Ảnh minh họa.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Công an thực hiện việc nghiên cứu, triển khai giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng thực hiện thí điểm xác thực thông tin khách hàng/người dân từ xa thông qua thiết bị di động (bao gồm cả việc so khớp với các yếu tố sinh trắc học).
Ngoài ra, Bộ Công an có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động khẩn trương kết nối, xác thực dữ liệu thông tin thuê bao di động (trừ thông tin mật) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm:
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM rác bảo đảm tiến độ được giao tại Thông báo 174/TB-VPCP ngày 15/6/2022 và Thông báo 196/TB-VPCP ngày 04/7/2022 của Văn phòng Chính phủ.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành,
Đề xuất giải pháp, cơ chế đầu tư để khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập này, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2022.
- Khẩn trương đánh giá kết quả phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, các cơ quan đoàn thể chính trị - xã hội và Hội chữ thập đỏ Việt Nam triển khai xây dựng phần mềm dùng chung cho các cơ quan, xác thực định danh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý hội viên;
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an hỗ trợ, triển khai thực hiện.
Ngoài ra, Thông báo số 218/TB-VPCP cũng nêu rõ, Văn phòng Chính phủ chủ trì cùng với Bộ Công an đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương triển khai, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Xác định đây là nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2022 các bộ, cơ quan, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện.
- Phối hợp với Bộ Công an khẩn trương trình lấy ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử.
- Tổ chức làm việc với các Bộ: Y tế, Công an, Tư pháp, LĐ-TB&XH, GTVT và BHXH Việt Nam về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của ngành y tế... phục vụ triển khai các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu.
Các bộ, cơ quan, địa phương sớm rà soát, đánh giá, nâng cấp phần mềm để cung cấp 25 dịch vụ công thiết yếu và các dịch vụ công khác để bảo đảm công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng.
Đồng thời, các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đánh giá các kết quả thực hiện 06 tháng đầu năm 2022 triển khai Đề án 06; gửi văn bản đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong 06 tháng cuối năm 2022 đến Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thời hạn trước ngày 28/7/2022.
- Các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, thành lập tổ phân tích dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan các cấp hành chính.
Tổ công tác triển khai Đề án 06 hoàn thiện Báo cáo sơ kết 06 tháng triển khai thực hiện Đề án 06, tập trung vào: (i) Kết quả nổi bật đã đạt được, bao gồm: đánh giá các nhiệm vụ nằm ngoài phạm vi Đề án, như: xử lý SIM rác, kiểm soát cho vay ngân hàng và phòng, chống rửa tiền...; đánh giá kết quả triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu đã làm được đến đâu, như thế nào...; (ii) Rà soát, lựa chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm có nguy cơ chậm tiến độ báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ký cam kết hoàn thành trong 06 tháng cuối năm 2022; (iii) Đề xuất khen thưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân tích cực tham gia triển khai Đề án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhắc nhở đối với các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao còn chậm tiến độ.
QUÝ NGUYỄN
Bộ Chính trị yêu cầu các địa phương chủ động hợp nhất sở ngành