/ Kinh tế - Pháp luật
/ Tháo gỡ vướng mắc đất đai sau kết luận thanh tra

Tháo gỡ vướng mắc đất đai sau kết luận thanh tra

25/02/2025 19:04 |1 tháng trước

(LSVN) - Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15 về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025.

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lợi dụng Nghị quyết để tham nhũng, tiêu cực

Theo đó, Nghị quyết số 170/2024/QH15 quy định cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa được xác định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết này và 1.313 trường hợp vi phạm thời hạn sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp 03 tỉnh/thành phố nêu trên khơi thông và phát huy nguồn lực đất đai, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Qua đó, có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghị quyết số 170/2024/QH15 nêu rõ, nguyên tắc thực hiện là bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý theo quy định tại Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan, phù hợp với các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên, ký kết.

Các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đã có hiệu lực thi hành phải được thực hiện nghiêm. Chỉ xem xét, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án mà nguyên nhân dẫn đến vi phạm, sai phạm do lỗi của cơ quan quản lý nhà nước hoặc do lỗi của cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư; sau khi đã xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và khắc phục hậu quả các vi phạm về kinh tế, thu hồi lợi ích vật chất do hành vi vi phạm.

Đối với dự án, đất đai thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết mà đang trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự thì việc áp dụng quy định của Nghị quyết này chỉ được thực hiện sau khi có bản án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đình chỉ vụ án. Trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật có nội dung quyết định xử lý về đất đai khác với quy định của Nghị quyết này thì thực hiện theo bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết bảo đảm phân cấp, phân quyền theo quy định; không hợp thức hóa các vi phạm, không để phát sinh sai phạm mới. Đặc biệt, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng việc thực hiện Nghị quyết để tham nhũng, tiêu cực.

Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết bảo đảm phù hợp với thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể; lợi ích chung, tổng thể; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể có liên quan theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, nhất là tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Quy định xử lý 06 nội dung cụ thể

Nghị quyết số 170/2024/QH15 quy định rõ các nội dung cụ thể như sau:

- Xử lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp vi phạm về thời hạn sử dụng đất đối với đất sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

- Xử lý về tiếp tục sử dụng đất, xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 13 dự án tại thành phố Đà Nẵng trong Kết luận thanh tra số 269/KL-TTCP ngày 16/9/2019 của Thanh tra Chính phủ.

- Xử lý về tiếp tục sử dụng đất, xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 11 dự án tại tỉnh Khánh Hòa trong Kết luận thanh tra số 250/KL-TTCP ngày 11/9/2020 của Thanh tra Chính phủ.

- Xử lý về tiếp tục sử dụng đất, xác định giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án tại số 39 - 39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh trong Kết luận thanh tra số 757/KL- TTCP ngày 13/5/2021 của Thanh tra Chính phủ.

- Xử lý về giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án tại thành phố Đà Nẵng trong Kết luận thanh tra số 2852/KL-TTCP ngày 02/11/2012 của Thanh tra Chính phủ.

- Xử lý về giá đất, tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh trong Báo cáo kết quả kiểm tra số 332/BC-TTCP ngày 09/12/2020 của Thanh tra Chính phủ.

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ quy định chi tiết và tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Đặc biệt, chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác, đầy đủ, trung thực của hồ sơ, tài liệu, số liệu, thông tin trình Quốc hội và danh mục dự án tại Nghị quyết này so với những nội dung được cấp có thẩm quyền kết luận.

Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, không để phát sinh tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện, không hợp thức hóa các vi phạm, không để phát sinh sai phạm mới, không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí.

Cần tập trung xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc về đất đai nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển

Ngày 25/02, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo nhằm rà soát công việc và bổ sung, kiện toàn Ban Chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phòng, chống lãng phí thời gian tới, đặc biệt là xử lý các dự án tồn đọng nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển.

Theo Thủ tướng, công tác chống lãng phí thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả bước đầu, đáng khích lệ. Hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật chung đang tiếp tục được tập trung hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, đưa bổ sung các nguồn lực vào nền kinh tế, nổi bật là việc xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, nếu đưa vào khai thác, sử dụng thì sẽ giải phóng được một nguồn lực lên tới hàng chục tỉ USD.

Về tháo gỡ các vướng mắc về đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết số 170. Từ đó tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các dự án tồn đọng, vướng mắc. Riêng Đà Nẵng đã có 1.300 dự án sẽ được tháo gỡ.

Đồng thời, giải quyết tồn tại kéo dài đối với dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém. Xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây.

Thúc đẩy các dự án kéo dài như chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn kéo dài 20 năm, cùng một loạt dự án năng lượng, đặc biệt là hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 trong vòng 06 tháng…

Thời gian tới với yêu cầu phát triển rất lớn, tăng trưởng rất cao, trong khi tình trạng lãng phí nguồn lực còn nhiều, phức tạp, kéo dài nhiều năm. Vì vậy, ông yêu cầu các thành viên cần thống nhất về nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí.

Trong đó, bộ, ngành, địa phương phải quán triệt rất rõ nội dung này để đưa vào các cam kết, kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả).

Tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, các chủ thể liên quan phải tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, chỉ rõ vướng mắc, ách tắc ở đâu, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết.

Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội. Đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch…

Xây dựng văn hóa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện" ở mọi lúc, mọi nơi, "cơm ăn, nước uống hằng ngày". Rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả để giải quyết dứt điểm.

Theo Thủ tướng Chính phủ, việc chậm trễ trong báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, làm gia tăng tình trạng lãng phí nguồn lực.

Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc thực hiện các chỉ đạo. Trường hợp không thực hiện nghiêm túc, không báo cáo đúng hạn sẽ bị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định.

Rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính mà gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; tăng cường phân cấp, phân quyền nhất là trong quản lý các dự án đầu tư công. Thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành.

ĐẠI TRẦN

Các tin khác