/ Luật sư - Bạn đọc
/ Thầy lang 'lợi dụng' chữa hiếm muộn có cầu thành tội ‘Cưỡng dâm’?

Thầy lang 'lợi dụng' chữa hiếm muộn có cầu thành tội ‘Cưỡng dâm’?

25/09/2021 17:15 |

(LSVN) – Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhận định, để xác định đối tượng thầy lang có đủ căn cứ để bị khởi tố về tội “Cưỡng dâm” hay không cần phải có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra. Nếu có, thầy lang 'lợi dụng' chữa hiếm muộn này có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm, đồng thời có nghĩa vụ cấp dưỡng cho 2 đứa trẻ.

Một cách tuyên truyền chữa bệnh của ông Vũ Trọng Hải.

Mới đây, Công an huyện Lục Ngạn đang điều tra việc một cặp vợ chồng tố cáo ông Vũ Trọng Hải (SN 1975, ở thôn Kép 2A, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn), là thầy lang đã có hành vi cưỡng dâm khi điều trị hiếm muộn.

Cụ thể, cặp vợ chồng này lấy nhau năm 2015 nhưng lâu có con. Thấy nhiều người nói ông Vũ Trọng Hải bốc thuốc "rất hay", cuối năm 2017 anh chị tìm gặp. Sau 3 tháng điều trị, người vợ có bầu và cuối năm 2018 sinh một cháu trai. Năm 2020, vợ chồng tiếp tục nhờ chạy chữa và có thêm một bé trai.

Sau đó, nghi ngờ không phải con mình, người chồng đã lấy mẫu tóc đi xét nghiệm. Kết quả, hai con không cùng huyết thống với anh này. Giữa tháng 8/2021, vợ chồng anh chị gửi đơn tố cáo ông Hải, sau khi lấy mẫu xét nghiệm ADN, kết quả hai cháu bé đều là con của ông Hải.

Có cấu thành tội "Cưỡng dâm"?

Về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, để xác định đối tượng thầy lang có đủ căn cứ khởi tố về tội “Cưỡng dâm” hay không cần phải có kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra.

Theo Điều 143 tội “Cưỡng dâm” Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, cần xác định người phụ nữ trong hành vi trên có phải là người lệ thuộc vào thầy lang hoặc trong tình trạng quẫn bách. Trong quan hệ ở đây, người phụ nữ là người bệnh và ông Hải là thầy thuốc, người bệnh thì đang trong tình trạng quẫn bách, nóng lòng mong cầu có con nên thầy chữa sao thì nghe vậy, phụ thuộc vào phương pháp chữa bệnh của thầy. Đối tượng thầy lang đã lợi dụng điều này để đưa ra phương thuốc quan hệ tình dục để “đả thông kinh mạch”.

Người phụ nữ chấp nhận giao cấu nhưng không phải tự nguyện mà do tác động bởi các thủ đoạn khống chế tư tưởng của thầy lang (giúp đỡ chữa bệnh). “Dùng thủ đoạn” trong hành vi này được hiểu là thầy lang dùng thủ đoạn để khống chế tư tưởng người phụ nữ nhưng chưa đến mức khiếp sợ, ý chí tự vệ tê liệt, người phụ nữ vẫn còn khả năng kháng cự, tuy nhiên đã không kháng cự mà tự nguyện cho giao cấu một cách miễn cưỡng theo điều kiện mà thầy lang đã đưa ra. Việc phạm tội của thầy lang đã hoàn thành khi hai người có hành vi quan hệ tình dục.

Ngoài ra, đối tượng thầy lang này không có bằng cấp chuyên môn về ngành y và giấy phép kinh doanh, do đó ông này đã vi phạm quy định về khám chữa bệnh theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 Luật Khám, chữa bệnh 2009. Theo đó, đối với hành vi hành nghề không có chứng chỉ hành nghề, ông Hải có thể bi phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Đối với hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, ông Hải có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và bị đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trách nhiệm của thầy lang

Về trách nhiệm của ông Hải đối với 2 đứa trẻ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết, theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Việc xác định quan hệ con và cha mẹ cần có quyết định của Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, với kết quả xét nghiệm AND của hai đứa trẻ và ông thầy lang có thể thấy có căn cứ để xác định hai đứa trẻ là con của thầy lang. Do đó, ông này phải có trách nhiệm cấp dưỡng cho con. Chi phí cấp dưỡng sẽ do hai bên thỏa thuận với nhau, trường hợp không thể thỏa thuận có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Lời cảnh tỉnh

Theo Luật sư Hùng, vụ việc trên không phải là trường hợp hiếm gặp khi những kẻ xấu lợi dụng lúc người bị hại lâm vào tình trạng quẫn bách, khao khát có con để thực hiện hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật, đáng lên án. Cần có biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với trường hợp như vậy. Sở dĩ vẫn còn những “lang băm” tồn tại và thực hiện hành vi lừa ngang nhiên như hiện tại một phần cũng do tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” của một bộ phận người dân. Khi người dân mù quáng và không tỉnh táo tin những lời lẽ mời mọc, hứa hẹn không thực tế của đối tượng lừa đảo thì chúng dễ dàng thực hiện những hành vi vi phạm.

Thậm chí có người sau khi được thầy chữa “khỏi bệnh” còn đi tuyên truyền quảng cáo miễn phí, hướng dẫn người cùng hoàn cảnh với mình đến với thầy. Do đó, người dân cần có sự tỉnh táo nhất định, tìm hiểu rõ những thông tin liên quan đến vấn đề mình gặp phải. Đặc biệt đối với vấn đề sức khỏe chúng ta nên tin vào khoa học, khi có bệnh nên đến gặp bác sĩ, những người được đào tạo bài bản và có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

"Không nên tin thông tin trôi nổi trên mạng xã hội hay thông tin truyền miệng, khi xảy ra hậu quả những kẻ lừa đảo đó sẽ không chịu trách nhiệm và gây ra hệ lụy vô cùng nghiêm trọng như vụ việc trên. Trường hợp phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm, người dân cần báo ngay đến cơ quan chức năng để có hình thức xử lý kịp thời tránh sự việc đáng tiếc xảy ra", Luật sư Hùng nói.

NGỌC ANH

TP. Hồ Chí Minh lấy ý kiến về việc đi lại và ra vào thành phố sau ngày 01/10

Lê Minh Hoàng