Ảnh minh họa.
Cụ thể, Điều 20, Luật Phòng thủ dân sự 2023 về thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự nêu rõ, căn cứ quy định tại Điều 7 của Luật này, thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự được quy định như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1 trên địa bàn quản lý;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2 trên địa bàn quản lý;
- Thủ tướng Chính phủ ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3.
Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự theo quy định trên.
Điều 7. Cấp độ phòng thủ dân sự 1. Cấp độ phòng thủ dân sự là sự phân định mức độ áp dụng các biện pháp của các cấp chính quyền trong phạm vi quản lý để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, làm cơ sở xác định trách nhiệm, biện pháp, nguồn lực của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự. 2. Căn cứ xác định cấp độ phòng thủ dân sự bao gồm: a) Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm hoạ; b) Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của sự cố, thảm họa; c) Diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra; d) Khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa của chính quyền địa phương và lực lượng phòng thủ dân sự. 3. Cấp độ phòng thủ dân sự được quy định như sau: a) Phòng thủ dân sự cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã; b) Phòng thủ dân sự cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện; c) Phòng thủ dân sự cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh. |
Như vậy, đối với thẩm quyền bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự được quy định trong 03 trường hợp, bao gồm:
- Đối với cấp độ phòng thủ dân sự 1 sẽ do Ủy ban nhân dân cấp huyện bãi bỏ trên địa bàn quản lý của mình;
- Đối với cấp độ phòng thủ dân sự 2 sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bãi bỏ trên địa bàn quản lý của mình;
- Đối với cấp độ phòng thủ dân sự 3 sẽ do Thủ tướng chính phủ bãi bỏ.
Ngoài ra, tại Điều 21, Luật Phòng thủ dân sự 2023 cũng quy định về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản như sau:
- Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản theo quy định của pháp luật để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định điều động, huy động lực lượng, trang thiết bị, tài sản của các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa;
- Trang thiết bị, tài sản được huy động để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa phải được hoàn trả ngay sau khi kết thúc nhiệm vụ; trường hợp bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật;
- Trong trường hợp cấp thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra sự cố, thảm họa đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài trên địa bàn quản lý hỗ trợ, giúp đỡ để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Như vậy, đối với trường hợp huy động lực lượng phòng thủ dân sự sẽ do Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ra quyết định huy động lực lượng phòng thủ dân sử để khắc phụ hậu quả sự cố, thảm họa.
Luật Phòng thủ dân sự 2023 này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
NGUYỄN ANH