về pháp luật Nhật Bản; kiểm tra lại tính chính xác trong lời dịch của thông dịch viên trong phiên điều trần; xác thực lời dịch cũng như tính độc lập, trung lập của thông dịch viên... 

Đi kèm với vấn đề trên thì vai vai trò của Luật sư trong trọng tài thương mại quốc tế rất to lớn, như văn phòng chuyên về trọng tài quốc tế, khi được chỉ định là “Bên trợ giúp”, giúp khách hàng an tâm nhờ sự am hiểu sâu sắc về các thủ tục, chủ động chứng minh lập luận của mình, và dự phòng để phản bác lập luận của đối phương...

Tại buổi tập huấn, Luật sư Yutaro Kawabata cũng trả lời các câu hỏi của Luật sư Việt Nam khi tham gia tố tụng trọng tài thương mại quốc tế liên quan đến các vấn đề thuế, phí, quyền tố tụng của nguyên đơn và bị đơn,...

SỸ THÀNH – DANH THẾ

 

Bùi Thị Thanh Loan