Thế nào là tạm trú, tạm vắng?

06/08/2022 11:19 | 1 năm trước

(LSVN) - Khi đi khỏi nơi thường trú trong một thời gian nhất định, công dân phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú, tạm vắng. Vậy, pháp luật quy định thế nào về tạm trú, tạm vắng và khi nào thì phải đăng ký tạm trú, tạm vắng?

Ảnh minh họa.

Thế nào là tạm trú, tạm vắng?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tạm trú tạm vắng là cụm từ phổ biến được rất nhiều người sử dụng, tuy nhiên đây không phải là cách gọi chính xác.

Theo quy định của pháp luật, tạm trú và tạm vắng là 02 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:

Tạm trú là việc công dân tạm sinh sống ở một nơi khác ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú để lao động, học tập trong một khoản thời gian nhất định.

Còn tạm vắng được giải thích tại khoản 7, Điều 2, Luật Cư trú 2020 là việc công dân vắng mặt tại nơi cư trú trong một khoảng thời gian nhất định.

Khi nào phải đăng ký tạm trú, tạm vắng?

Trường hợp phải đăng ký tạm trú

Cũng theo Điều 27, Luật Cư trú 2020, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên thì phải đăng ký tạm trú.

Thời hạn tạm trú của công dân tối đa là 02 năm và được gia hạn nhiều lần.

Lưu ý, không được đăng ký tạm trú mới tại 05 địa điểm quy định tại Điều 23, Luật Cư trú 2020 như sau:

- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ, di tích lịch sử - văn hóa, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống...

- Chỗ ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng.

- Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; chỗ ở là nhà đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết.

- Chỗ ở bị tịch thu; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

- Nhà ở có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp phải khai báo tạm vắng

Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 31, Luật Cư trú 2020, cụ thể:

Trường hợp

Đối tượng

Đi khỏi phạm vi hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên

Bị can, bị cáo đang tại ngoại;

Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang được tại ngoại hoặc hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án;

Người bị kết án phạt tù hưởng án treo đang trong thời gian thử thách;

người đang chấp hành án phạt quản chế hoặc cải tạo không giam giữ;

Người được tha tù trước hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

Người đang chấp hành các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

Người chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng nhưng đang hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành;

Người bị quản lý trong thời gian xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng.

Đi khỏi phạm vi hành chính cấp huyện nơi cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên

Người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ Quân sự;

Người đang phải thực hiện nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đi khỏi phạm vi hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên

Không thuộc các trường hợp trên, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại chỗ ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

HOÀNG QUÝ

Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?