Ảnh minh họa.
Ngày 03/8/2022, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử và tuyên 2 bị cáo 19 năm tù giam về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và tội "Giả mạo trong công tác". Một bị cáo nguyên là nhân viên hợp đồng không xác định thời hạn của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, bị cáo thứ hai nguyên là công chức Tư pháp – Hộ tịch của một xã trên địa bàn. Hai cán bộ này đã cấu kết với nhau, nhận hồ sơ của người dân có nhu cầu thực hiện các thủ tục về đất đai như tăng diện tích hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhận tiền của họ nói là đóng thuế, phí.
Sau khi nhận hồ sơ và tiền thì tự ý sửa chữa, thêm thắt những yêu cầu của dân vào hồ sơ, giả mạo chữ ký của Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai rồi trả lại cho người dân. Số tiền người dân nộp khoản vài trăm triệu đồng, hai cán bộ này chia nhau thụ hưởng.
Có một sự trùng hợp là, cũng ngày này, 03/8/2022, Công an thị xã Thái Hòa (Nghệ An) đã bắt 6 đối tượng gồm các cán bộ của Văn phòng Đăng ký đất đai và cán bộ địa chính của các phường xã trên địa bàn cùng với tội danh "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Các đối tượng này đã thực hiện hành vi thông đồng, móc nối với nhau để vòi vĩnh, nhận tiền của người dân khi thực hiện việc sang tên, chuyển nhượng, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số tiền mà bọn chúng chiếm đoạt của người dân là 760 triệu đồng.
Đáng chú ý hơn, thủ đoạn và hành vi phạm tội của nhóm cán bộ địa chính tại Nghệ An không khác gì với các tội phạm ở Quảng Nam vừa bị tuyên phạt 19 năm tù và cũng cùng một tội danh như thế. Hành vi phạm tội của các cán bộ Quảng Nam xảy ra vào những năm 2015, 2016, 2017 và lặp lại tương tự như thế đối với các cán bộ địa chính Nghệ An vào năm 2022. Chi tiết này cho thấy, thủ đoạn phạm tội trong lĩnh vực quản lý đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có gì mới nhưng thịnh hành và phổ biến, dù những trường hợp bị lộ, bị trừng phạt thì tác dụng răn đe, ngăn ngừa cũng không mấy hiệu quả đối với những cán bộ mờ mắt vì tiền.
Chắc chắn rằng, tại nhiều địa phương trong cả nước, tình trạng vòi vĩnh người dân trong lĩnh vực quản lý đất đai thường xuyên xảy ra với các thủ đoạn tương tự như 2 vụ án kể trên. Đã có khá nhiều vụ bị phanh phui và không ít các cán bộ địa chính, đăng ký đất đai và cả lãnh đạo chính quyền địa phương lâm vào vòng lao lý, song tình trạng này vẫn cứ diễn ra.
Căn nguyên của tình trạng tham nhũng vặt này hẳn phải là do chính sách quản lý đất đai cũng như những quy định pháp luật chưa phù hợp, tạo kẽ hở và môi trường thuận lợi cho việc tham nhũng, cần sớm được tìm ra và khắc phục. Nếu chỉ hô hào “đạo đức cán bộ”, phải “vì dân” và “liêm khiết” thôi là chưa đủ!
NHỊ NGỌC
Bổ nhiệm cán bộ và truyền thống gia đình