Hình ảnh đối tượng và chiếc xe ô tô nhãn hiệu Peugrot mang biển kiểm soát 30G-578.32 được camera an ninh ghi lại.
Theo phản ánh của anh Nguyễn Công Hoàn (sinh 1977, thường trú tại khu 7, Tân Sơn, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, vào khoảng 21h55, ngày 15/02/2021 gia đình anh Hoàn đang xem tivi trong nhà thì bị 03 đối tượng lạ mặt phá cửa xông vào đập phá, làm hư hỏng một số tài sản.
Ngoài ra, chiếc xe ô tô nhãn hiệu Fortuner cũng bị các đối tượng đập phá dẫn tới bị móp nắp capo, xước đuôi nắp cốp xe và cả xước đèn pha trước bên phải; vách kính nhà kho bị vỡ. Toàn bộ sự việc đã được camera an ninh ghi lại.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, anh Hoàn đã làm đơn trình báo gửi đến Công an huyện Thạch Thành. Trong đó, anh Hoàn đã cung cấp cho cơ quan chức năng hình ảnh chiếc xe ô tô nhãn hiệu Peugrot mang biển kiểm soát 30G-578.32, cùng hình ảnh 3 đối tượng đến gây rối, đập phá tài sản.
Bỏ ngoài danh sách định giá tài sản bị hư hại
Ngày 29/3/2021, cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Thành ban hành Thông báo số 199/TB-CQĐT về nội dung kết luận định giá tài sản. Thông báo do Thượng tá Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT ký ban hành.
Thông cho biết, toàn bộ giá trị của các tài sản bị thiệt hại tại thời điểm xảy ra vụ việc được định giá tổng cộng là 946.000 đồng. Trong đó, anh Hoàn cho biết, thiệt hại xảy ra đối với xe ô tô và vách kính nhà kho của gia đình lại không được cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Thành đưa vào nội dung định giá.
Thông báo số 199/TB-CQĐT về nội dung kết luận định giá tài sản.
Tuy nhiên, theo nội dung Thông báo số 261/TB-CSĐT về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Thành, thì cơ quan này có liệt kê tài sản bị hư hại là chiếc xe ô tô Fortuner của anh Hoàn vào trong Thông báo. Nhưng, trong kết quả định giá tài sản cơ quan này đưa ra lại không có.
Thông báo số 261/TB-CSĐT về kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Thành.
Đồng thời, dữ liệu camera an ninh ghi lại có đầy đủ hình ảnh chiếc xe ô tô cùng biển kiểm soát và hình ảnh 3 đối tượng đến gây rối, phá hoại tài sản gia đình anh Hoàn nhưng trong các văn bản của cơ quan Công an huyện Thạch Thành trả lời anh Hoàn lại không nhắc đến lai lịch của 3 đối tượng này.
“Xét thấy vụ việc xảy ra vào ngày 15/02/2021 tại khu phố 7, Tân Sơn, thị trấn Kim Thành, huyện Thạch Thành không cấu thành tội Hủy hoại tài sản, quy định tại Điều 178 - Bộ luật Hình sự. Ngày 15/4/2021 cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Thành đã ra Quyết định Không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc nêu trên và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Công an huyện Thạch Thành để xem xét, xử lý vi phạm hành chính đối với những người có liên quan theo đúng quy định pháp luật”, nội dung Thông báo nêu.
Vậy, cơ quan CSĐT Công an huyện Thạch Thành “xử lý vi phạm hành chính đối với những người có liên quan” gồm những ai, ở đâu trong vụ việc này?
Từ những điểm chưa rõ ràng, ngày 16/4/2021 anh Hoàn đã làm đơn khiếu nại nội dung kết luận định giá tài sản và việc không khởi tố vụ án hình sự đối với 3 đối tượng gây rối, hủy hoại tài sản của gia đình.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, khởi tố vụ án hình sự đánh dấu sự mở đầu của quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định chặt chẽ, bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Luật sư Bình cho rằng, hủy hoại tài sản của người khác không đơn giản là vấn đề bồi thường thiệt hại là xong, mà theo quy định của pháp luật hình sự khi giá trị tài sản đủ lớn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “Hủy hoại tài sản”, được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015.
“1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật. ....”. |
Nhận định về vụ việc trên, Luật sư Bình cho rằng những tài sản này bị hư hại là do các đối tượng trong cùng vụ việc gây ra nhưng không đưa vào định giá hoặc định giá thấp giá trị thiệt hại để không truy cứu trách nhiệm hình sự là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Do đó, bị hại có quyền khiếu nại quyết định định giá tài sản này.
Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và đồng thời cũng quy định nghĩa vụ của họ để việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được tiến hành thuận lợi. Theo đó, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa; được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Luật sư Bình nêu rõ, căn cứ Điều 222, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản như sau:
- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị định giá tài sản của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.
- Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận định giá tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận định giá tài sản cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.
- Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.
- Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, kết luận định giá tài sản có ý nghĩa rất lớn trong việc giải quyết vụ án hình sự. Tính khách quan, chính xác của kết luận định giá tài sản vừa góp phần xác lập, củng cố chứng cứ, giải quyết đúng đắn vụ án hình sự, vừa góp phần bảo vệ quyền của bị can, bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng khác.
Do đó, sau khi có kết luận giám định tài sản, ông Hoàn có quyền khiếu nại kết luận này và Cơ quan điều tra phải có văn bản trả lời. Trong trường hợp Cơ quan CSĐT đã ra quyết định không khởi tố vụ án thì ông Hoàn cũng có quyền khiếu nại đối với quyết định không khởi tố này.
Đối với việc mặc dù Cơ quan CSĐT không xác định các đối tượng đập phá tài sản là ai nhưng vẫn có ý kiến xử phạt hành chính. Luật sư Bình cho biết, theo quy định của pháp luật trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết kết quả giải quyết vụ việc.
Khi người bị hại có yêu cầu, đề nghị về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu, đề nghị đó và báo cho họ biết kết quả. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị thì Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát thì người tham gia tố tụng có quyền khiếu nại. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
“Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, cho dù có đề xuất xử phạt vi phạm hành chính thì cũng phải có cá nhân, tổ chức vi phạm và việc này cũng cần được thông báo đến người bị hại để nắm rõ”, Luật sư Bình bày tỏ quan điểm.
PV