/ Thư viện pháp luật
/ Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?

Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào?

05/08/2022 15:42 |

(LSVN) - Theo quy định của pháp luật, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì và không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp nào? Bạn đọc D.L. hỏi.

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau: 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng; 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định trên, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Điều 28 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định cụ thể các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm sau đây:

- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;

- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;

- Tội "Tham ô tài sản" thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội "Nhận hối lộ" thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

HỒNG HẠNH

Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết

Lê Minh Hoàng