Những ngày vừa qua, mạng xã hội lại xôn xao về clip ghi lại cảnh nhóm Youtuber quay phim CSGT TP. Hồ Chí Minh khi đang làm nhiệm vụ với lý do “giám sát” công vụ, tuy nhiên, lực lượng chức năng đã yêu cầu nhóm Yotuber trên tránh ra ngoài khu vực cọc tiêu để lực lượng chức năng làm việc.
Cụ thể, đoạn clip dài khoảng 50 phút được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại cảnh một nhóm nam thanh niên cầm điện thoại quay phim khi đang đôi co với CSGT và phát trực tiếp lên YouTube.
Theo đó, nhóm Youtuber trên liên tục lấy lý do là đang “Giám sát” lực lượng chức năng làm việc nên được quyền quay phim, chụp ảnh. Trong khi đó, lực lượng chức năng thì luôn yêu cầu nhóm thanh niên ra ngoài khu vực cọc tiêu để làm nhiệm vụ.
Nhiều người quay tại hiện trường vụ việc cũng liên tục to tiếng và cho rằng CSGT đang lấn chiếm lòng lề đường và lớn tiếng với lực lượng chức năng về việc ai cho làm chuyên đề nồng độ cồn tại vị trí này?
Được biết, CSGT đã giải thích, người dân có quyền giám sát nhưng không được quyền kiểm tra. Đoạn clip trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận. Có nhiều ý kiến ủng hộ việc giám sát CSGT. Tuy nhiên, phần đông bình luận cho rằng hành vi này đang cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Trước đó, ngoài vụ việc trên, đã không ít những đoạn clip về việc công dân quay phim, chụp ảnh khi lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Tích cực có, tiêu cực cũng có, nhưng câu hỏi chính luôn được dư luận đặt ra,thế nào là “giám sát” lực lượng chức năng và “giám sát” lực lượng chức năng sao mới đúng?
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương, Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự cho biết, theo Văn bản số 2315 đã khẳng định người dân được quyền quay phim, chụp ảnh (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh) CSGT đang làm nhiệm vụ; không ai được phép ngăn cản quyền hợp pháp này của người dân.
Cụ thể, Thông tư 67/2019 của Bộ công an và Văn bản số 2315/C67-P6 của Cục CSGT quy định về việc giám sát CSGT của người dân cụ thể như sau:
Điều 10. Những việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 1. Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; 2. Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ; 3. Việc Nhân dân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ. |
Điều 11. Hình thức giám sát của Nhân dân 1. Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng. 2. Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật. 3. Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ. 4. Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 5. Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan. |
Đồng thời, Luật sư Thanh Phương cho biết, Cục CSGT cũng đã có Văn bản số 2315/C67-P6 nêu rõ:
“Lực lượng CSGT tăng cường phối hợp cơ quan báo, đài để tuyên truyền pháp luật, các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của CSGT; tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân tham gia xây dựng lực lượng CSGT. Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của CSGT thì thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định”.
Theo Luật sư Thanh Phương, việc cho phép người dân quay phim, chụp ảnh CSGT đang thực hiện nhiệm vụ sẽ góp phần đảm bảo việc thực thi pháp luật, ngăn chặn hành vi tiêu cực.
Đồng quan điểm với Luật sư Thanh Phương, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng VPLS Trung Hòa cũng cho biết, Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển, vận động của đất nước, nhân dân phải tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Không những vậy, các quyền của nhân dân luôn được đảm bảo.
Luật sư Hoàng Tùng cho hay, nhân dân chính là chủ của đất nước, ngoài việc trao một số quyền cho các cơ quan đại diện nhân dân thì người dân vẫn được thực các quyền của chính mình, trong đó có quyền giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước... Điều này thể hiện tính dân chủ trong hoạt động quản lý nhà nước và các hoạt động khác.
Điều 8, Hiến pháp năm 2013 là “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.
“Như vậy quyền giám sát của nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp - đạo luật có giá trị cao nhất”, Luật sư Hoàng Tùng cho hay.
Công dân thực hiện quyền giám sát thông qua nhiều hình thức khác nhau như: thông qua HĐND các cấp, MTTQ, Công đoàn,... Thông qua các quyền cụ thể như Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền tiếp cận thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Công dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với nhà nước thông qua hoạt động tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Hoạt động đó thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: Công dân có quyền bầu cử, ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đóng góp ý kiến xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước; thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo cơ quan nhà nước về những việc làm trái pháp luật của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp và pháp luật; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nhằm tăng cường ý thức trách nhiệm, vai trò làm chủ của công dân, bảo đảm thực hiện các quyền trên, Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân” (quy định tại Điều 28).
Theo đó, quyền giám sát của công dân được ghi nhận rất rõ ràng. Nhưng quyền giám sát này không đồng nghĩa với việc cản trở các cán bộ, người được giao nhiệm vụ thực hiện công vụ.
Đã có rất nhiều những vụ việc về hiện tượng người dân và lực lượng chức năng có tranh chấp và được thông tin trên mạng xã hội. Với cá nhân Luật sư Tùng cho rằng, điều này là không nên bởi pháp luật đã và đang bảo vệ các quyền lợi của công dân.
“Trong các trường hợp có sai phạm thì công dân có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Việc đăng những đoạn clip lên mạng xã hội sẽ để lại một hậu quả đó là tính xác thực chưa được chứng minh, tạo ra những cách hiểu sai lầm về các quy định của pháp luật. Từ đó tình trạng cản trở, chống người thi hành công vụ ngày một tăng cao”, Trưởng VPLS Trung Hòa nhận định.
LÂM HOÀNG
Xử lý thế nào với các trường hợp khai man về từ vùng dịch để được xét nghiệm?