/ Pháp luật - Đầu tư
/ Thanh Hóa: Dự án 'khách sạn 5 sao bỏ hoang' gần 12 năm chưa bị thu hồi?

Thanh Hóa: Dự án 'khách sạn 5 sao bỏ hoang' gần 12 năm chưa bị thu hồi?

24/05/2021 08:55 |

(LSVN) - Chấp thuận địa điểm đầu tư từ năm 2007, được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất năm 2009 nhưng đến nay sau gần 12 năm, Dự án “khách sạn 5 sao” do Công ty cổ phần xi măng Công Thanh làm chủ đầu tư vẫn bỏ hoang giữa lòng TP. Thanh Hóa. Tại sao UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa ra quyết định thu hồi Dự án này?.

17.963m2 đất thuộc Dự án “khách sạn 5 sao” không qua đấu thầu, gần 12 năm qua bỏ hoang để cỏ mọc um tùm giữa lòng TP. Thanh Hóa.

Không tổ chức đấu thầu

Ngày 14/11/2007, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 2511/SXD-HT gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị chấp thuận địa điểm cho Công ty cổ phần xi măng Công Thanh thuê 50 năm gần 2ha “đất vàng” tại Khu đô thị mới Đông Hương để xây “khách sạn 5 sao” giữa lòng TP. Thanh Hóa. Theo đó, ngày 21/11/2007, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Văn bản số 4940/UBND-NN đồng ý về chủ trương cho Công ty cổ phần xi măng Công Thanh hoàn thiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại theo quy định của pháp luật kèm theo cam kết đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền kề từ ngày nhận bàn giao đất.

Ngày 25/4/2008, ông Mai Văn Ninh (Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa) ra Quyết định số 1097/QĐ-UBND thu hồi và giao gần 2ha đất tại phường Đông Hương, giữa lòng TP. Thanh Hóa cho Công ty cổ phần xi măng Công Thanh.

Dự án này là cách Trung tâm Bưu điện tỉnh Thanh Hóa hơn 1km về hướng đông; tiếp giáp đại lộ Lê Lợi; phía trước là dự án “nghìn tỉ” Công viên văn hóa xứ Thanh, phía sau là khu đô thị Bình Minh. Giá đất theo giá thị trường tại khu vực này khoảng từ 40-70 triệu đồng/m2 (tùy theo thời điểm).

Tuy nhiên, diện tích 17.963m2 đất thuộc Dự án này không qua đấu thầu, mặc dù thời điểm Công ty cổ phần xi măng Công Thanh được giao đất, Luật Đấu thầu số 2005 vẫn đang có hiệu lực thi hành.

Hệ quả là gần 12 năm qua, khu đất có diện tích 17.963m2 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Công ty cổ phần xi măng Công Thanh vẫn bỏ hoang, bên trong tường rào của khu đất cỏ mọc um tùm, làm xấu cảnh quan giữa lòng thành phố, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Thanh Hóa.

Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản chỉ đạo nhưng Công ty cổ phần xi măng Công Thanh vẫn chây ì chưa nộp thuế sử dụng đất của Dự án vào ngân sách nhà nước.

“Đánh bùn sang ao” không thành

Theo thông tin thu thập được, tháng 01/2019, Công ty cổ phần xi măng Công Thanh bất ngờ có văn bản xin điều chỉnh hồ sơ quy hoạch tổng mặt bằng dự án gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, nhằm “đánh bùn sao ao”.

Chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh toàn bộ quỹ đất từ hình thức xây dựng hợp khối công trình dịch vụ thương mại, văn phòng làm việc, khách sạn cao 28 tầng thành khu trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và nhà ở kết hợp thương mại Shophose Công Thanh. Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã tổng hợp ý kiến của các sở, ngành chức năng và có Văn bản 3396/SXD-PTĐT ngày 17/6/2019 thống nhất báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa không chấp thuận đề nghị điều chỉnh mặt bằng quy hoạch dự án trên của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh.

Mặt khác, việc xin điều chỉnh dự án của chủ đầu tư không phù hợp với chức năng sử dụng của lô đất theo quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 668/QĐ-UBND ngày 07/3/2011 và quy hoạch sử dụng đất được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định 1960/QĐ-UBND ngày 24/5/2019.

Dù vậy, ngày 11/3/2020, Công ty cổ phần xi măng Công Thanh lại tiếp tục có văn bản đề nghị điều chỉnh dự án “đánh bùn sang ao” từ khách sạn cao cấp 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại thành dự án khu phức hợp thương mại và dịch vụ cho thuê Công Thanh.

Trước sự việc trên, Viện Quy hoạch kiến trúc tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc chủ đầu tư đề xuất bố trí 2 khối Shophose dạng liền kề có khối tích nhỏ giáp đại lộ Lê Lợi là không phù hợp với định hướng không gian kiến trúc tuyến đường này đoạn từ đường Lý Nam Đế đến đại lộ Hùng Vương. Viện Quy hoạch kiến trúc khuyến cáo cần tránh việc tiếp tục xây dựng các công trình có khối tích nhỏ làm “chia nát không gian dọc đại lộ Lê Lợi” tại khu vực này.

Ngày 16/4/2020, Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số 09/VP-HQHTH nhận định rằng việc điều chỉnh mặt bằng không phù hợp với tổ chức không gian kiến trúc của mặt đường Lê Lợi; giải pháp tổ chức mặt bằng lộn xộn giữa các khu chức năng; các lô đất có diện tích 346m2 đến 657m2 xây dựng 3 tầng dùng để làm dịch vụ cho thuê không có tính thuyết phục, vì đây là hình thức “lách dự án” thành mô hình nhà ở kiểu chia lô, biệt thự.

Tương tự, UBND TP. Thanh Hóa cũng không đồng ý với đề nghị của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh và cho rằng việc chia nhỏ không gian thương mại dịch vụ thành 31 lô với chiều cao từ 3 đến 5 tầng sẽ khó quản lý trong việc sử dụng đúng mục đích khi dự án đi vào hoạt động.

Liệu Nhà nước có thất thu cả trăm tỉ tiền sử dụng đất?

Khi làm việc với Cục thuế tỉnh Thanh Hóa được biết, ngày 16/12/2019, cơ quan này đã ban hành Thông báo số 1287/TB-CT về việc thông báo tiền sử dụng đất cho Công ty cổ phần xi măng Công Thanh phải nộp vào ngân sách nhà nước với tổng số tiền là 164,02 tỉ đồng; thời hạn nộp trong vòng 30 ngày, tính từ ngày ký thông báo nộp 50%, trong thời hạn 60 ngày tiếp theo nộp 50% số tiền còn lại. Cục thuế tỉnh Thanh Hóa đã hai lần mời Công ty cổ phần xi măng Công Thanh làm việc nhưng doanh nghiệp này vẫn không cam kết thực hiện nộp tiền sử dụng đất.

Ngày 09/6/2020, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cũng có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thu hồi nợ tiền sử dụng đất và biện pháp xử lý đối với dự án của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh. Theo đó, Sở Tài chính kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ tài chính; đồng thời thống nhất với đề nghị của Cục thuế, nếu quá thời hạn, chủ đầu tư không nộp quá hạn (lần 1) là 82,01 tỉ đồng, thì Chi cục thuế khu vực TP. Thanh Hóa - Đông Sơn thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Trường hợp đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế mà doanh nghiệp vẫn không chấp hành, giao Cục thuế tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích dự án.

Ngày 15/6/2020, trên cơ sở báo cáo của Cục Thuế tỉnh và Sở Tài chính, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 7733/UBND-KTTC gửi Công ty cổ phần xi măng Công Thanh, yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất và các khoản phải thu khác của dự án khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch dụ thương mại theo quy định của pháp luật.

Không đồng tình với quan điểm tỉnh Thanh Hóa, Công ty cổ phần xi măng Công Thanh đã gửi văn bản kiến nghị đến Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa thể hiện sự “bất ngờ” trước các văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa liên quan đến điều chỉnh dự án và nộp tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, ngày 24/8/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản trả lời dứt khoát đối với việc xin điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch dự án. Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm ký, nêu rõ: “Việc điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch để điều chỉnh công trình khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại cao 28 tầng thành công trình dịch vụ cao 12 tầng và công trình dịch vụ hỗn hợp 5 tầng không đảm bảo mỹ quan đô thị dọc đại lộ Lê Lợi; vì vậy không chấp thuận phương án điều chỉnh quy hoạch nêu trên của Công ty cổ phần xi măng Công Thanh”.

Đến nay, chủ đầu tư dự án trên vẫn chây ì không nộp thuế sử dụng đất vào ngân sách Nhà nước, để hoang gần 12 năm nhưng vẫn chưa bị thu hồi? Nếu áp dụng nghiêm túc Luật Đấu thầu vào Dự án “khách sạn 5 sao” nói trên, chắc chắn sẽ làm lợi cho ngân sách tỉnh Thanh Hóa hàng trăm tỉ đồng.  

Điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013

“Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

   TRỌNG HÙNG – THẾ TOÀN        

 Bất cập trong việc xây dựng khung giá đất và đề xuất hoàn thiện

Lê Minh Hoàng