(LSVN) - Cuối năm 2023, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố 7 luật vừa được Quốc hội thông qua. Ngày 26/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023 để thảo luận, xem xét 7 đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và 2 dự thảo luật.
Ảnh minh họa.
Thực tế năm vừa qua, các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đã nỗ lực rất nhiều trong việc thực hiện chủ trương lớn về việc xây dựng và hoàn thiện thể chế - một nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ. Trong đó, cốt yếu là yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhiệm vụ cải cách thể chế, hay cải thiện môi trường kinh doanh đã có bước tiến đáng kể. Qua năm tới, 2024 và nhiều năm sau, thành tựu đó sẽ đặt ra thách thức rất lớn trong việc tổ chức thực hiện. Bởi thực tế, vẫn thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật ở nhiều cấp, nhiều ngành - thể hiện ở thực trạng rất nhiều công chức (kể cả cấp cao nhất) bị xử lý về hành chính và hình sự mấy năm gần đây.
Thách thức rất lớn và rất nhiều, trước mắt phải kể đến hai thách thức “nặng ký” dưới đây:
Thách thức đầu tiên là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã đẩy lên đỉnh điểm mà vấn nạn này chưa hề có dấu hiệu thay đổi. Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, nhớ lại khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử của thẩm phán, ngành tòa án luôn nhấn mạnh “liêm chính” là đức tính quý báu của con người, gồm thanh liêm và chính trực. Nhưng nay, chính ông nhận định: “Hiện nay không phải ai cũng chính trực được đâu” (phát biểu tại cuộc tọa đàm “Giáo dục phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới” do Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 19/10/2023).
Thách thức lớn nữa là phải kiên định và thậm chí cần gay gắt và quyết liện khắc phục tình trạng tùy tiện - thậm chí là vô pháp - còn phổ biến trong cộng đồng và các tổ chức, cơ quan. Từ đã lâu và cho đến hiện nay, pháp luật được ban hành nhiều và từng bước được hoàn thiện, nhưng không phải tất cả đều đi vào cuộc sống. Tình trạng không biết quy định pháp luật liên quan đến mình và vi phạm pháp luật còn khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực.
Vào dịp cuối năm này, lại rộ thông tin về kỷ luật được chuyển đến hay đang được Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện. Mới nhất là vụ ngày 25/12/2023 khởi tố, bắt giam Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vụ Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Đến nay, trong quản lý còn phổ biến tình trạng không phải làm theo quy định pháp luật, mà là làm theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Nổi cộm là vụ EVN phải gánh hơn 1.400 tỷ đồng, vì làm theo sự chỉ đạo của Bộ Công thương; mà ngày 25/12/2023 Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, xử lý theo thẩm quyền với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Thách thức có tính trầm kha, khó vượt qua chính là thói quen, tập quán phổ biến trong bộ máy quản lý các cấp, các ngành là xin ý kiến và làm theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Phải làm sao để từ bỏ triệt để thói quen này!?
Thách thức cần vượt qua để thực hiện kỳ vọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã đề ra và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị năm qua còn nhiều đòi hỏi, yêu cầu khác nữa.
Nhưng, trước hết và chủ yếu là cần nỗ lực vượt bậc để vượt qua, đẩy lùi hai vấn nạn có thể gọi là trầm kha đã nêu trên. Yêu cầu về cải cách thể chế của Việt Nam là cấp bách, nhưng phải thay đổi tư duy, thay đổi cách làm và đặc biệt nhấn mạnh đến thời gian để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sự nỗ lực vượt bậc đó đòi hỏi không chỉ đối với các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, mà là đòi hỏi với cả cộng đồng, với mỗi công dân.
Trước hết, năm 2024 cần tập trung đẩy mạnh hàng loạt lĩnh vực, bao gồm tuyên truyền phổ biến pháp luật; tăng cường công tác giám sát - phản biện tuân thủ pháp luật ở mọi cấp, mọi ngành; nâng cao ý thức pháp luật trong cộng đồng và tại các cơ quan hành pháp, tư pháp. Đây là nỗ lực đặt lên hàng đầu và trước hết thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước các cấp để vượt qua thách thức lớn đã nêu trên.
Bên cạnh sự nỗ lực chủ yếu của hệ thống các cơ quan nhà nước, cần huy động tối đa ưu thế của đội ngũ đông đảo các luật gia, luật sư về mặt pháp lý. Nếu huy động ưu thế của đội ngũ chuyên gia pháp lý này - không chỉ trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, mà cả trong hoạt động giám sát, phản biện và tố tụng dân sự, hành chính, hình sự - sẽ góp phần đáng kể vào nỗ lực chung vượt qua thách thức rất lớn trong giai đoạn nhiều năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Ảnh minh họa.
Việc xây dựng - phổ biến - thực thi - giám sát pháp luật được thực hiện tốt sẽ biến những giá trị văn hóa - kinh tế thành nguồn lực quan trọng của đất nước. Việc huy động lực lượng đông đảo đội ngũ chuyên gia pháp lý là các luật gia, luật sư sẽ tạo ra sự trợ giúp đắc lực cho hàng triệu doanh nghiệp, doanh nhân giảm thiểu tranh chấp với đối tác, khách hàng, ổn định quan hệ nội bộ và ngăn ngừa rủi ro, bảo đảm sự phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh có cả yếu tố quốc tế giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng, luôn ở vai trò là người yếu thế khi gặp sự cố. Đương nhiên, để có thể đóng góp tích cực vào sự nỗ lực vượt bậc này, bản thân đội ngũ chuyên gia pháp lý này cũng phải nỗ lực vượt lên chính hiện tại của mình. Bởi lẽ, công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ - xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt họ đối mặt với thách thức rất lớn.
Nếu các luật gia, luật sư có khả năng tiếp cận, tìm hiểu và nắm vững các vấn đề trọng tâm, các nội dung chủ yếu của công cuộc này - mà trực tiếp là hàng loạt quy định pháp luật mới ban hành khá nhiều thay đổi, bởi yêu cầu tương thích với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao mà Việt Nam đã tham gia và sẽ tiếp tục tham gia thì họ sẽ có đóng góp tích cực.
Sự nỗ lực vượt bậc trong giai đoạn hiện nay là đòi hỏi chung với cộng đồng, với cả hệ thống. Thiếu điều đó, dù là cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào đều có thể bị loại khỏi “cuộc chơi”!
Luật gia, Nhà báo PHAN VĂN TÂN
Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất