Ảnh minh họa.
Việc khám sức khỏe định kỳ cho lái xe được quy định như thế nào, lái xe bắt buộc phải khám sức khỏe trong những trường hợp nào? Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Phụ lục số 01 Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015) quy định: Người mắc các bệnh tâm thần, thần kinh, một số bệnh về mắt, tai mũi họng, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết như đái tháo đường (tiểu đường) có tiền sử hôn mê do đái tháo đường trong vòng 01 tháng… thì không đủ điều kiện lái ô tô.
Đặc biệt, đối với người mắc các bệnh tim mạch như: Tăng huyết áp, các bệnh viêm tắc mạch, dị dạng mạch máu, các rối loạn nhịp tim, cơn đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành, ghép tim, suy tim… cũng không được phép lái ô tô.
Hay người sử dụng thuốc, chất có cồn, ma tuý và các chất hướng thần khác cũng không đủ điều kiện lái ôtô.
Tại khoản 3, Điều 34, Nghị định 10/2020/NĐ-CP và khoản 2, Điều 11, Thông tư 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định người sử dụng lái xe ôtô phải có trách nhiệm "tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động (bao gồm cả lái xe, nhân viên phục trên xe) theo quy định của pháp luật về lao động ". Theo quy định của Điều 21, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 thì hàng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
Như vậy, để đảm bảo tham gia giao thông thì người sử dụng lao động lái xe ôtô bắt buộc phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần/năm cho người lao động, còn người lao động có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe.
Trường hợp, người sử dụng lao động lái xe ôtô có hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ hoặc có tổ chức khám nhưng không đầy đủ các nội dung theo quy định cho tài xế lái xe thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm đ, Khoản 7, Điều 28, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP. Cụ thể, đối với cá nhân bị phạt tiền 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng; đối với tổ chức bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng.
Luật sư cũng cho hay, hiện nay các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người trong đó có những người lao động làm việc trong lĩnh vực tài xế nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ đều đặn 01 - 02 lần/năm để tầm soát các vấn đề sức khỏe.
Tuy nhiên, việc khám sức khỏe định kỳ bao lâu 01 lần còn tùy thuộc vào độ tuổi, môi trường làm việc, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử sức khỏe bản thân và gia đình.
Theo đó, tùy vào độ tuổi khi đến khám, ngoài các nội dung khám tổng quát và xét nghiệm sàng lọc, khám sức khỏe định kỳ còn thực hiện các dịch vụ khám và xét nghiệm chuyên biệt liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tương ứng với lứa tuổi.
TRẦN MINH
Bổ sung quy định khi chuyển hướng xe trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ