(LSVN) - "Ông già miền Tây" là tên gọi thân thương mà nhiều người dân Nam Bộ dành cho ông Hai Nghĩa, tức nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc.
Ông sinh ở Tây Nam Bộ nhưng lại có nhiều kỷ niệm và thời gian gắn bó với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Bước chân của ông đã lặn lộn đi khắp các tỉnh Tây Bắc để đến với đồng bào và luôn trăn trở “làm thế nào để đồng bào Tây Bắc có cuộc sống ngày càng ấm no hơn, xứng đáng với những đóng góp và truyền thống cách mạng hào hùng của mình”.
Là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, được Trung ương phân công giữ chức vụ Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc nên lúc đó ông có điều kiện để đến với đồng bào nơi đây khi mà cơ quan Ban chỉ đạo Tây Bắc đứng chân ở tỉnh Yên Bái.
Ông Bùi Thanh Thu, nguyên Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc xúc động nhớ lại: Ông Hai Nghĩa là người miền Tây Nam Bộ nên khi được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc thay anh Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) thì việc đầu tiên là ông đi kiểm tra các tỉnh trong vùng và khu vực miền núi phía tây của Thanh Hóa và Nghệ An để nắm bắt sâu sát cuộc sống của đồng bào nơi đây.
Qua những chuyến đi, ông nhận thấy đồng bào nơi đây còn nhiều khó khăn, là vùng “trũng” của đói nghèo, bệnh tật, cũng là một phần của nguyên nhân gây ra tệ nạn ma túy, hút chích. Ông trăn trở rất nhiều để làm sao đồng bào từng bước thoát nghèo mà việc đầu tiên phải tính đến là xây dựng hạ tầng giao thông. Từ đó, ông cùng các tỉnh kiến nghị Trung ương việc đầu tư làm đường giao thông, nhất là các tuyến đường huyết mạch giữa các tỉnh. Ông đã trực tiếp chỉ đạo việc nâng cấp Quốc lộ 70 từ Hà Nội đi Lào Cai để vận chuyển hàng hóa, thông thương lên cửa khẩu với nước bạn.
Việc giải phóng mặt bằng lúc bấy giờ rất khó khăn, ông trực tiếp đi đôn đốc, gặp lãnh đạo tỉnh, huyện, xã... lắng nghe và giải quyết những vấn đề vướng mắc để sớm có mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công. Sự quyết liệt, cụ thể và sâu sát của ông đã góp phần quan trọng để Quốc lộ 70 sớm hoàn thành, nối Hà Nội lên Lào Cai, đi lại dễ dàng hơn, thông thương hàng hóa thuận tiện hơn, nhân dân các dân tộc phấn khởi, đời sống từng bước được cải thiện.
Một câu chuyện còn lắng đọng mãi với ông Thu là việc Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Trương Vĩnh Trọng trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo cứu nạn vụ sạt lở núi làm chết và bị thương nhiều người ở huyện Pác Nặm (tỉnh Bắc Kạn) tháng 7 năm 2009. Ngày đó, cơn lũ dữ quét qua làm nhiều người ở huyện Pác Nặm bị vùi lấp và mất tích, các lực lượng dồn lực đào bới tìm thi thể nạn nhân suốt cả ngày đêm, ông Hai Nghĩa có mặt trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân, ở lại hiện trường xuyên đêm với các lực lượng. Ông căn dặn cán bộ địa phương phải dồn sức khắc phục hậu quả sạt lở đất, sớm ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời chỉ đạo tỉnh, huyện và xã vận dụng tối đa điều kiện, vật chất sẵn có, làm sao hỗ trợ người dân mau chóng xây lại nhà cửa, khắc phục thiệt hại về hoa màu cho nhân dân.
Ông Thu hồi tưởng lại: Cơn lũ vừa qua đi, hậu quả nặng nề đang chồng chất, anh Hai Nghĩa đã dẫn đầu đoàn đi bộ, vượt dốc cao, đồi núi đến với bà con vùng thiên tai. Đất trên các sườn đồi sạt lở, bùn sâu có chỗ tới hàng mét, cây cối bị lũ cuốn cùng nhà cửa, hoa màu ngổn ngang, đổ nát. Bà con địa phương cho biết, đây là cơn lũ lịch sử chưa từng có trong vòng 100 năm đến thời điểm đó, ông Hai Nghĩa rất xúc động, hỏi han cặn kẽ tình hình, diễn biến cơn lũ và động viên nhân dân cố gắng vượt qua những mất mát, thiệt hại. Ông Chu Thành Văn, một người dân địa phương đã nghẹn ngào: “Tôi cảm ơn Chính phủ, cảm ơn Phó Thủ tướng nhiều lắm vì đã đến tận nơi thăm hỏi chúng tôi”.
Ông Hai Nghĩa cũng dành tình cảm thân thương đặc biệt đến các chiến sĩ biên phòng khi trực tiếp đi đến tận các Đồn biên phòng để “tận mục sở thị” đời sống cán bộ chiến sĩ nơi biên cương. Ông đã lên Đồn biên phòng Na Mèo thuộc huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa để kiểm tra công tác tuần tra biên giới, phòng chống tội phạm và việc sinh hoạt, ăn ở, đời sống của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Trên khu vực biên giới, là lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhưng ông vẫn nghỉ đêm tại thị trấn vùng biên viễn đầy khó khăn và thiếu thốn trăm bề này để cảm nhận tốt nhất cuộc sống của đồng bào nơi đây, dù nhiều người đề nghị ông lên xe về tỉnh lỵ Thanh Hóa nghỉ ngơi, để bảo đảm sức khỏe, an toàn và an ninh.
Chị Nguyễn Thị Hồng, hiện là cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Bắc) không bao giờ quên những chuyến tháp tùng ông rong ruổi khắp vùng Tây Bắc.
“Trong một chuyến đi công tác, đoàn có dừng lại mua ngô luộc dọc đường của một cụ bà người dân tộc, ông trả tiền thừa cho cụ bà 5.000đ, lên xe chuẩn bị đi rồi mà bà cụ tất tả chạy theo xe, ông tưởng có chuyện gì thì bà cụ vội dúi vào tay ông số tiền thừa đó. Ông Hai Nghĩa ứa nước mắt nói “Đồng bào mình nghèo nhưng tốt bụng và thật thà quá”. Câu chuyện cảm động này vẫn được ông kể lại tại một số hội nghị mỗi khi nhắc về đồng bào các dân tộc Tây Bắc”, chị Hồng nhớ lại.
Đối với các cán bộ, nhân viên của Ban Chỉ đạo, ông luôn lắng nghe và chia sẻ từng vấn đề nhỏ trong cuộc sống. Ông thường đọc câu thơ để động viên mọi người: “Nỗi buồn thì đổ xuống sông/ Niềm vui giữ lại trong lòng dài lâu”.
Chị Lã Thị Thu Hà, dân tộc Tày, làm tạp vụ ở Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã khóc nức nở khi sáng 19/2 nghe tin ông mất. Chị chia sẻ không bao giờ quên được từng cử chỉ ân cần của ông mỗi khi ông lên Tây Bắc, ăn cơm cùng cán bộ, nhân viên của Ban chỉ đạo. “Tôi không nghĩ, lãnh đạo cấp cao như bác mà lại gần gũi, thân thương như thế”.
Đặc biệt, trong cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Bắc, ông nhớ tên từng người, quê quán, Tết nào cũng lì xì mừng tuổi và gửi quà Bến Tre cho mọi người. Ai cũng vui khi đón ông lên Tây Bắc, đưa ông xuống cơ sở và được quây quần bên ông, trò chuyện rôm rả mà không có bất cứ một khoảng cách rụt rè của nhân viên với một vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Mỗi lần đi thị sát các tỉnh, nhất là đối với việc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, ông trực tiếp đi kiểm tra tại thôn, xã và luôn nói với cán bộ cơ sở là “làm an sinh xã hội thì đừng thò tay ăn bớt của đồng bào đồng nào. Làm như thế là chết không nhắm được mắt đâu”.
Khi nghỉ hưu, ông vẫn đau đáu về Tây Bắc, khi sức khỏe và điều kiện cho phép ông lại lên Tây Bắc như một nẻo đi về thân thuộc trong hành trình cách mạng và xây dựng đất nước của mình. “Bác nói, sau này bác mất, linh hồn bác vẫn bay khắp trời Tây Bắc cùng bà con nơi đây”, chị Hồng kể.
Gần đây, ngày 15/10/2020, chúng tôi vẫn còn được gặp và nói chuyện cùng ông khi ông đi dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI. Dáng đi của “ông già miền Tây” còn nhanh nhẹn, vẫn hỏi han mọi người, dâng hương cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh trước khi khai mạc Đại hội. Tại Đại hội, ông đã gặp gỡ các đại biểu và trao đổi về nhiều vấn đề phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà, sao cho quê hương xứ dừa phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với truyền thống cách mạng của quê hương Đồng Khởi anh hùng.
Xin kết thúc bài viết này bằng hai câu thơ mà chị Nguyễn Thị Hồng viết vội để kính dâng lên hương hồn ông.
“Trời Giồng Trôm hôm nay buồn tiễn biệt
Một người con về đất Mẹ ngàn thu”.
LÊ SƠN/VGP