/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thu phí tác quyền – Thực sự cần tính minh bạch

Thu phí tác quyền – Thực sự cần tính minh bạch

28/06/2025 22:03 |8 ngày trước

(LSVN) - Trong bối cảnh công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển với tốc độ chóng mặt, việc bảo vệ và thực thi quyền tác giả tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới, phức tạp hơn. Các vấn đề xoay quanh thực thi quyền tác giả hiện nay chủ yếu tập trung vào ba khía cạnh: (1) xác định chủ thể sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan; (2) khai thác, sử dụng tác phẩm đúng quy định; và (3) quản lý, thu phí bản quyền – một vấn đề đang gây nhiều tranh cãi và bức xúc. Bên cạnh đó, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả cũng là một nội dung trọng yếu nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Thực tế cho thấy, việc thực thi quyền tác giả ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Một mặt, ý thức và nhận thức của người dân về bản quyền còn hạn chế. Mặt khác, khung pháp lý chưa thực sự rõ ràng, minh bạch; các chế tài xử phạt lại thiếu tính răn đe. Hậu quả là các hành vi xâm phạm quyền tác giả, đặc biệt trên môi trường số, ngày càng trở nên tinh vi và khó kiểm soát hơn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

Đáng lưu ý, quy định thiếu minh bạch về thu - chi liên quan đến bản quyền đang làm phát sinh nhiều tranh chấp và tạo ra rào cản cho hoạt động sáng tạo. Nếu không sớm được cải thiện, vấn đề này có thể cản trở sự phát triển của môi trường sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Tranh chấp về thu phí tác quyền – Một điển hình từ thực tiễn

Tranh chấp bản quyền, đặc biệt đối với các sản phẩm âm nhạc khai thác trên nền tảng số như YouTube, đang trở nên phổ biến. Một trong những nguyên nhân sâu xa là việc thu phí tác quyền chưa rõ ràng: Ai có quyền thu? Trong trường hợp nào phải trả phí? Khi nào thì được miễn xin phép nhưng vẫn phải trả tiền?

Trên thực tế, để xác định trách nhiệm trả phí, điều cốt lõi là phải làm rõ chủ thể quyền đối với tác phẩm đang bị khai thác. Nếu tác phẩm đã thuộc về công chúng hoặc chỉ còn quyền liên quan (tức quyền của tổ chức đầu tư sản xuất bản ghi âm, ghi hình), thì chủ thể này có thể thu phí trong trường hợp tác phẩm bị sao chép hoặc khai thác cho mục đích thương mại. Ngược lại, nếu bên sử dụng chỉ khai thác quyền liên quan chính đáng mà không vi phạm quyền sở hữu tác phẩm, việc thu phí là không có cơ sở.

Tranh chấp giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và BH Media là ví dụ tiêu biểu cho sự thiếu minh bạch trong quản lý và thu phí tác quyền hiện nay. Trong đó, YouTube – nền tảng trung gian phân phối nội dung – không phải là đối tượng tranh chấp, mà vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ xác định ai là chủ thể có quyền hợp pháp đối với các bản ghi âm/ghi hình được đăng tải.

Nếu BH Media là chủ sở hữu hợp pháp của các bản ghi âm, họ có quyền khai thác mà không cần xin phép từ VCPMC. Trong trường hợp này, việc VCPMC chặn các video do BH Media đăng tải có thể bị xem là hành vi cản trở việc phổ biến tác phẩm – và cần được đánh giá dưới góc độ xâm phạm quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ.

Cơ sở pháp lý và khoảng trống cần được lấp đầy

Theo Điều 26 và Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức phát sóng có thể sử dụng các tác phẩm đã công bố cho mục đích thương mại mà không cần xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn thiếu cụ thể khi áp dụng trong môi trường số, đặc biệt với những tranh chấp liên quan đến quyền liên quan – vốn là một phạm trù dễ bị nhầm lẫn hoặc bị khai thác sai lệch.

Mặt khác, cần làm rõ việc sao chép và đăng tải nội dung lên nền tảng như YouTube có phải là một hành vi “sao chép để thực hiện quyền khác” được nêu tại điểm a khoản 3 Điều 20 của Luật SHTT hay không. Trong trường hợp BH Media viện dẫn điều khoản này để biện minh cho hành vi đăng tải, lập luận của họ có thể không vững chắc, bởi hành vi đó đã vượt quá phạm vi sao chép nội bộ, mang tính phổ biến đến công chúng. Lập luận phản biện của VCPMC dựa trên khoản 2 Điều 20 là có cơ sở trong trường hợp này.

Đề xuất hướng cải thiện

Để giải quyết căn cơ các vấn đề nêu trên, Việt Nam cần:

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Rà soát, cập nhật và bổ sung các quy định chi tiết về quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường số. Cần đặc biệt lưu ý đến các quy định liên quan đến AI – khi công nghệ này ngày càng can thiệp sâu vào quá trình sáng tạo.

Minh bạch hóa quy trình thu phí

Thiết lập cơ chế rõ ràng, minh bạch và thống nhất trong việc thu phí tác quyền; công khai thông tin về cơ chế phân phối lợi ích giữa các bên liên quan.

Tăng cường chế tài xử lý vi phạm

Mức xử phạt cần đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc cản trở quyền khai thác hợp pháp.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Đổi mới phương thức phổ biến pháp luật để cộng đồng – đặc biệt là các tổ chức, cá nhân hoạt động trên nền tảng số – hiểu đúng và tuân thủ nghiêm các quy định về quyền tác giả. 

Luật sư NGUYỄN NHƯ PHƯƠNG

Các tin khác