(LSO) - Về nguồn gốc đất, theo tài liệu lưu trữ của cơ quan chức năng đều khẳng định đất chùa Diệu Nam là đất công, thuộc quản lý chung của chùa; tư cách giáo phẩm của hai người hưởng thừa kế theo Quyết định là bà Lê Thị Loan và ông Lê Ngọc Sơn đều không được công nhận; việc TAND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định tái thẩm tuyên hủy hai bản án trước đó để xét xử lại đã được UBND quận Hai Bà Trưng biết và ghi nhận. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì ông Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng - Nguyễn Quang Trung vẫn đặt bút ký phê duyệt chi trả tiền bồi thường cho các cá nhân trên diện tích đất công của chùa?.
Việc UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Quyết định số 3168/QĐ-UBND, ngày 17/9/2020, do Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Trung ký về việc phê duyệt về việc phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với việc thu hồi đất tại địa chỉ số 60, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng (chùa Diệu Nam) có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong đó, UBND quận Hai Bà Trưng phê duyệt đền bù cho cá nhân trên diện tích đất công của chùa đối với hộ bà Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến tổng số tiền gần 44 tỉ đồng.
Theo tài liệu Luật sư Việt Nam Online vừa có được khẳng định Quyết định trên của UBND quận Hai Bà Trưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần nhanh chóng xem xét thu hồi và xem xét trách nhiệm cá nhân trong việc ký ban hành.
Đất tại số 60 phố Đại La là của chùa Diệu Nam
Theo Báo cáo số 311/BC-UBND, ngày 19/6/2020 của UBND quận Hai Bà Trưng do Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Trung ký, về quá trình giải phóng mặt bằng tại địa chỉ số 60 Đại La… đã trích dẫn: “Theo bản án số 151/PTDS ngày 07/8/1992 của TAND TP. Hà Nội quyết định: “Bà Hương được hưởng ½ chùa về phía tay trái (đứng từ cổng nhìn vào) gồm: ½ sân giáp đường phố + 1 gian buồng ông Sinh đang thuê + 3 gian nhà tổ + bếp + ½ sân sau chùa + ½ vườn…
Ngày 16/8/1992 cụ Nguyễn Thị Hương lập di chúc trao quyền thừa kế phần nhà đất tại chùa Diệu Nam như TAND TP. Hà Nội phân chia cho cụ Lê Thị Loan…”.
Tuy nhiên, Báo cáo số 311/BC-UBND khẳng định toàn bộ diện tích mà bà Loan được hưởng thừa kế trên: “Hiện chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Cũng tại Báo cáo số 311/BC-UBND nêu: Ngày 20/3/1995 cụ Trịnh Thị Lương lập di chúc tại phòng công chứng trao quyền quản lý nhà đất như bản án phúc thẩm số 151/PTDS ngày 07/8/1992 đã tuyên cho sư cụ Thích Đàm Mến với điều kiện: “Phải trông nom tu bổ thờ cúng Phật tổ; không được cho con cháu vào sử dụng để làm nơi ở hoặc cầm cố, đổi chác dù chỉ là một phần nhà đất của chùa”.
Ngày 09/11/2012, sư cụ Thích Đàm Mến (tức Ni trưởng Đàm Mến) và cụ Lê Thị Loan lập di chúc tại công ty luật với nội dung: “Cho ông Lê Ngọc Sơn (tức Đại Đức Thích Quảng Lâm) được toàn quyền sở hữu và sử dụng đối với tài sản là 667,7m2 đất thuộc thửa đất số 218+219 tờ bản đồ 5H-II-13 tại địa chỉ chùa Diệu Nam - số 60 phố Đại La, phường Trương Định”.
Về tư cách giáo phẩm của ông Lê Ngọc Sơn, theo Văn bản số 68/BTS-TƯ của Ban Trị sự Trung ương, Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo ngày 28/10/2019 về việc xác nhận thành phần giáo phẩm của Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo Trụ trì chùa Diệu Nam, khẳng định: “Ông Lê Ngọc Sơn (Pháp danh Thích Quảng Lâm) không phải là Trụ trì chùa Diệu Nam (Diệu Nam Phật đường), không thuộc thành phần Giáo phẩm do Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo bổ nhiệm, tấn phong, quản lý và không được Giáo hội cho phép hoạt động tôn giáo tại chùa Diệu Nam.
Ông Lê Ngọc Sơn (Pháp danh Thích Quảng Lâm) không được quyền quản lý, sử dụng tài sản, không có quyền lợi liên quan đến tài sản của chùa Diệu Nam…”.
Ngày 09/6/2020, UBND quận Hai Bà Trưng nhận được đơn kiến nghị của bà Phạm Thị Là (Trụ trì chùa Diệu Nam) đề nghị tạm dừng và phong tỏa tiền bồi thường GPMB tại số 60 Đại La…, gửi kèm đơn bà Là đã gửi Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT ngày 31/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Ngay sau đó, “UBND quận đã chỉ đạo UBND phường Trương Định, BQL dự án đầu tư xây dựng và các phòng ban chức năng của quận phối hợp với TAND quận Hai Bà Trưng trong quá trình giải quyết vụ việc”.
Tiếp đó, tại Thông báo số 237/TB-VP ngày 03/7/2020 của Văn phòng UBND TP. Hà Nội về việc Kết luận của đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng tại cuộc họp giải quyết tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và triển khai dự án đường Vành đai II… Phó Chủ tịch kết luận: “Về việc giải phóng mặt bằng tại địa chỉ số 60 Đại La: UBND quận Hai Bà Trưng lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho chủ sử dụng đất hợp pháp theo quy định hiện hành…”.
Như vậy, về nguồn gốc đất theo tài liệu lưu trữ của cơ quan chức năng đều khẳng định đất chùa Diệu Nam là đất công, thuộc quản lý chung của chùa; tư cách giáo phẩm của hai người hưởng thừa kế theo Quyết định là cụ Lê Thị Loan và ông Lê Ngọc Sơn (thừa kế từ sư cụ Thích Đàm Mến) đều không được công nhận; việc TAND Cấp cao tại Hà Nội ra quyết định tái thẩm tuyên hủy hai bản án trước đó để xét xử lại đã được UBND quận Hai Bà Trưng biết và ghi nhận. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì ông Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng - Nguyễn Quang Trung vẫn đặt bút ký phê duyệt chi trả tiền bồi thường cho các cá nhân trên diện tích đất công của chùa?.
“Dấu hiệu lạ” từ văn bản mới ban hành
Ngày 25/9/2020, Văn phòng HĐND&UBND quận Hai Bà Trưng đã có Thông báo hỏa tốc số 41/TB-VP về việc chỉ đạo việc giải phóng mặt bằng chùa Diệu Nam tại địa chỉ số 60 phố Đại La…
Thông báo nêu: “Thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng đã mời đại diện các sở, ban, ngành thành phố rà soát trình tự thủ tục, chính sách bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư đối với điểm đất trên. Trên cơ sở thống nhất ý kiến tham vấn của các sở, ban, ngành thành phố, căn cứ các quy định hiện hành về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ngày 17/9/2020, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định số 3168/QĐ-UBND về phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với bà Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến".
Theo đó: "Bổ sung tiền ổn định đời sống và tiền hỗ trợ thuê nhà, địa điểm tạm cư cho cụ Lê Thị Loan số tiền 14.736.000 đồng”.
Tuy nhiên, tại Quyết định 3168/QĐ-UBND trước đó ghi rất rõ số tiền “bổ sung tiền hỗ trợ ổn định đời sống và tiền hỗ trợ thuê nhà, địa điểm tạm cư là 23.472.000 đồng…”, con số lệch so với Thông báo nêu trên là 8.736.000 đồng.
Điều đáng ngạc nhiên, đó là tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ gia đình cụ Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến là 43.848.230.330 đồng nêu trong Quyết định 3168/QĐ-UBND lại không được nhắc đến trong Thông báo này?.
Cũng tại Thông báo số 41/TB-VP nêu: “Sau khi ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng dừng việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chuyển toàn bộ số tiền vào Kho bạc Nhà nước…”.
Mặc dù UBND quận Hai Bà Trưng có đưa ra hàng loạt thông báo ra sao thì ở thời điểm hiện tại vẫn phải khẳng định, Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 do ông Nguyễn Quang Trung – Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với việc thu hồi đất chùa Diệu Nam tại địa chỉ số 60, phố Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng (đất công) cho cá nhân cụ Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải xem xét và ngăn chặn ngay.
Luật sư Việt Nam Online tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc…
PV