/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Hoàn thiện pháp luật về xúc tiến thương mại ở Việt Nam hiện nay

Hoàn thiện pháp luật về xúc tiến thương mại ở Việt Nam hiện nay

31/10/2021 04:10 |

(LSVN) - XTTM có vai trò rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, thu hút ngày càng nhiều khách hàng, gia tăng sức cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thể chế pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này tuy đã khá đầy đủ nhưng vẫn còn một số rào cản kìm hãm việc giải phóng sức sản xuất, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân.

Ảnh minh họa.

Xúc tiến thương mại (XTTM) ở Việt Nam ngày càng khẳng định là công cụ không thể thiếu trong việc thúc đẩy hoạt động thương mại, góp phần tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay (1). XTTM với tính chất là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ, bao gồm các hoạt động cụ thể như khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ hay hội chợ, triển lãm thương mại (2) không chỉ giúp các quốc gia tận dụng cơ hội và hạn chế những thách thức, khó khăn của hội nhập kinh tế quốc tế mà còn là công cụ hữu hiệu giúp các quốc gia phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và hạn chế nhập siêu. Vì vậy, có thể nói rằng XTTM được xem là cầu nối hợp tác và phát triển thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và thế giới, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh, tìm đối tác đầu tư, quảng bá sản phẩm, thương hiệu nhằm chinh phục người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Sự ra đời của Luật Thương mại năm 1999 đã tạo cơ sở quan trọng cho việc tiến hành các hoạt động XTTM nhằm tìm kiếm thị trường, tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách trong từng giai đoạn khác nhau, hàng loạt các văn bản pháp luật đã được ban hành, có tác động trực tiếp đến hoạt động XTTM. Cụ thể là XTTM cũng đã được đề cập khá cụ thể tại Luật Thương mại 2005 và Nghị định số 37/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/4/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về XTTM (Nghị định số 37/2006/NĐ-CP), nhờ vậy mà hoạt động XTTM đã có khung pháp luật khá đầy đủ điều chỉnh, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động XTTM trên thực tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vướng mắc kể cả về thể chế và thực thi pháp luật, nên đến nay, chế định pháp luật về XTTM vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục hoàn thiện để thực sự phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Một số khó khăn, bất cập trong thi hành pháp luật về XTTM

Đối với Việt Nam, hoạt động XTTM tuy là hoạt động còn mới mẻ nhưng nó cũng đã được Nhà nước quan tâm thông qua việc ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ này. Tuy nhiên, thực trạng pháp luật và thi hành pháp luật về XTTM bộc lộ khá nhiều vướng mắc, bất cập, nổi bật là những quy định trùng lặp, chồng chéo về quảng cáo và quảng cáo thương mại; những quy định hạn chế tự do thương mại và thiếu cụ thể về khuyến mại, rườm rà về thủ tục cấp phép, dẫn đến khó áp dụng và tính khả thi chưa cao. Mặt khác, pháp luật hiện hành cũng chưa đủ quy định cần thiết để kiểm soát các hoạt động thương mại diễn ra tập trung như hội chợ, triển lãm thương mại, kiểm soát tính trung thực của thương nhân hoạt động khuyến mại. Đồng thời chưa có sự thống nhất với các quy định về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong hoạt động XTTM. Dưới đây là một vài bất cập, khó khăn của việc thi hành pháp luật XTTM:

Thứ nhất, về trình tự thủ tục thực hiện khuyến mại, bao gồm: Đăng ký, thông báo và xin phép được quy định tại Nghị định số 37/2006/NĐ-CP nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định các điều kiện cần đáp ứng để thương nhân được sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quyền của thương nhân khi bị từ chối xác nhận việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại. Điều này dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, thiếu cơ sở của cơ quan công quyền khi thực hiện quyền hạn của mình và có khả năng làm cho quyền tự do hoạt động khuyến mại của thương nhân khó được thực hiện một cách đầy đủ. Đây có thể là một trong nhiều nguyên nhân của việc nhiều chương trình khuyến mại được thực hiện khi chưa làm thủ tục đăng ký.

Thứ hai, mặc dù được ban hành nhưng một số quy định về khuyến mại đã gây phản ứng trong giới thương nhân. Cụ thể, khoản 4 Điều 96 Luật Thương mại 2005 quy định: Đối với một số hình thức khuyến mại quy định tại khoản 6 Điều 92 (3) của Luật này, thương nhân phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng. Quy định như vậy là không bảo đảm quyền lợi của thương nhân hoạt động khuyến mại. Mục đích ban hành quy định này là nhằm hạn chế tình trạng khuyến mại gian dối, thiếu trung thực của thương nhân nhưng có nhược điểm là không phù hợp với lợi ích kinh doanh của thương nhân.

Thứ ba, về nghĩa vụ quảng cáo trung thực, theo quy định của pháp luật Việt Nam, quảng cáo không trung thực được coi là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật điều chỉnh về quảng cáo thương mại ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc liệt kê một số ít hành vi và quy định tản mạn về vấn đề này. Điều này dẫn đến sự không đầy đủ và có thể không tiên liệu được hết những tình huống quảng cáo không trung thực có thể sẽ xảy ra.

Thứ tư, về quảng cáo so sánh, quảng cáo so sánh trực tiếp là hành vi bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại và Luật Quảng cáo. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về quảng cáo so sánh. Đồng thời, đối tượng bị cấm so sánh chưa có sự thống nhất giữa Luật Thương mại (hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ) và Luật Cạnh tranh (hàng hóa, dịch vụ). Dó đó, trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về quảng cáo thương mại, đây cũng là một vấn đề rất cần được lưu ý.

Ngoài ra, cả ba văn bản luật nêu trên đều chỉ cấm quảng cáo so sánh trực tiếp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều quảng cáo vẫn tiến hành so sánh nhưng một cách gián tiếp bằng cách sử dụng sản phẩm bị so sánh một cách chung chung, hoặc làm mờ đi để người xem không nhận biết rõ được sản phẩm bị so sánh là sản phẩm nào. Mặc dù trường hợp quảng cáo này không bị cấm, nhưng trên thực tế người xem quảng cáo vẫn có thể biết sản phẩm bị so sánh là sản phẩm của doanh nghiệp nào (thông qua hình dáng sản phẩm), tuy nhiên doanh nghiệp có sản phẩm bị so sánh không có cơ sở pháp lý để khiếu nại doanh nghiệp có sản phẩm được quảng cáo.

Thứ năm, trên thực tế, hầu hết các gian hàng trong hội chợ đều thực hiện chương trình khuyến mại với mức giảm giá rất cao (thường từ 50-70%). Nếu căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, mức giảm giá như vậy là vi phạm quy định về mức giảm giá tối đa (không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại). Tuy nhiên, pháp luật cần linh hoạt hơn trong trường hợp này, vì việc giảm giá này chỉ gói gọn trong phạm vi của một hội chợ được tổ chức trong vòng vài ngày (trong khi những hàng hóa này ở bên ngoài hội chợ vẫn bán với mức giá bình thường), do đó sẽ không làm ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của hàng hóa của các doanh nghiệp khác. Trong khi đó, ở một số nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan… họ thường tổ chức các hội chợ thường niên (thậm chí tổ chức các Tháng mua sắm, Mùa mua sắm, Tuần khuyến mại...) với mức giảm giá vô cùng ưu đãi (lên tới 80-90%) và việc làm này đã tạo nên hiệu ứng rất mạnh mẽ cho việc thu hút mua sắm của dân chúng.

Thứ sáu, các hội chợ chưa thực sự thu hút được khách hàng đến tham quan và mua sắm. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân: sự lo ngại về chất lượng của những mặt hàng giảm giá; sự hỗn độn về nguồn gốc xuất xứ; sự đơn điệu của các mặt hàng; nhu cầu thực sự của khách hàng; xu hướng sính hàng ngoại. Rõ ràng, để thực sự phát triển và đẩy mạnh hiệu quả của các hội chợ triển lãm ở Việt Nam, vẫn còn có rất nhiều việc phải làm, mà chủ yếu là công tác thực thi (quản lý, giám sát, xử lý vi phạm,...).

Thứ bảy, sự thiếu đồng bộ trong công tác XTTM. Hiện nay, đa số các địa phương trong cả nước đã có các trung tâm XTTM, hoạt động song song với các tổ chức XTTM quốc gia nhưng chưa có sự phối hợp giữa các trung tâm này. Hầu như mỗi trung tâm tiến hành một chương trình XTTM của riêng mình mà không có kế hoạch phối hợp, gắn kết các trung tâm khác trên cả nước để thực hiện một chương trình XTTM hoàn chỉnh, đa dạng và có quy mô lớn. Dù việc phối hợp tất cả các tổ chức XTTM lại trong một kế hoạch thống nhất là không dễ dàng song đó cũng không phải là vấn đề bất khả thi, thật ra nó phụ thuộc vào tầm nhìn của cả cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức XTTM.

Thứ tám, sự phối hợp của các trung tâm XTTM và hiệp hội doanh nghiệp chưa chặt chẽ, sự xuất hiện các hiệp hội ngành hàng ngày càng nhiều nhưng vẫn chưa có mối quan hệ hợp tác với trung tâm XTTM. Điều này dẫn đến công tác XTTM giữa tỉnh thành, hiệp hội và doanh nghiệp chưa có sự kết nối, còn manh mún, rời rạc. Trong khi đó, chính các hiệp hội là những người được hưởng lợi từ hoạt động của các trung tâm XTTM. Những hạn chế này làm cho nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư vào các trung tâm XTTM địa phương vẫn chưa đem lại hiệu quả. Thêm vào đó, sự thiếu phối hợp giữa hiệp hội doanh nghiệp và các trung tâm XTTM còn gây khó khăn cho việc điều tra, nghiên cứu thị trường của các trung tâm XTTM, làm giảm hiệu quả của các chương trình XTTM được xây dựng.

Thứ chín, về các nội dung liên quan đến nguyên tắc thực hiện khuyến mại. Các quy định tại Nghị định 37/2006/NĐ-CP mang tính chung chung, rất khó khăn trong việc đưa ra một cách giải thích thống nhất cũng như áp dụng thống nhất trong việc thực thi. Cụ thể:

- Tại Điều 4, khoản 1: Các nội dung “trung thực”, “minh bạch”, “không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng” đều là những nội dung được xác định một cách chủ quan trong thực tiễn, không có bất kỳ tiêu chuẩn hay thước đo nào cho các tiêu chí này. Điều đó thực tiễn đã dẫn đến cách hiểu, áp dụng rất không thống nhất của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp. Thực tế đã cho thấy có rất nhiều trường hợp khuyến mại mà trong đó các nội dung thể lệ chương trình khuyến mại gây tranh cãi do cách hiểu và suy luận khác nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, giữa chính các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến những nội dung này. Ví dụ, các trường hợp chương trình khuyến mại trong đó có đưa ra nội dung quy định hạn chế quyền lợi của người tham gia và/hoặc hạn chế quyền lợi của người trúng thưởng (xâm hại đến lợi ích của người tiêu dùng), các chương trình trong đó có những nội dung có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy vào mỗi khách hàng (minh bạch), các chương trình khuyến mại có một số nội dung chưa chính xác với thực tế (trung thực)…

- Tại Điều 4, khoản 2: Nội dung “không phân biệt đối xử giữa các khách hàng” trên thực tiễn nhiều năm qua cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong cách hiểu. Ví dụ, các chương trình khuyến mại trong đó có sự phân biệt về quyền lợi của các khách hàng căn cứ theo vùng miền/địa bàn (phân biệt cơ cấu giải thưởng theo địa bàn), phân biệt về cơ cấu giải thưởng theo thời gian diễn ra chương trình khuyến mại…

- Tại Điều 4, khoản 3: Nội dung “phải bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho khách hàng trúng thưởng nhận giải thưởng” cũng mang tính chung chung, rất khó khăn trong việc đưa ra một cách giải thích thống nhất trong các chương trình khuyến mại mà theo đó việc nhận thưởng của khách hàng phải dựa trên cơ sở thực hiện một số các yêu cầu, điều kiện do thương nhân thực hiện khuyến mại quy định.

- Tại Điều 4, khoản 4: Việc quy định “Thương nhân thực hiện khuyến mại có trách nhiệm bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại” là không phù hợp với thực tiễn các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không phải là hàng hóa do thương nhân đó trực tiếp sản xuất, kinh doanh (giải thưởng/quà tặng là hàng được tài trợ, mua, nhập khẩu…). Trong các trường hợp này, thương nhân thực hiện khuyến mại không thể bảo đảm về chất lượng mà chỉ có thể chịu trách nhiệm đền bù, bồi thường cho khách hàng khi mà hàng hóa dùng để khuyến mại không bảo đảm chất lượng.

- Tại khoản 1, khoản 2 Điều 12: Nghị định quy định về việc thương nhân phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước trong một số trường hợp (tổ chức xác định trúng thưởng, đưa bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hóa khuyến mại) nhưng lại không quy định cụ thể, rõ ràng về thời gian, cách thức thông báo cũng như không quy định rõ về trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước trong các trường hợp này. Quy định như vậy thực tế gây ra nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện theo đúng quy định.

- Tại Điều 13: Nội dung quy định chưa thực sự rõ ràng nên trong thực tiễn thường gây ra sự nhầm lẫn giữa việc khuyến mại cho đối tượng khách hàng thường xuyên của doanh nghiệp (việc khuyến mại cho đối tượng là khách hàng thường xuyên có thể thông qua rất nhiều hình thức khuyến mại) và việc khuyến mại theo hình thức tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên (là một cách thức khuyến mại).

Khuyến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về XTTM

Về hoạt động quảng cáo

Thứ nhất, cần khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, thiếu thống nhất của nhiều văn bản pháp luật, do nhiều cơ quan khác nhau ban hành về quảng cáo theo hướng chỉ quy định về quảng cáo thương mại ở một văn bản duy nhất đó là Luật Thương mại.

Thứ hai, cần tập trung vào điều chỉnh nghĩa vụ quảng cáo trung thực. Pháp luật về quảng cáo thương mại của Hoa Kỳ và của một số nước cũng tập trung chủ yếu vào điều chỉnh nghĩa vụ quảng cáo trung thực. Đây là điều mà pháp luật về quảng cáo thương mại của Việt Nam cần phải lưu ý trong quá trình hoàn thiện, vừa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, vừa hướng đến tạo dựng cho người kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại thói quen kinh doanh trung thực.

Thứ ba, cần đưa ra định nghĩa cụ thể về quảng cáo so sánh và thống nhất đối tượng bị cấm so sánh giữa Luật Thương mại và Luật Cạnh tranh.

Về hoạt động công chúng

Trong xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, dịch vụ quan hệ công chúng đã hình thành ở Việt Nam, đáp ứng có hiệu quả nhu cầu tìm kiếm cơ hội thương mại của người sử dụng dịch vụ và nhu cầu lợi nhuận của người cung cấp dịch vụ. Thực trạng này đã và đang tạo ra mâu thuẫn không nhỏ đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ XTTM tại Việt Nam. Đó là, thực hiện quyền tự do kinh doanh, thương nhân trong nước được quyền kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Khi thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh, rất dễ xảy ra rủi ro đối với cả người kinh doanh dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ này cũng gặp nhiều hạn chế, bất cập. Xuất phát từ yếu tố này, việc quy định bổ sung dịch vụ quan hệ công chúng là cần thiết. Về hình thức pháp lý, quy định bổ sung hình thức XTTM này vào Luật Thương mại (Chương XTTM), với các nguyên tắc cơ bản là thông tin chính xác, trung thực, tôn trọng sự thật, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và thương nhân khác.

Về hoạt động khuyến mại

Nghiên cứu, xem xét việc hủy bỏ quy định nghĩa vụ nộp 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng như khoản 4 Điều 96 Luật Thương mại. Quy định này không bảo đảm quyền lợi của thương nhân khuyến mại. Vì số hàng hóa dùng để khuyến mại sẽ tương ứng với lượng hàng hóa cần tiêu thụ. Khi doanh số bán hàng không đạt dự kiến mà thương nhân lại mất chi phí dành cho khuyến mại thì rõ ràng lợi ích kinh doanh của họ không được bảo đảm. Ngoài ra, cũng có nhiều rắc rối nảy sinh từ thực tế khi hàng hóa khuyến mại là hiện vật, nộp ngân sách lại tính bằng giá trị. Giá mua, giá bán hàng hóa đó là khác nhau, chưa kể chi phí cần thiết cho việc mua, bán và quản lý hàng hóa đó.

Đây là quy định hạn chế tình trạng khuyến mại gian dối, thiếu trung thực của thương nhân về cơ cấu, số lượng giải thưởng và sự phân phối giải thưởng đến khách hàng. Tuy nhiên, không phải mọi thương nhân đều có hành vi gian lận, thiếu trung thực về giải thưởng, khi sự trúng thưởng của khách hàng dựa trên sự may rủi thì việc còn lại giải thưởng sau thời gian khuyến mại hay chưa hết thời gian khuyến mại mà toàn bộ giải thưởng đã có khách hàng trúng thưởng cũng là tất yếu. Do vậy, trong quá trình thực thi pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước về thương mại cần có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát để phát hiện, ngăn ngừa tình trạng gian lận về giải thưởng, kể cả việc đề xuất mức xử lý vi phạm thích đáng đối với người vi phạm. Trên cơ sở cân nhắc lợi ích và hạn chế mà điều luật mang lại, việc quy định nghĩa vụ nộp 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng cần được nghiên cứu xem xét để bãi bỏ.

Nghiên cứu việc hủy bỏ các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, hạn mức về thời gian thực hiện khuyến mại. Để ngăn ngừa hành vi bán phá giá nhằm cạnh tranh không lành mạnh, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định hạn mức giảm giá là 50% giá của hàng hóa, dịch vụ trước thời gian khuyến mại. Ngoài ra, còn có quy định hạn mức về tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và hạn mức về thời gian thực hiện khuyến mại bằng giảm giá là 90 ngày/năm và không quá 45 ngày cho một đợt khuyến mại. Vấn đề ở đây là có cần thiết quy định các hạn mức tối đa trên hay không, khi Luật Cạnh tranh chỉ phòng ngừa nguy cơ bán phá giá để cạnh tranh đối với thương nhân hoặc nhóm thương nhân có vị trí thống lĩnh thị trường hay thương nhân độc quyền.

Bảo đảm tính trung thực về giải thưởng và chọn người trúng thưởng trong các chương trình khuyến mại mang tính may rủi, cần bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân của thương nhân hoặc người đại diện hợp pháp của thương nhân và trách nhiệm cá nhân của người được giao tổ chức chương trình khuyến mại. Thực tế, mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định nghĩa vụ trung thực của thương nhân trong hoạt động khuyến mại, tuy nhiên tình trạng thiếu khách quan hay gian lận trong việc chọn người trúng thưởng vẫn xảy ra. Chính vì vậy, pháp luật cần bổ sung quy định buộc thương nhân hoặc người đại diện hợp pháp của thương nhân, người được giao trách nhiệm tổ chức chương trình khuyến mại phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự về hành vi gian lận, lừa dối khách hàng trong chương trình khuyến mại.

Trong thực tế hiện nay tồn tại một số hình thức khuyến mại mà Luật Thương mại cũng như Nghị định số 37/2006/NĐ-CP chưa có quy định điều chỉnh hoặc đã có quy định điều chỉnh nhưng chưa rõ ràng hoặc gây nhiều cách hiểu khác nhau cần được xem xét, bổ sung tại Luật Thương mại và Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, đó là mô hình khuyến mại mua theo nhóm (groupon); mô hình khuyến mại mua theo gói hàng hóa, gói dịch vụ (coupon); hình thức khuyến mại “tặng hàng hóa, dịch vụ không thu tiền gắn liền với việc mua hàng” (mua 01 hàng tặng 01 hàng).

Hoạt động xúc tiến khác

Bổ sung quy định về trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ XTTM. Thương nhân kinh doanh dịch vụ XTTM là một chủ thể hoạt động XTTM. Nền kinh tế càng phát triển, việc XTTM thông qua quan hệ dịch vụ sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Mặc dù XTTM cho thương nhân khác nhưng thương nhân kinh doanh dịch vụ XTTM vẫn phải có nghĩa vụ hoạt động XTTM đúng pháp luật. Pháp luật hiện hành còn thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ XTTM đối với Nhà nước, với người tiêu dùng. Vì vậy, quy định các quyền và nghĩa vụ phù hợp, cần thiết đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ XTTM là giải pháp tốt, bảo đảm thực thi các quy định về XTTM. Cụ thể, pháp luật hiện hành về XTTM cần được bổ sung các quy định sau:

- Quy định buộc thương nhân khi khuyến mại, quảng cáo, trưng bày hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân khác theo hợp đồng phải thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về các hoạt động này và phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động khuyến mại, quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ.

- Quy định buộc thương nhân kinh doanh dịch vụ tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ trưng bày tại hội chợ, triển lãm, về điều kiện đối với thương nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại.

- Bổ sung những hình thức XTTM mới liên quan đến xúc tiến xuất khẩu. Có thể nhận định rằng XTTM tuy đã gặt hái nhiều thành công nhưng công cụ chính sách và pháp lý thời gian qua vẫn tập trung vào các hoạt động XTTM trong nước và hoạt động XTTM truyền thống (khuyến mại; hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu hàng hóa; quảng cáo). Điều này dẫn đến hệ thống pháp luật cũng phản ánh xu thế này, bằng chứng là Luật Thương mại chỉ quy định các hoạt động XTTM truyền thống; chưa phân tách được XTTM trong nước và xúc tiến xuất khẩu (có những yếu tố, cơ chế đặc thù); một số công cụ đã có những thành công nhất định (như trung tâm giới thiệu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ở nước ngoài) vẫn chưa được nhân rộng, đồng thời một số công cụ chính sách được áp dụng thành công trên thế giới đã được thử nghiệm tại Việt Nam vẫn chưa được thế chế hóa (bảo hiểm xuất khẩu, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa của thương nhân, hiệp hội ngành hàng, xúc tiến xuất khẩu tại chỗ...) gây khó khăn, bó buộc sự sáng tạo, năng động của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung những hình thức XTTM mới này trong Luật Thương mại hoặc Luật Quản lý ngoại thương để điều chỉnh những hình thức XTTM mới như: Chương trình XTTM quốc gia; Chương trình thương hiệu quốc gia; tín dụng xuất khẩu; Bảo hiểm xuất khẩu; Văn phòng đại diện tổ chức XTTM Việt Nam tại nước ngoài...

Tóm lại, XTTM có vai trò rất quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường, thu hút ngày càng nhiều khách hàng, gia tăng sức cạnh tranh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thể chế pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này tuy đã khá đầy đủ nhưng vẫn còn một số rào cản kìm hãm việc giải phóng sức sản xuất, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần lắng nghe một cách cầu thị ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp nhằm nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về kinh doanh nói chung, về XTTM nói riêng.

(1) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2021, tr 97.

(2) Khoản 10, Điều 3, Luật Thương mại 2005.

(3) Khoản 6 Điều 92 Luật Thương mại 2005 quy định về hình thức khuyến mại: Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố.

LÊ TRUNG NHẪN 

Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) - 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến'

Lê Minh Hoàng