Ngày 28/12/2019, anh Trần Thế Tâm (sinh năm 1985, thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được nhận vào làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương (Công ty Đại Dương, địa chỉ tại thôn 13, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn). Trong quá trình làm việc tại công trường san lấp cho Công ty, ngày 28/3/2022, không may anh Tâm gặp sự cố lật xe. Hậu quả, anh Tâm bị liệt nửa người, dập gan, phổi, tỷ lệ tổn thương cơ thể lên đến 76%. Tuy nhiên, sau sự cố tai nạn phía Công ty Đại Dương lại trốn tránh trách nhiệm, chối bỏ việc anh Tâm là lao động của Công ty. Đồng thời, cũng không thông báo sự việc tới cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân xảy ra tại nạn.
Hiện trường vụ tai nạn lao động. (Ảnh: Các lái xe trong công trường cung cấp).
Doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm với người lao động
Được biết, anh Tâm được tuyển dụng vào Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương và có ký hợp đồng lao động với Công ty vào tháng 01/2020 cùng với nhiều lái xe khác. Tuy nhiên, người lao động lại không được giữ hợp đồng lao động.
Do có kinh nghiệm lái xe nhiều năm, anh Tâm được giao nhiệm vụ lái xe tải chở đất, đá san lấp mặt bằng tại công trường mà Công ty đang thi công. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm việc tại Công ty Đại Dương anh Tâm và nhiều lao động khác vẫn không được đóng bảo hiểm xã hội, sau khi thắc mắc thì chỉ nhận được lời hứa từ phía đơn vị này. Nhiều lao động gặp sự cố trong quá trình làm việc đã đòi quyền lợi thì mới biết chưa được đóng bảo hiểm. Quá bức xúc, họ đã nghỉ việc ngay sau đó.
Dù thoát chết, nhưng cuộc sống của anh Tâm lại rơi vào bế tắc khi bị liệt nửa người, những cơn đau không có thuốc điều trị, thường xuyên phải đi hồi phục tủy.
Bi kịch sau sự cố tai nạn tại công trường khiến anh Trần Thế Tâm bị dập gan, phổi, bị liệt nửa người.
"Lúc trước, tôi là lao động chính trong gia đình, bây giờ việc đi lại, ăn uống phải trông cậy vào vợ con, không giúp gì được cho gia đình còn thêm gánh nặng cho mọi người, tôi tuyệt vọng lắm”, anh Tâm chia sẻ.
Chị Lê Thị Thu (vợ anh Tâm) giờ trở thành trụ cột gia đình, vừa lo cho các con, vừa phải chăm chồng nằm liệt giường. “Điều đáng buồn nhất sau vụ tai nạn lao động thập tử nhất sinh của chồng tôi là thái độ thiếu trách nhiệm của Công ty Đại Dương. Hàng ngày, chứng kiến chồng trải qua những cơn đau quằn quại khiến tôi rất đau lòng. Khi tai nạn giáng xuống, đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức thì Công ty nơi anh Tâm làm việc có cử người ra thăm và hỗ trợ được 30 triệu đồng rồi nói cứ yên tâm điều trị, từ đó đến nay không có bất kỳ khoản hỗ trợ nào cả. Tôi có lên gặp trực tiếp lãnh đạo Công ty hỏi quyền lợi cho chồng, nhưng họ chối bỏ mọi trách nhiệm và trả lời rằng anh Tâm không phải là lao động của Công ty, dù các căn cứ giấy tờ để giải quyết chế độ quyền lợi cho anh Tâm là hoàn toàn có cơ sở. Hoàn cảnh gia đình đã khó khăn giờ còn bi đát hơn”, chị Thu than thở.
Quá bức xúc vì bị Công ty quay lưng nên gia đình anh Tâm đã làm đơn cầu cứu các cơ quan ban ngành tỉnh Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn để tìm lại công bằng.
Thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 7208/UBND-TD, ngày 25/5/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND thị xã Nghi Sơn đã tổ chức hai cuộc họp vào ngày 28/7/2023 và ngày 29/8/2023 để giải quyết đơn của gia đình chị Thu với nội dung: Chồng chị là anh Trần Thế Tâm sau khi bị tai nạn lao động, Công ty Đại Dương không cung cấp hợp đồng lao động, hồ sơ bảo hiểm để người lao động được hưởng quyền lợi bảo hiểm và không thông báo vụ việc đến cơ quan chức năng.
Tại cuộc họp lần 1, phía lãnh đạo Công ty Đại Dương vẫn một mực chối bỏ việc anh Tâm không phải là lao động của Công ty nên không thuộc phạm vi trách nhiệm của họ.
Tại cuộc họp lần 2, Công ty lại cho rằng anh Tâm là lao động của Công ty TNHH Thành Tiến (Ninh Bình). Tuy nhiên, phía Công ty không có căn cứ chứng minh, không cung cấp được hợp đồng lao động của anh Tâm với Công ty Thành Tiến.
Các căn cứ chứng minh việc anh Tâm là lao động của Công ty Đại Dương, đó là: Đã được phía Công ty này hỗ trợ tiền ngay sau khi tai nạn xảy ra; thông báo ngày 14/7/2020 của Công ty Cổ phần khoáng sản Đại Dương về việc thực hiện quy định trong san lấp mặt bằng nhà máy xi măng Đại Dương, trong đó ông Trần Thế Tâm là đội trưởng; chứng từ của Ngân hàng TMCP Quân đội thanh toán tiền lương tháng 4/2021 của Nhà máy xi măng Đại Dương với ông Trần Thế Tâm; phiếu thu tiền đặt cọc nhận xe Nhà máy xi măng Đại Dương (tiền trách nhiệm) 20 triệu đồng ngày 28/10/2019; bảng tổng hợp lương, thưởng Tết của đội xe Nhà máy xi măng Đại Dương năm 2022 có tên Trần Thế Tâm (lái xe),…
Một số căn cứ giấy tờ chứng minh anh Tâm là lao động lái xe của Công ty Đại Dương.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc Bảo hiểm thị xã Nghi Sơn cho biết: “Ông Trần Thế Tâm chưa có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội ở bất kỳ đơn vị nào tính đến thời điểm hiện tại. Trong vụ việc này, nếu hợp đồng lao động được ký một cách nghiêm túc, đơn vị báo với BHXH thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì đến giờ phút này anh Trần Thế Tâm đã là tai nạn lao động hạng 1, có quyền lợi, chế độ tai nạn lao động, có người nuôi dưỡng cho đến cuối đời theo quy định pháp luật”.
Điều đáng nói, xe tải mang biển số 35LD.000.87 mà Công ty Đại Dương giao cho anh Tâm sử dụng đã hết hạn đăng kiểm từ ngày 29/7/2021 nhưng vẫn chưa đăng kiểm lại. Mặc dù xe ô tô đã hết hạn đăng kiểm, tình trạng kỹ thuật không đảm bảo để vận chuyển nguyên vật liệu nhưng Công ty vẫn giao cho lái xe sử dụng. Sau khi xảy ra tai nạn, phía Công ty cũng không báo cho cơ quan công an làm việc để điều tra nguyên nhân xảy ra tai nạn. Chiếc xe gặp sự cố được sửa chữa và tiếp tục sử dụng tại Công ty cho đến ngày 28/7/2023, sau cuộc họp lần 1 giải quyết các vấn đề liên quan đến tai nạn lao động kết thúc thì mới được Công an thị xã Nghi Sơn đưa xe về để giám định làm rõ nguyên nhân xảy ra tai nạn.
Công văn Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Công ty Đại Dương thực hiện chế độ, chính sách cho ông Trần Thế Tâm theo quy định.
Đã xác nhận quan hệ lao động
Theo Luật sư Vũ Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, căn cứ quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) thì người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp anh Tâm đã làm việc tại Công ty được gần 3 năm, đã có quan hệ lao động. Do đó, anh Tâm thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà Công ty chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì anh Tâm sẽ được Công ty trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, căn cứ Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tại khoản 4 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động như sau: “Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động”.
Luật sư Đồng cũng cho biết, hành vi trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật BHXH 2014. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Đồng thời, theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi trốn đóng BHXH có thể bị phạt tiền từ 36 - 40% trên tổng số tiền phải đóng BHXH.
CƯỜNG THÚY