Để thực hiện theo mô hình 02 cấp nêu trên, tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vừa qua Chánh án TAND Tối cao đã trình bày Tờ trình dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung lần này có rất nhiều điểm mới, đặc biệt là về phạm vi, thẩm quyền xét xử của Tòa án.
So với các quy định trước đây tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Luật Phá sản năm 2014 thì TAND cấp huyện chỉ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với một số vụ án hành chính, vụ việc dân sự, phá sản được quy định tại Điều 31 Luật Tố tụng hành chính; khoản 1, 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 2 Điều 8 Luật Phá sản. Còn các vụ án, vụ việc dân sự có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài, các vụ án hành chính về việc khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện và cơ quan nhà nước cấp tỉnh trở lên sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm của TAND cấp tỉnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Thế nhưng, theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung được Chánh án TAND Tối cao trình bày tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội thì đã điều chỉnh tăng thẩm quyền của TAND khu vực theo hướng TAND khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Còn TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính mà bản án, quyết định của TAND khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Bổ sung thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án TAND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh. Như vậy, TAND cấp tỉnh không còn thẩm quyền về giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; giải quyết phá sản; tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại.
Đối với các vụ án hình sự thì thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của TAND khu vực và TAND cấp tỉnh vẫn giữ nguyên và thực hiện theo quy định tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021.
Theo Điều 6, Điều 7 của Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định về tiếp nhận, thực hiện thẩm quyền của các TAND của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì đối với các vụ án, vụ việc mà TAND cấp huyện đã thụ lý trước ngày 01/7/2025 và đang được giải quyết thì sẽ xử lý như sau:
- Nếu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các vụ án, vụ việc vẫn thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của TAND cấp huyện đó thì các vụ án, vụ việc này sẽ chuyển giao cho TAND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của TAND cấp huyện đó để tiếp tục giải quyết.
- Nếu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, các vụ án, vụ việc không thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của TAND cấp huyện đó thì xử lý như sau:
Trường hợp đã có Quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc đã tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại thì TAND cấp huyện chuyển giao vụ án, vụ việc cho TAND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của TAND cấp huyện đó để tiếp tục giải quyết.
Trường hợp chưa có Quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc chưa tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại thì TAND cấp huyện chuyển giao vụ án, vụ việc cho TAND khu vực có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ theo đơn vị hành chính cấp xã mới đối với vụ án, vụ việc đó.
Trường hợp TAND khu vực sau khi tiếp nhận vụ án, vụ việc mà phát hiện vụ án, vụ việc không thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án mình và thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị quyết thì chuyển hồ sơ vụ án, vụ việc cho TAND khu vực có thẩm quyền theo lãnh thổ theo đơn vị hành chính cấp xã mới đối với vụ án, vụ việc đó.
Việc sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền của TAND là cần thiết, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, quy định thẩm quyền giải quyết vụ án, vụ việc của TAND 03 cấp (sau sắp xếp tổ chức bộ máy) là bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với mô hình tổ chức bộ máy nhà nước mới và các luật liên quan trong hệ thống pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung này còn phù hợp với chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong ngành TAND, bảo đảm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, yêu cầu phá sản đều được giải quyết từ cơ sở.
Hiện nay, TAND khu vực có quy mô, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, cơ sở vật chất, số lượng cán bộ, Thẩm phán lớn hơn nhiều so với TAND cấp huyện. Với việc sáp nhập tỉnh, thành thì một số cán bộ, Thẩm phán có kinh nghiệm tại TAND cấp tỉnh sẽ được tăng cường cho TAND khu vực. Những năm qua, các Tòa án đều chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, Thẩm phán; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác TAND. Vì vậy, TAND khu vực có đủ điều kiện để thực hiện tốt thẩm quyền tố tụng được giao.
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.