(LSVN) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan xử lý dứt điểm các kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa.
Ngày 29/9/2022, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 309/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Hiệp hội doanh nghiệp, Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cụ thể, Thông báo 309/TB-VPCP nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan xử lý dứt điểm theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đối với những vấn đề có thể giải quyết ngay. Đối với những vấn đề phức tạp chưa giải quyết được, khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp với lộ trình cụ thể.
Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương báo cáo về việc xử lý các đề xuất, kiến nghị, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/10/2022 để tổng hợp, theo dõi và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa cho các doanh nghiệp, nhất là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà làm tăng chi phí, thời gian, dễ sinh tiêu cực, làm mất cơ hội; đồng thời phải tháo gỡ kịp thời, hiệu quả những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp kiến nghị.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các Hiệp hội doanh nghiệp, Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, gửi các Bộ, ngành, địa phương trước ngày 05/10/2022 để thực hiện; đồng thời thường xuyên đôn đốc, cập nhật tình hình giải quyết các đề xuất, kiến nghị này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: giao các Bộ, ngành, địa phương tiếp thu, xử lý theo thẩm quyền với lộ trình cụ thể; tập trung vào các đề xuất lớn, các giải pháp hoàn thiện chính sách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; tập trung các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thu hút đầu tư thông thoáng; về đào tạo nguồn nhân lực trong đó có việc mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề, đào tạo cao đẳng và đại học kịp thời, hiệu quả nhất là các ngành nghề mà các doanh nghiệp đang cần và phục vụ phát triển lâu dài bền vững.
Từ năm 2021 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam "với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là: (1) giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; (2) tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; (3) phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; (4) xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; (5) hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.
M.Q
Một số bản mẫu sách giáo khoa còn nhiều lỗi chính tả, câu từ, hình ảnh...