Thấy gì từ nhận thức của giới am hiểu pháp luật về 'Vụ án cô giáo Dung'?

08/05/2023 20:30 | 1 năm trước

(LSVN) - “Vụ án cô giáo Dung” sau khi kết thúc xét xử sơ thẩm đang đạt “kỉ lục” thu hút sự quan tâm nhiều nhất dư luận xã hội từ trước tới nay. Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, đã có 26 tờ báo đăng bài về vụ án.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) - nơi cô giáo Lê Thị Dung từng làm Giám đốc trung tâm. Ảnh: TTO.

Mấy ngày nay, Google liên tiếp treo hàng loạt bài báo của nhiều tờ báo trên mục “Tin bài hàng đầu” với keyword “vụ án cô giáo Dung”.

Xuất hiện ngày càng nhiều người thuộc giới am hiểu pháp luật, gồm: các Thẩm phán, Kiểm Sát viên, Luật sư, Giảng viên Tiến sĩ Luật, Nhà báo… có uy tín, thậm chí nổi tiếng, kể cả Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, đều không ngại ngần thể hiện quan điểm một cách công khai. 

Tham gia công luận còn có Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, Viện trưởng VKSND huyện Hưng Nguyên, Chánh Văn phòng TAND tỉnh Nghệ An.

Thấy gì từ những diễn biến kể trên?

Trước hết, không thể nói khác, đây là chỉ dấu tích cực cho một nền tư pháp minh bạch và lành mạnh. Dòng sông công lý vì thế sẽ sáng trong hơn và tắm mát cho tất cả mọi người, oan sai vì thế sẽ bị loại trừ dần. Mong thế!...

Thứ hai, Bản án sơ thẩm kết tội cô giáo Dung 05 năm tù vì chủ trì xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ rồi căn cứ vào đấy, trong 06 năm, được hưởng 45 triệu đồng trái quy định pháp luật đang không thuyết phục dư luận. Cho là quá nặng, không công bằng so với các vụ án khác. Tính trừng phạt, răn đe, giáo dục, thuyết phục và phòng ngừa của bản án vì thế vẫn chưa đạt được.

Thứ ba, nhiều vấn đề về nhận thức pháp luật áp dụng vào việc kết tội cô giáo Dung đang được giới am hiểu pháp luật hiểu rất khác nhau.

Vấn đề thứ nhất, là áp dụng điều luật để truy tố cô giáo, một Giảng viên Tiến sĩ Luật, một cựu Thẩm phán có kinh nghiệm xét xử các vụ án hình sự tại TP. Hồ Chí Minh, và một Luật sư công khai cho rằng, theo Nghị quyết 03 của HĐTP TAND Tối Cao không thể truy tố cô giáo vào khung hình phạt từ 05-10 năm tù mà chỉ được truy tố ở khung từ 01-05 năm. Lý do, chưa thỏa mãn 02 điều kiện: Phạm tội nhiều lần và tài sản thiệt hại phải trên 200 triệu, theo Nghị quyết 03.

Thẩm phán Trương Việt Toàn, Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên và Viện trưởng VKSND huyện Hưng Nguyên cùng 02 Luật sư lại khẳng định, truy tố bị cáo ở khung 05-10 năm là đúng quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, hoặc Nghị quyết 03 trái với Bộ luật Hình sự, hoặc có sự hiểu không đúng nội dung cả hai văn bản luật kể trên?

Vấn đề thứ 2: Cô giáo có mấy “tình tiết giảm nhẹ”? 

Khẳng định tính đúng đắn của Bản án sơ thẩm, Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên phân tích, do cô giáo không thành khẩn nhận tội nên cô chỉ có 01 “tình tiết giảm nhẹ” là “có nhiều thành tích”. 

Ngược lại, cùng một số Luật sư, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng: “Việc đánh giá bị cáo có thành khẩn hay không thì trong cáo trạng cũng nêu rõ việc bà Dung thừa nhận những lần nhận tiền đó, nhưng bị cáo cho rằng mình nhận không sai vì đó là Quy chế chi tiêu nội bộ. Việc thừa nhận mình có nhận tiền có thể coi là tình tiết giảm nhẹ. Đồng thời, xét về nhân thân của bị cáo cũng có thêm một tình tiết giảm nhẹ để bị cáo được hưởng mức án dưới khung theo quy định”.

Ai đúng, ai sai còn phải chờ Bản án phúc thẩm.

Vấn đề thứ 3: Quy chế chi tiêu nội bộ có hợp pháp?

Chưa đồng tình với Bản án sơ thẩm, nhiều Luật sư, Kiểm Sát viên nêu ý kiến cần phải xem xét lại tính hợp pháp của Quy chế chi tiêu nội bộ. Nguyên Kiểm Sát viên VKSND Tối cao Trần Công Du nói: “Qua cáo trạng truy tố, tôi cho rằng, việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX như trên là đúng thủ tục vì đã thông qua Hội nghị công nhân viên chức; đã gửi cho Phòng tài chính, Kho bạc Nhà nước huyện theo dõi, kiểm soát chi”.

Nếu quy chế hợp pháp có đầy đủ hiệu lực để thi hành thì cô giáo Dung không phạm tội. Nếu khi thực hiện quy chế có sự nhầm lẫn hoặc hạch toán chi sai thì cô giáo Dung cũng không có ý thức chiếm đoạt vì thực tế là cô có đi học, công tác…

Một số ý kiến khác cho rằng, nếu Quy chế chi tiêu nội bộ trái pháp luật thì việc theo dỗi, kiểm soát chi của Phòng Tài chính, Kho bạc Nhà nước huyện cũng sai, vụ án có bỏ lọt tội phạm?

Vấn đề thứ 4: Quá trình tố tụng có đúng luật hay vi phạm?

Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên khẳng định, vụ án này chúng tôi làm rất kỹ, cân nhắc từng chữ, đã làm hết sức. Đã rất muốn cô Dung nộp lại số tiền để có thêm tình tiết giảm nhẹ để có thể được hưởng án treo. Nhưng cô Dung không thực hiện nên chúng tôi phải xử theo luật, dù chúng tôi rất áy náy.

Trên 02 tờ báo, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội lại nói, việc giam cô Dung 01 năm mới đưa ra xét xử có vi phạm thời hạn tạm giam hay không? Có cần thiết đến mức như điều tra về một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hay không? Bản án đưa ra là cô Dung lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi  Nghị quyết 03 của TAND Tối cao rõ ràng là áp dụng pháp luật có vấn đề. Việc TAND huyện Hưng Nguyên phạt cô Dung 05 năm tù vì chi sai gần 45 triệu cho thấy, đây là 01 bản án không nhân văn nếu chúng ta so sánh với các bản án khác về các vụ hàng nghìn tỉ và hậu quả vô cùng lâu dài thì rõ ràng tính chất và mức độ của vụ việc không tương xứng, vì trong cùng một hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình tiến hành tố tụng đã nhầm lẫn giữa quyền bào chữa của bị cáo với việc bắt bị cáo phải bào chữa và đã đuổi cả 02 Luật sư ra ngoài phòng xử. Đó là vi phạm rất nghiêm trọng về đạo đức của người Thẩm phán.

Vấn đề thứ 5: Nhận thức pháp luật của cô giáo Dung?

Trong vụ án này cô giáo Dung đã kiên quyết không nhận tội mặc dù cô thừa nhận là có nhận 45 triệu đồng.

Tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trọng khi thi hành công vụ” có dấu hiệu pháp lý đặc trưng là người thực hiện phải có “lỗi cố ý trực tiếp”. Có nghĩa là họ phải nhận thức rõ hành vi của mình là vượt qua chức trách, nhiệm vụ được giao, trái công vụ, biết sẽ gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, nhưng vì vụ lợi và động cơ cá nhân mà có ý thức mong muốn hậu quả xảy ra.

Cô giáo Dung cho đến khi làm đơn kháng cáo phúc thẩm vẫn thể hiện mình không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Nếu đúng như thế thì rõ ràng cô không phạm tội. Giống như vụ “04 tiếp viên hàng không” vận chuyển ma túy mà không biết hàng vận chuyển là ma túy nên vô tội.

Vậy, phải chứng minh cô giáo Dung biết rõ Quy chế chi tiêu nội bộ là sai và biết rõ sai với qui định pháp luật nào?

Pháp luật quy định, trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội thuộc về cơ quan tố tụng, bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh. 

Cho nên, cơ quan tố tụng phải chứng minh được nội dung nêu trên thì mới thuyết phục được dư luận và công bằng với cô giáo vốn dĩ không được đào tạo chuyên ngành về pháp luật.

Bởi, ngay như giới am hiểu pháp luật, mấy ngày qua, vẫn hiểu các quy định pháp luật liên quan “vụ án cô giáo Dung” mỗi người một ý, thậm chí trái ngược nhau!

Nói về sự đồng thuận của xã hội đối với bản án, bài viết của Nhà báo Đức Hiển trên Dân Việt trích dẫn: “Trên Tạp chí Cộng sản tháng 3/2022, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao đề cập đến việc: 'Tìm kiếm và thực thi các giải pháp thay thế một số hoạt động tố tụng'. Trong đó, ông nhận định: "Đánh giá hiệu quả hoạt động tư pháp, hiệu quả xét xử không chỉ căn cứ vào số lượng vụ án, vụ việc được giải quyết, mà phải dựa trên chất lượng xét xử, sự tâm phục, khẩu phục của các bên, sự đồng tình của dư luận xã hội, chi phí của Nhà nước và xã hội”.

Khoản 2, Điều 8, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

Cùng với việc nêu ra điều luật trên, nhiều ý kiến công khai thể hiện quan điểm, mức án 05 năm tù dành cho cô giáo Dung là quá nặng, thiếu nhân văn, thậm chí chỉ nên xử lý bằng các biện pháp khác.

Bản án phúc thẩm của vụ án này, bởi thế, chưa bao giờ được dư luận thể hiện sự quan tâm và mong chờ đến thế.

ĐOÀN QUANG

Kiểm soát chặt chẽ các khoản đầu tư của cán bộ và người thân ra nước ngoài