/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc - Thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện

Biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc - Thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện

29/06/2025 08:12 |21 ngày trước

(LSVN) - Một trong các điểm mới đột phá và trọng yếu của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 là bổ sung và chính sửa biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để đáp ứng cầu chuyển giao bắt buộc nhiều ngân hàng thương mại yếu kém trên thực tiễn. Chỉ khi áp dụng biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc thì mục tiêu tái cơ cấu các ngân hàng thương mại mới có thể thành công.

Trong bối cảnh thực tiễn nước ta chưa có kinh nghiệm chuyển giao bắt buộc dẫn tới pháp luật xây dựng mang tính chất sáng kiến, khó tránh khỏi bất cập và cần nghiên cứu hoàn thiện. Bài viết phân tích bản chất pháp lý của biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, đánh giá luật thực định và kiến nghị giải pháp hoàn thiện.

1. Sự cần thiết của việc luật hóa biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc

Tại Việt Nam trong 10 năm trở lại đây phát sinh nhiều ngân hàng thương mại yếu kém, âm vốn điều lệ hàng chục lần và âm vốn ngày càng lớn. Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã mua 03 ngân hàng thương mại với giá 0 đồng gồm Ngân hàng TMCP Đại Dương, Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam. Sự kiện mua các ngân hàng thương mại âm vốn chủ với giá 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì an ninh kinh tế, vì an toàn hệ thống ngân hàng, ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của những ngân hàng vô cùng yếu kém này tới quyền lợi của nhân dân. Do các ngân hàng thương mại mua 0 đồng âm vốn trầm trọng (1), năng lực nội tại yếu kém nên sau 10 năm sau khi Ngân hàng nhà nước trở thành chủ sở hữu, cử nhân sự quản trị điều hành thì các ngân hàng 0 đồng vẫn ngày càng âm vốn nặng, mức độ yếu kém ngày trầm trọng (2) nên năm 2017 Quốc hội ban hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 bổ sung cơ chế chuyển giao bắt buộc kèm biện pháp hỗ trợ. Chỉ xét riêng Ngân hàng Đại Dương, thời điểm Ngân hàng nhà nước mua 0 đồng năm 2015 ngân hàng này âm vốn chủ sở hữu hơn 10 nghìn tỉ đồng thì thời điểm chuyển giao bắt buộc năm 2024 âm vốn chủ sở hữu hơn 20 nghìn tỉ đồng. Ngân hàng Xây dựng năm 2014 âm vốn điệu lệ hơn 24 nghìn tỉ đồng thì đến thời điểm chuyển giao bắt buộc năm 2024 âm vốn chủ sở hữu hơn 40 nghìn tỉ đồng (3).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quy định về chuyển giao bắt buộc tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 là một hình thức xử lý pháp nhân bao gồm trách nhiệm, thẩm quyền, cách thức tổ chức thực hiện, sửa đổi, bổ sung và gia hạn phương án. Chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho bên nhận chuyển giao. Khi ngân hàng thương mại yếu kém không xây dựng được phương án phục hồi hoặc không được phê duyệt hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi mà không phục hồi được hoặc Ngân hàng Nhà nước xét thấy tổ chức tín dụng được kiểm soát được biệt không có khả năng phục hồi theo phương án đã được phê duyệt, không thực hiện được việc sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư mới, giá trị thực của vốn điều lệ ở mức âm. Hình thức chuyển giao bắt buộc gồm chỉ định tổ chức tín dụng, nhà đầu tư mới nhận chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng Nhà nước trình chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc (4).

Mặc dù được kỳ vọng sớm chuyển giao bắt buộc các ngân hàng thương mại yếu kém bị mua 0 đồng nhưng từ khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 được ban hành tới ngày Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực chưa thể thực hiện chuyển giao bắt buộc được đối với ngân hàng thương mại yếu kém. Điều đó phản ánh mức độ phức tạp của việc chuyển giao bắt buộc như giải pháp cuối cùng cho việc phục hồi tổ chức tín dụng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt trước khi áp dụng biện pháp phá sản. Suy cho cùng, chuyển giao bắt buộc là thủ tục hỗ trợ để tổ chức tín dụng âm vốn nặng trở lên dương vốn, thủ tục chuyển giao quyền sở hữu tổ chức tín dụng yếu kém cho tổ chức tín dụng có năng lực tài chính tốt là chưa đủ mà cần đi kèm cam kết của Nhà nước về hỗ trợ vốn vượt trội, chắc chắn so với tổ chức tín dụng thông thường và theo kế hoạch cụ thể để cứu chữa cho ngân hàng yếu kém. Nhà nước giữ vai trò trụ cột để hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc và ngân hàng được chuyển giao bắt buộc sớm hết âm vốn chủ, nhanh chóng có vốn pháp định để kết thúc lộ trình nhận chuyển giao bắt buộc. Nói cách khác, phương án chuyển giao bắt buộc không chỉ là sự kiện pháp lý mà là một quá trình Nhà nước áp dụng cơ chế cho phép một ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc để tạm thời sở hữu 100% vốn điều lệ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc, khi ngân hàng yếu kém đủ điều kiện hoạt động tự chủ, không còn bị kiểm soát đặc biệt thì ngân hàng mẹ phải thoái vốn để không vi phạm quy định cấm mô hình ngân hàng thương mại sở hữu 100% vốn ngân hàng thương mại khác.

Ngày 18/01/2024, Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 sau thời gian dài biên soạn, chỉnh sửa. Cùng với việc luật hóa một phần quy định về xử lý nợ xấu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì Luật này tập trung sửa đổi, hoàn thiện chất lượng quy định về hỗ trợ chuyển giao bắt buộc nhằm sẵn sàng thực hiện chuyển giao bắt buộc thành công trên thực tế 04 ngân hàng thương mại. Có thể suy luận trên khung pháp lý của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, các chủ thể dự kiến tham gia nhận chuyển giao bắt buộc và các cơ quan có thẩm quyền đã sáng tạo, chủ động bổ sung thêm các chính sách mới có tính đột phá mà pháp luật thời điểm đó chưa quy định và đề xuất đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để Quốc hội thông qua, sau khi Luật mới thông qua tạo môi trường pháp lý được nhân dân ủng hộ thì các cơ chế này trong dự thảo Phương án chuyển giao bắt buộc có tính khả thi, dễ thi hành. Ngày 23/9/2024, Chính phủ đã thông qua phương án chuyển giao bắt buộc và ngày 17/10/2024, Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chuyển giao bắt buộc đối với Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây Dựng Việt Nam cho Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) và Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB). Tiếp theo, ngày 17/01/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố Quyết định chuyển giao bắt buộc Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á. Theo đó, GPBank và Ngân hàng TMCP Đông Á sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh sở hữu 100% vốn điều lệ.

Như vậy, sau 10 năm Ngân hàng nhà nước mua lại 03 ngân hàng 0 đồng yếu kém, lựa chọn để cử nhân sự một số ngân hàng thương mại quy mô lớn là những người có năng lực kinh nghiệm tham gia tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng nhưng vẫn không thành công, các ngân hàng 0 đồng âm vốn ngày càng nặng, biện pháp hỗ trợ ngân hàng kéo theo nhiều hệ lụy làm phát sinh trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao Ngân hàng Nhà nước (5). Thực tiễn đã chứng minh việc hỗ trợ phục hồi các ngân hàng yếu kém, âm vốn nặng bị kiểm soát đặc biệt vô cùng phức tạp và việc cử nhân tài tham gia quản trị, điều hành kinh doanh là không đủ, việc chuyển giao bắt buộc sẽ thất bại nếu hành lang pháp luật về biện pháp hỗ trợ của Nhà nước không đủ vững mạnh (cho vay đặc biệt và cơ hội sử dụng tiền vay đặc biệt sinh lời không kèm rủi ro).

Khi các ngân hàng yếu kém bị mua lại 0 đồng không còn là ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước mà thuộc sở hữu bởi các ngân hàng thương mại cổ phần như quy định của Luật và thực tế hiện nay thì các biện pháp hỗ trợ đối với ngân hàng được chuyển giao bắt buộc khả thi hơn. Rõ ràng, Nhà nước tài trợ ngân sách ưu đãi cho ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc mà chủ sở hữu ngân hàng này không còn là Nhà nước sẽ khắc phục trình trạng phản ứng của dư luận và nhận thức lệch lạc thế lực thù địch cho rằng Nhà nước tịch thu ngân hàng của cổ đông trước khi mua 0 đồng thì trong tương lai khi các ngân hàng này dương vốn chủ thì sẽ trả lại quyền sở hữu hoặc giá trị cho cổ đông trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng 3 ngân hàng cổ phần, giảm thiểu việc khiếu kiện quốc tế.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là một trong 04 ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đã công bố thông tin cụ thể về chuyển giao bắt buộc, có thể đại diện quan điểm chung của việc nhận chuyển giao bắt buộc và nhu cầu được áp dụng biện pháp hỗ trợ kèm theo (6). Theo đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cho rằng chuyển giao bắt buộc là một trong các phương án để cơ cấu lại Các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Việc chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, đưa Ngân hàng Xây dựng dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục. Đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, ngân hàng sẽ có điều kiện mở rộng quy mô kinh doanh, cơ sở khách hàng, mạng lưới; có thể nhận sáp nhập, duy trì Ngân hàng Xây dựng như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng Ngân hàng Xây dựng cho nhà đầu tư mới trong và sau khi kết thúc phương án. Sau chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Xây dựng tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam sở hữu 100% vốn điều lệ; được thực hiện các hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại theo quy định. Mọi quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền; quyền, nghĩa vụ của khách hàng tại Ngân hàng Xây dựng tiếp tục được đảm bảo theo đúng thoả thuận và quy định pháp luật. Ngân hàng Xây dựng là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính (BCTC) vào BCTC hợp nhất của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với Ngân hàng Xây dựng theo quy định. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam không góp vốn vào Ngân hàng Xây dựng trong thời gian Ngân hàng Xây dựng còn lỗ lũy kế; Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại Phương án chuyển giao bắt buộc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là một ngân hàng có vị thế chủ đạo trong hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, có tiềm lực tài chính vững mạnh, việc chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi Ngân hàng Xây dựng, đồng thời đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cổ đông và cán bộ công nhân viên Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước vào uy tín, năng lực, kinh nghiệm của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam; khẳng định vai trò của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đối với việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, qua đó giúp ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, tăng cường lòng tin của nhà đầu tư và công chúng với hệ thống ngân hàng. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Xây dựng được áp dụng các biện pháp hỗ trợ theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng, các quy định của pháp luật có liên quan được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, kinh nghiệm tái cơ cấu ngân hàng yếu kém trên thực tiễn cơ cấu 03 ngân hàng 0 đồng kéo dài 10 năm qua không thành công, buộc phải chuyển giao bắt buộc kèm biện pháp hỗ trợ cho thấy biện pháp hỗ trợ quyết định sự thành bại của tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, dù đổi chủ sở hữu và năng lực quản trị điều hành tốt nhưng biện pháp hỗ trợ không tốt thì quá trình tái cơ cấu sẽ thất bại, không những không cải thiện sức khỏe tài chính của ngân hàng yếu kém mà còn gia tăng mức độ âm vốn của ngân hàng yếu kém. Việc nghiên cứu, ứng dụng biện pháp hỗ trợ phù hợp là vấn đề vô cùng quan trọng trong quản lý nhà nước, quản trị, điều hành hệ thống ngân hàng.

2. Thực trạng pháp luật về biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 tập trung bổ sung quy định Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 về chuyển giao bắt buộc. Tuy chưa đi vào cuộc sống trước khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực, quy định biện pháp hỗ trợ để chuyển giao bắt buộc của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 là nền móng để hoàn thiện quy định biện pháp hỗ trợ ngân hàng được chuyển giao bắt buộc năm 2024 cùng với kinh nghiệm trong quá trình xây dựng dự thảo các phương án chuyển giao bắt buộc của 4 ngân hàng yếu kém, sau khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 thì ngày 23/9/2024, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết Phương án chuyển giao bắt buộc đối với 02 ngân hàng bị mua 0 đồng và ngày 17/10/2024, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định chuyển giao bắt buộc (7).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 đã bổ sung Điều 148b về Biện pháp hỗ trợ thực hiện phương án phục hồi và tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc cũng được áp dụng một hoặc một số biện pháp này. Theo đó Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt là ngân hàng thương mại được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ sau đây: (1) Bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên, tài sản bảo đảm không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; (ii) Vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% của Ngân hàng Nhà nước; (iii) Hạch toán dần vào chi phí phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ, khoản phải thu, khoản đầu tư góp vốn, mua cổ phần đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán với giá bán và số tiền dự phòng đã trích lập của các khoản này phù hợp với tình hình tài chính của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt với thời hạn tối đa là 10 năm; (iv) Miễn, giảm tiền lãi vay tái cấp vốn, vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước; (v) Nhận tiền gửi hoặc vay của tổ chức tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi; (vi) Mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do tổ chức tín dụng hỗ trợ nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; (vii) Mua, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin vượt tỉ lệ quy định Mua, đầu tư vào tài sản cố định; (viii) Biện pháp khác theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Như vậy, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 không có quy định cho phép ngân hàng được chuyển giao bắt buộc được quyền bán lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp cho bên nhận chuyển giao bắt buộc theo thỏa thuận hoặc trong trường hợp các khoản nợ này bị chuyển thành nợ xấu; không quy định quyền được bên nhận chuyển giao bắt buộc cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát; hỗ trợ về công nghệ thông tin; không được áp dụng cơ chế đặc thù cho phép các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi của bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỉ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc. Trước bất cập này, sau thời gian dài các tổ chức tín dụng tham gia đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc góp ý và phát hiện trong quá trình xây dựng, rà soát, thẩm định dự thảo các phương án chuyển giao bắt buộc, ngày 26/12/2022 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2022/TT-NHNN ngày 26/12/2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực kể từ ngày 09/02/2023. Theo Thông tư số 18/2022/TT-NHNN thì ngoài quy định cấm mua lại nợ đã bán trước đây là bổ sung ngoại lệ cho phép ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc được mua lại nợ đã bán cho công ty con là ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc. Tuy các quy định tại Thông tư số 18/2022/TT-NHNN về mua lại nợ đã bán chưa được thực thi nhưng là cơ sở hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc và là tiền đề cho việc luật hóa quy định mua lại nợ không đủ tiêu chuẩn tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.

Điều 182 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã quy định rõ hơn biện pháp hỗ trợ đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, không quy định gộp biện pháp hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng nói chung như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017. Điều 182 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được áp dụng một hoặc một số biện pháp sau đây: (i) Bán nợ xấu không có tài sản bảo đảm hoặc nợ xấu có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đang bị kê biên, tài sản bảo đảm không có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ cho tổ chức mua bán, xử lý nợ; (ii) Nhận tiền gửi hoặc vay của bên nhận chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc hoặc theo thỏa thuận; (iii) Mua nợ, trái phiếu doanh nghiệp do bên nhận chuyển giao bắt buộc nắm giữ đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn; bán lại nợ, trái phiếu doanh nghiệp cho bên nhận chuyển giao bắt buộc theo thỏa thuận hoặc trong trường hợp các khoản nợ này bị chuyển thành nợ xấu; (iv) Được bên nhận chuyển giao bắt buộc cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát; hỗ trợ về công nghệ thông tin và các hoạt động khác theo thỏa thuận; (v) Miễn tiền lãi vay của khoản vay tái cấp vốn, vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước; (vi) Vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác; (vii) Biện pháp khác theo thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước; (viii) Các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi của bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỉ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Như vậy, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã quy định biện pháp hỗ trợ vốn đầu vào, hoạt động kinh doanh đầu ra và loại trừ rủi ro trong kinh doanh vốn giúp ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được hưởng lợi một cách chắc chắn, có thể dự phóng, ước lượng được thời gian khắc phục âm vốn điều lệ, số vốn ngân sách cần tài trợ bằng cho vay đặc biệt, số lượng dư nợ cần mua từ ngân hàng mẹ, trách nhiệm của ngân hàng mẹ nhận chuyển giao bắt buộc phải mua lại nợ xấu, tự chịu rủi ro để tạo ra dòng tiền lợi nhuận vững chắc cho ngân hàng con được chuyển giao bắt buộc.

Việc quy định các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi của bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác đối với ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỉ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc là quy định mới, giúp giảm tổn thất tài chính trên sổ sách của ngân hàng mẹ, đặc biệt là ngân hàng mẹ có cổ đông lớn là tổ chức nước ngoài. Đây là chính sách đặc thù nhưng do trước khi Luật Các tổ chức năm 2024 được ban hành thì pháp luật chưa quy định dẫn tới phương án chuyển giao bắt buộc xây dựng trên hành lang Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 chưa có nội dung này. Tới nay, phát sinh vướng mắc các ngân hàng tham gia nhận chuyển giao bắt buộc, được chuyển giao bắt buộc không được áp dụng chính sách này do điều khoản chuyển tiếp của Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 (Khoản 9 Điều 210) quy định các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, được chuyển giao bắt buộc không được áp dụng Luật mới, phải áp dụng quy định chuyển giao bắt buộc và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi năm 2017. Điều này dẫn tới những khoản cho vay, gửi tiền của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tại ngân hàng được chuyển giao bắt buộc bị phân loại nợ xấu, ảnh hưởng tài chính của ngân hàng mẹ.

Khung pháp luật hiện hành về chuyển giao bắt buộc, mua bán nợ, đăng ký biện pháp bảo đảm thiếu vắng cơ chế cho phép bên bán nợ và bên mua nợ thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc không phải đăng ký thay đổi biện pháp thế chấp để bổ sung bên nhận bảo đảm nếu bán một phần khoản nợ kèm biện pháp bảo đảm. Thiếu vắng này dẫn tới vướng mắc khi chưa đăng ký thế chấp thành công bất động sản để bổ sung bên bảo đảm mới hoặc cơ quan đăng ký thế chấp từ chối, làm chậm việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký thế chấp đã đăng ký thì có thể phát sinh tranh chấp vì bên bảo đảm cho rằng khoản nợ bán trở thành không bảo đảm, bên mua nợ chưa xác lập tư cách bên nhận bảo đảm, bên bảo đảm dựa vào vấn đề này để thoái thác trách nhiệm. Vướng mắc do việc ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc và ngân hàng được chuyển giao bắt buộc phải đăng ký thay đổi nội dung biện pháp bảo đảm xuất phát từ nội dung Điều 18 Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm số 99/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 quy định trường hợp bổ sung bên nhận bảo đảm thì buộc phải đăng ký thay đổi biện pháp bảo đảm đã đăng ký. Việc đăng ký thay đổi không phù hợp bản chất và tính chất bán nợ trong phương án chuyển giao bắt buộc không phải mua đứt bán đoạn, không tồn tại việc bên mua nợ phải xử lý tài sản bảo đảm khi nghĩa vụ được bảo đảm bị vi phạm.

Thời hạn tối đa thoái vốn khi ngân hàng được chuyển giao bắt buộc phục hồi thành ngân hàng hoạt động bình thường chưa được quy định sẽ là trở ngại cho việc xử lý phần vốn góp sau này. Điều này có thể phát sinh vướng mắc, quá trình thoái vốn kéo dài, không đồng bộ giữa các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Xuất phát từ việc nhận chuyển giao bắt buộc vì lợi ích quốc gia, không phải hoạt động kinh doanh, việc không quy định thời hạn sẽ dẫn tới ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân dễ lợi dụng không có thời hạn thoái vốn và chế tài để kéo dài, trì hoãn việc xử lý phần vốn góp vượt giới hạn tại ngân hàng được chuyển giao bắt buộc để đẩy giá mua bán vốn lên cao để làm lợi cho chủ ngân hàng tư nhân nhận chuyển giao bắt buộc. Đồng thời việc pháp luật không quy định thủ tục thoái vốn, cơ chế đấu giá sẽ tạo cơ hội thông đồng giữa những cá nhân có quyền quyết định và bên có nhu cầu mua vốn để thao túng giá, tham nhũng, tiêu cực.

Với ngân hàng âm vốn điều lệ bị chuyển giao bắt buộc, nhu vầu vay đặc biệt để giải quyết 02 mục đích là chi trả và cấp tín dụng tạo ra lợi nhuận. Tổng số tiền vay đặc biệt sẽ được tính toán phân bổ vào mục đích thanh khoản và đầu tư, cho vay của ngân hàng được chuyển giao bắt buộc tùy thuộc mức độ lỗ, nguồn thu tự thân từ khoản nợ sẵn có và áp lực thanh khoản của nó. Ứng dụng biện pháp này, giả sử xét Ngân hàng Xây dựng bị âm vốn 40 nghìn tỉ đồng, cần hoàn tất thời hạn chuyển giao bắt buộc để hết âm vốn, thoát khỏi kiểm soát đặc biệt trong 10 năm, tính số nợ xấu đã phát sinh trước khi chuyển giao bắt buộc có thể thu hồi, số tiền gửi huy động phải trả thì lượng tiền cần vay đặc biệt sẽ rất lớn, có thể lên tới hàng trăm nghìn tỉ đồng.Giả sử với cơ chế vay đặt biệt lãi ưu đãi 0%/năm và mua khoản nợ nhóm 1, không chịu rủi ro lãi suất cho vay khoảng 8%/năm thì với số vốn vay 50.000 tỉ có thể đem lại lợi nhuận 4000 tỉ đồng cho ngân hàng được chuyển giao bắt buộc.

Một vấn đề rất đáng quan tâm nhưng không công khai, không được luật quy định là thời hạn hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc tối đa là bao lâu? Có thể gia hạn không? có thể khác nhau thời hạn giữa các ngân hàng thương mại hay không? công thức tính số tiền vay đặc biệt để lượng hóa số tiền cần cho vay đặc biệt, mua nợ như thế nào? Ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc được hỗ trợ cho vay dự án đầu tư công như thế nào để bù đắp số nợ bán cho ngân hàng con?. Việc không có khung thời hạn hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc, gia hạn, số tiền vay đặc biệt không tương đương có thể dẫn tới chất lượng thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc không đồng đều, có thể phát sinh một hoặc một số ngân hàng được chuyển giao bắt buộc không hoàn thành phương án chuyển giao gây lãng phí ngân sách, dễ nảy sinh tiêu cực khó lường trước trong thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Việc Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 bổ sung cơ chế ngân hàng mẹ nhận chuyển giao bắt buộc mua lại nợ đã bán cho ngân hàng con được chuyển giao bắt buộc khi nợ quá hạn/phát sinh rủi ro dẫn tới nợ bán không còn đủ tiêu chuẩn giúp khắc phục rủi ro thất thoát ngân sách đối với tiền cho vay đặc biệt để mua nợ, bảo đảm bằng quyền đòi nợ mua nhưng nợ không có khả năng thu hồi. Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay đặc biệt lãi suất 0%/năm đối với Ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (8). Do cấp tín dụng luôn có rủi ro khó lường, việc quy định cơ chế mua lại nợ không còn đủ tiêu chuẩn sẽ chuyển rủi ro từ ngân hàng con sang ngân hàng mẹ. Việc bán nợ đồng nghĩa với việc mất nguồn thu, giảm lợi nhuận của ngân hàng mẹ để san sẻ cho ngân hàng con trong quan hệ chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, nhận chuyển giao bắt buộc là hoạt động vì lợi ích quốc gia, không vì lợi ích thương mại nên việc ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc giúp xử lý khó khăn của ngành ngân hàng là là giải pháp kinh tế gắn với chính trị để ngân hàng được chuyển giao bắt buộc có cơ hội phục hồi, an ninh tiền tệ quốc gia được giữ vững.

Cơ chế ngân hàng được chuyển giao bắt buộc được hỗ trợ được bên nhận chuyển giao bắt buộc cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành, kiểm soát; hỗ trợ về công nghệ thông tin là giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng nhân sự kém chất lượng, công nghệ lạc hậu của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Để có đội ngũ nhân sự lành nghề, công nghệ hiện đại là điều không dễ dàng có được, không thể có nếu ngân hàng mẹ không bỏ chi phí lớn để đầu tư, trang trải chi phí nhân công, thiết bị và công nghệ. Thực tế có thể dễ dàng thấy các sản phẩm ngân hàng số của các ngân hàng yếu kém bị chuyển giao bắt buộc ít và lạc hậu (9). Tới nay, Ngân hàng Xây dựng được đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số, Ngân hàng Đại Dương được đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV hiện đại cho thấy sự quan tâm đầu tư công nghệ của chủ sở hữu nhằm cải thiện, hướng tới sự phát triển chất lượng hoạt động của ngân hàng yếu kém được chuyển giao bắt buộc trong bối cảnh cách mạng 4.0 phát triển như vũ bão. Việc cử nhân sự của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc có thể thực hiện theo cơ chế biệt phái, pháp luật không có quy định đặc thù về cơ chế lương, cơ chế duy trì hợp đồng của cán bộ được biệt phái với ngân hàng mẹ, cơ chế xếp loại đánh giá cán bộ nên các ngân hàng mẹ sẽ phải chủ động xây dựng các cơ chế và khó kiểm soát, bảo đảm tính hợp lý.

Trên cơ sở nhân sự được ngân hàng mẹ hỗ trợ thì có thể tinh giản nhân sự, giảm chi phí lương và chi phí hoạt động. Pháp luật hiện hành chưa quy định cơ chế kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan tới việc sử dụng, tiết kiệm chi phí hoạt động của ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, truy cứu những khoản chi sai trước và sau khi chuyển giao bắt buộc, có dấu hiệu tham nhũng. Chúng tôi cho rằng, mô hình quản trị ngân hàng trong ngân hàng sẽ dễ lỏng lẻo, dễ xảy ra tâm lý chủ quan cho rằng cần miễn trách nhiệm cho nhân sự được cử quản trị điều hành ngân hàng được chuyển giao bắt buộc dễ dẫn tới tâm lý lợi dụng sơ hở, cơ hội để tham nhũng. Mặt khác, việc quy định cử nhân sự nhưng không có hướng dẫn cơ chế giữ, sàng lọc nhân sự dễ dẫn tới tình trạng cử nhân sự không đủ năng lực, phẩm chất, sa thải nhân sự lành nghề gắn bó thông qua cơ chế tổ chức các cuộc thi, phỏng vấn thiếu thiện chí và công bằng nhằm mục đích đòi hối lộ, nhũng nhiễu. Việc pháp luật không giới hạn tỉ lệ thay đổi cơ cấu nhân sự theo lộ trình dễ dẫn tới chất lượng nhân sự các ngân hàng được chuyển giao bắt buộc không những không cải thiện mà còn giảm sút, gây cản trở mục tiêu phục hồi. Trường hợp phát sinh nhóm đối tượng chạy chức vụ quản lý ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc nhằm tham nhũng, áp dụng cơ chế sa thải nhân sự cũ để tuyển dụng nhân sự mới để vụ lợi có thể gây thất thoát nhân lực, tăng chi phí hoạt động, gây bức xúc trong dư luận, mất đoàn kết trong ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc, có thể dẫn tới tranh chấp lao động tập thể, gây ảnh hưởng tiêu cực cho ngành ngân hàng, gây suy giảm hiệu quả của biện pháp hỗ trợ.

Ngoài các biện pháp hỗ trợ trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, thực tế các ngân hàng được chuyển giao bắt buộc sẽ cần biện pháp hỗ trợ pháp lý đặt biệt. Các ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc đều là ngân hàng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt vì lãnh đạo, chủ ngân hàng đó trước đây vi phạm pháp luật hình sự, tham ô, vi phạm quy định về cho vay gây âm vốn chủ sở hữu nhiều lần cho ngân hàng đó. Vì vậy, các ngân hàng này đều có nguồn thu hồi từ vụ án hình sự buộc lãnh đạo cấp cao cùng thuộc cấp trước đây phạm pháp và công ty “sân sau” phải bồi thường số tiền rất lớn. Hành vi tham ô có thể được thu từ tịch thu, bán tài sản của đối tượng tham ô, hành vi lừa đảo, cho vay trái pháp luật thì đối tượng lừa đảo, bên vay phải bồi thường. Tuy nhiên, thực tế pháp lý nguồn thu từ các vụ án hình sự thường phức tạp như việc vay vốn đầu tư dự án pháp lý không đủ để xử lý thu hồi nợ, việc bán tài sản bảo đảm vướng mắc do quyền sử dụng đất hết thời hạn chưa kịp gia hạn, bản án tuyên mâu thuẫn, có dấu hiệu bỏ sót trách nhiệm, nguồn thu trong vụ án, tài sản bị vướng mắc quy hoạch…đòi hỏi cơ quan có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm để hủy/sửa bản án, chỉ đạo thi hành án, điều chỉnh quy hoạch…Để vượt qua tình trạng âm vốn chủ sở hữu, việc vay đặc biệt để mua nợ hưởng lợi là chưa đủ, ngân hàng được chuyển giao bắt buộc phải tự thân thu hồi nợ, huy động vốn và cấp tín dụng, không thể ỷ lại vào nguồn lợi từ việc vay đặc biệt và mua nợ, chi trả lương cao bất xứng cho những người lao động làm viêc kém hiệu quả và đổ lỗi cho ngân hàng yếu kém khó kinh doanh làm trì trệ công tác thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc hướng tới ngân hàng được chuyển giao bắt buộc dương vốn điều lệ trong thời gian sớm nhất.

3. Một số kiến nghị, giải pháp

Thứ nhất, tháo gỡ vướng mắc về quyền áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỉ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có văn bản hướng dẫn các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với Điều khoản chuyển tiếp của Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 (khoản 9 Điều 210) theo hướng các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, được chuyển giao bắt buộc được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỉ lệ an toàn vốn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, kể cả trường hợp Phương án chuyển giao bắt buộc được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ về việc phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc ban hành tại thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi năm 2017 có hiệu lực.

Tuy việc tháo gỡ có tính phức tạp, có thể phải xin ý kiến Chính phủ nhưng tháo gỡ này sẽ khắc phục bất cập thực tế, những khoản cho vay, gửi tiền của ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tại ngân hàng được chuyển giao bắt buộc không còn bị phân loại nợ xấu, không ảnh hưởng tài chính của ngân hàng mẹ tạo động lực để ngân hàng mẹ gửi tiền, cho vay đối với ngân hàng con được chuyển giao bắt buộc tạo vốn cho ngân hàng được chuyển giao bắt buộc. Thực tế các ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đã có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nội dung này.

Thứ ba, tháo gỡ vướng mắc về đăng ký thay đổi biện pháp bảo đảm khi bán một phần khoản nợ kèm biện pháp bảo đảm theo phương án chuyển giao bắt buộc

Với nhận định việc chuyển giao quyền được bảo đảm bằng tài sản kèm khoản nợ chỉ mang tính hình thức và kéo theo rủi ro như đã phân tích ở mục trên. Tác giả kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tư pháp đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 18 Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm số 99/2022/NĐ-CP để quy định trường hợp phải đăng ký thay đổi biện pháp bảo đảm đã đăng ký không áp dụng đối với trường hợp bán một phần khoản nợ theo phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để bổ sung thời hạn tối đa ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc thoái vốn khi hoàn thành phục hồi ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc

Để tháo gỡ vướng mắc này, chúng tôi kiến nghị trong lần sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 cần sửa đổi Điều 186 về xử lý cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn theo hướng: (i) bổ sung thời hạn ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc phải có báo cáo đề xuất Ngân hàng nhà nước phương án thoái vốn tại ngân hàng được chuyển giao bắt buộc một cách hợp lý, không quá 03 tháng kể từ ngày hoàn tất phục hồi, tăng vốn vốn chủ sở hữu ngân hàng được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc và Ngân hàng Nhà nước phải có ý kiến trong thời hạn nhất định; (ii) Quy định khoảng thời gian bắt đầu thực hiện thủ tục bán đấu giá phần vốn vượt giới hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày Ngân hàng nhà nước chấp thuận; (iii) Quy định hướng dẫn điều kiện, trình tự, thủ tục tham gia mua phấn vốn trong trường hợp xử lý cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn tại ngân hàng được chuyển giao bắt buộc.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước ban hành mẫu biểu Phương án chuyển giao bắt buộc

Từ vướng mắc do không có mẫu biểu phương án chuyển giao bắt buộc đã phân tích nêu trên, với mục tiêu minh bạch nội dung mẫu Phương án chuyển giao bắt buộc để nhân dân dễ hình dun, tin tưởng và ủng hộ việc chuyển giao bắt buộc, tác giả kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành mẫu biểu Phương án chuyển giao bắt buộc có nội dung tai Điều 181 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và bổ sung thêm: (i) thời hạn cụ thể phải hoàn thành phương chuyển giao bắt buộc, cơ chế gia hạn; (ii) công thức tính số tiền vay đặc biệt để lượng hóa số tiền cần cho vay đặc biệt, mua nợ; (iii) nhiệm vụ của các Cơ quan nhà nước có liên quan cần được Chính phủ giao hỗ trợ cho ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc và ngân hàng được chuyển giao bắt buộc tháo gỡ vướng mắc trong thu hồi nợ, chỉ định cấp tín dụng đối với dự án đầu tư công giúp ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc có nguồn dư nợ bù đắp số nợ đã hỗ trợ bán cho ngân hàng con được chuyển giao bắt buộc.

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước có chỉ thị quán triệt những cá nhân quản trị, điều hành ngân hàng được chuyển giao bắt buộc không để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực

Ngoài cơ chế động viên, khen thưởng khích lệ những người được biệt phái giữ chức vụ quản trị điều hành thì cần nhìn nhận khuyết điểm của mô hình quản trị ngân hàng trong ngân hàng tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, tác giả kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ban hành chỉ thị quán triệt cá nhân quản trị, điều hành ngân hàng được chuyển giao bắt buộc không để xảy các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, xác định: (i) để thực hiện thành công phương án chuyển giao bắt buộc đòi hỏi người quản trị, điều hành phải có tinh thần trách nhiệm gánh vác trách nhiệm nặng nề; (ii) chỉ ra hậu quả tiêu cực tới hệ thống nếu xảy ra trường hợp vi phạm điển hình bao gồm nhưng không giới hạn trường hợp người quản trị, điều hành quan liêu, thiếu trách nhiệm, lạm quyền trong sa thải cán bộ đã làm việc lâu năm trước đó để tuyển dụng mới để tư lợi, sử dụng hóa đơn khống để tham ô, thông đồng dìm giá khoản nợ đem bán (bán rẻ) để trục lợi…khuyến khích cá nhân vi phạm, không có khả năng đảm nhiệm công việc được giao tự nguyện xin thôi giữ chức vụ để được khoan khồng; (iii) Giao Ban kiểm soát đặc biệt tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời đề xuất xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong quản trị ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Tổng kết lại, quy định của pháp luật về biện pháp hỗ trợ ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc đã có nhiều thay đổi tích cực song còn hạn chế nên cần nghiên cứu và kiến nghị hoàn thiện. Thực tiễn đã chứng minh các ngân hàng thương mại bị mua 0 đồng sau 10 năm cơ cấu không thành công và âm vốn gấp nhiếu lần do không được áp dụng biện pháp hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và bài học rút ra là để tái cơ cấu thành công ngân hàng thương mại yếu kém được chuyển giao bắt buộc thì ngân hàng được chuyển giao bắt buộc phải được áp dụng biện pháp hỗ trợ vốn và gia tăng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, đến nay các biện pháp như cho vay đặc biệt từ Nhà nước hoặc mua nợ xấu vẫn chưa được triển khai ở quy mô lớn, cũng chưa có trường hợp thử nghiệm cụ thể, dẫn đến khả năng duy trì vốn điều lệ dương cho ngân hàng theo phương án chuyển giao bắt buộc vẫn còn nhiều rủi ro. Vì vậy, cần tăng cường hiệu lực thực thi và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về biện pháp hỗ trợ, nhằm bảo đảm hiệu quả tái cơ cấu các ngân hàng thương mại yếu kém trong giai đoạn tới.

  1. Hà Tâm (2023), ““Ôm” ngân hàng lỗ khủng, Vietcombank, MB, VPBank, HDBank được gì?”, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/om-ngan-hang-lo-khung-vietcombank-mb-vpbank-hdbank-duoc-gi-post320930.html, truy cập ngày 18/02/2025.
  2. Thùy Linh (2024), “Nỗ lực xử lý các ngân hàng yếu kém”, https://nhandan.vn/no-luc-xu-ly-cac-ngan-hang-yeu-kem-post845042.html, truy cập ngày 18/02/2025.
  3. Lam Duy (2023), “Thực lực tài chính CBBank trước thời điểm bị chuyển giao bắt buộc”, https://laodong.vn/kinh-doanh/thuc-luc-tai-chinh-cbbank-truoc-thoi-diem-bi-chuyen-giao-bat-buoc-1193863.ldo, truy cập ngày 20/02/2025.
  4. Chính phủ (2017), Tờ trình số 141/TTr-CP ngày 18/4/2017 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
  5. Báo điện tử VnExpress (2020), “Ông Nguyễn Văn Bình bị cảnh cáo”, https://vnexpress.net/ong-nguyen-van-binh-bi-canh-cao-4188650.html, truy cập ngày 20/02/2025.
  6. VCB News (2024), Thông tin về việc chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (CB) cho VCB, https://www.vietcombank.com.vn/vi-VN/Trang-thong-tin-dien-tu/Articles/2024/10/17/20241017_VCB-chuyen-giao-ngan-hang-bat-buoc, truy cập ngày 20/2/2025.
  7. Quỳnh Anh (2024), “Quyết định chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng CB và Ocean Bank”, https://tapchinganhang.gov.vn/quyet-dinh-chuyen-giao-bat-buoc-doi-voi-hai-ngan-hang-cb-va-oceanbank-469.html, truy cập ngày 20/02/2025.
  8. Xem thêm: Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm, https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-quyet-dinh-cua-thu-tuong-chinh-phu-ve-viec-cho-vay-dac-biet-cua-ngan-hang-nha-nuoc-viet-6928, truy cập ngày 20/02/2025.
  9. Đỗ Thế Dân (2023), Ngân hàng số tại Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị phát triển, Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo điện tử VnExpress (2020), “Ông Nguyễn Văn Bình bị cảnh cáo”, https://vnexpress.net/ong-nguyen-van-binh-bi-canh-cao-4188650.html, truy cập ngày 20/02/2025.
  2. Chính phủ (2017), Tờ trình số 141/TTr-CP ngày 18/4/2017 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
  3. Đỗ Thế Dân (2023), Ngân hàng số tại Việt Nam: Thực trạng và các khuyến nghị phát triển, Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 3/2023.
  4. Hà Tâm (2023), ““Ôm” ngân hàng lỗ khủng, Vietcombank, MB, VPBank, HDBank được gì?”, https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/om-ngan-hang-lo-khung-vietcombank-mb-vpbank-hdbank-duoc-gi-post320930.html, truy cập ngày 18/02/2025.
  5. Lam Duy (2023), “Thực lực tài chính CBBank trước thời điểm bị chuyển giao bắt buộc”, https://laodong.vn/kinh-doanh/thuc-luc-tai-chinh-cbbank-truoc-thoi-diem-bi-chuyen-giao-bat-buoc-1193863.ldo, truy cập ngày 20/02/2025.
  6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2020), Quyết định số 1238/QĐ-NHNN ngày 08/7/2020 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ.
  7. Quốc hội (2010), Luật Các tổ chức tín dụng.
  8. Quốc hội (2017), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
  9. Quốc hội (2024), Luật Các tổ chức tín dụng.
  10. Quỳnh Anh (2024), “Quyết định chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng CB và Ocean Bank”, https://tapchinganhang.gov.vn/quyet-dinh-chuyen-giao-bat-buoc-doi-voi-hai-ngan-hang-cb-va-oceanbank-469.html, truy cập ngày 20/02/2025.
  11. Thùy Linh (2024), “Nỗ lực xử lý các ngân hàng yếu kém”, https://nhandan.vn/no-luc-xu-ly-cac-ngan-hang-yeu-kem-post845042.html, truy cập ngày 18/02/2025.
  12. Trần Linh Huân & Nguyễn Mậu Thương (2022), “Pháp luật về đánh giá thực trạng và quyết định chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”, Tạp chí Ngân hàng, số 8.2022.
  13. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  14. VCB News (2024), Thông tin về việc chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (CB) cho VCB, https://www.vietcombank.com.vn/vi-VN/Trang-thong-tin-dien-tu/Articles/2024/10/17/20241017_VCB-chuyen-giao-ngan-hang-bat-buoc, truy cập ngày 20/02/2025.

ThS. PHẠM VĂN TUYÊN

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

TS. PHAN ĐĂNG HẢI

Khoa Luật - Học viện Ngân hàng

Các tin khác

LSVN