/ Góc nhìn
/ Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh phải thực sự gương mẫu

Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh phải thực sự gương mẫu

31/08/2022 04:10 |

(LSVN) - Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh phải thực sự gương mẫu, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng; có tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ đã tham gia Ban Chỉ đạo thì trách nhiệm càng nặng nề, không chỉ có trách nhiệm với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo, trách nhiệm với chức vụ đang nắm giữ mà còn trách nhiệm với cả bản thân mình.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Điều 12 Quy định số 67-QĐ/TU ngày 02/6/2012 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh) quy định về tổ chức, bộ máy của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm:

"1. Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ.

2. Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Thành uỷ; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Thành uỷ; Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Thành uỷ; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Thành uỷ….".

Như vậy, thành viên Ban Chỉ đạo là cơ cấu theo chức vụ, khi cán bộ được bầu hoặc bổ nhiệm vụ chức vụ được cơ cấu thành viên Ban Chỉ đạo thì đương nhiên là thành viên Ban Chỉ đạo.

Thành viên Ban Chỉ đạo phải thực sự gương mẫu, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng; có tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ đã tham gia Ban Chỉ đạo thì trách nhiệm càng nặng nề; không chỉ có trách nhiệm với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo, trách nhiệm với chức vụ đang nắm giữ và trách nhiệm với cả bản thân mình. Phải giữ bản thân mình phải thật sự trong sạch, tinh khiết thì mới góp phần nâng cao uy tín của Ban Chỉ đạo.

Khác với những chức vụ khác trong bộ máy nhà nước, khi được bầu hoặc bổ nhiệm vào chức vụ là thành viên Ban Chỉ đạo nếu bị phát hiện có sai phạm, khuyết điểm thì sẽ phải xử lý, sau khi xử lý thì phải đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo và đồng nghĩa với việc không được tiếp tục nắm giữ chức vụ đó nữa. Ví dụ: Chánh Thanh tra tỉnh là thành viên Ban Chỉ đạo, khi bị xem xét, xử lý kỷ luật với hình thức khiểu trách sẽ bị đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo và đương nhiên sẽ bị điều chuyển công tác khác và không tiếp tục giữ chức vụ Chánh Thanh tra tỉnh nữa. Tuy nhiên, đối với những chức vụ khác không phải là thành viên Ban Chỉ đạo thì dù bị kỷ luật với hình thức khiển trách thì họ vẫn tiếp tục giữ chức vụ đó. Đây là điểm khác biệt căn bản của thành viên Ban Chỉ đạo so với các chức vụ khác trong bộ máy nhà nước.

Các thành viên Ban Chỉ đạo nếu vi phạm kỷ luật thì đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo là việc làm bình thường và cần phải thường xuyên rà soát, sàng lọc kỹ lưỡng, kịp thời bổ sung, thay thế để Ban Chỉ đạo duy trì sự ổn định và hoạt động thông suốt. Một thành viên Ban Chỉ đạo không chỉ thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo mà còn thực hiện nhiệm vụ của chức vụ đang đảm nhiệm. Khi tham gia Ban Chỉ đạo thì chưa phát hiện sai phạm nhưng một thời gian sau mới phát hiện sai phạm và bị xử lý thì phải ra khỏi Ban Chỉ đạo.

Chính vì vậy, cần phải có quy định cụ thể về những vi phạm, khuyết điểm nào thì bắt buộc phải ra khỏi Ban Chỉ đạo; những trường hợp vi phạm, khuyết điểm nào thì xin thôi làm thành viên Ban Chỉ đạo mà không phải chờ có quyết định đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo. Đồng thời, quy định về trình tự, thủ tục kiện toàn,… để Ban Chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.

ĐỖ VĂN NHÂN

Xem xét việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa

Lê Minh Hoàng