Ảnh minh họa.
Tại họp báo về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mới đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, trước câu hỏi của về việc thí sinh có được thi quá 2 môn lựa chọn hay không, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Với phương án 2+2, trước mắt chưa cho phép thực hiện việc thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn.
Thực tế, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng với 1 tổ hợp xét tuyển, do đó việc thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn là không cần thiết.
Với phương án thi này, thí sinh rất rộng đường khi chọn các môn lựa chọn, do đó các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký lựa chọn môn thi.
Liên quan đến việc thí sinh có được phép đăng ký môn thi lựa chọn khác môn đã lựa chọn ở bậc THPT hay không, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2 môn lựa chọn tại kỳ thi là 2 trong số các môn lựa chọn học sinh đã học ở lớp 12 bậc THPT. Việc này có ý nghĩa trong kiểm định chất lượng giáo dục - một trong những mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về việc giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết đây là việc từng bước chuyển nền giáo dục nặng về ứng thí, nặng về thi chuyển sang nền giáo dục thực dạy, dạy thật, học thật, học để làm, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và thực tiễn xã hội. Lựa chọn phương án 2+2, môn ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc không có nghĩa là giảm đi vai trò của môn học này.
Theo phương án công bố, từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ còn 4 môn gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn. Với 2 môn lựa chọn, thí sinh sẽ chọn 2 trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Môn Ngữ văn sẽ theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Vì là năm đầu tiên học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT nên nội dung thi bám sát nội dung Chương trình mới. |
PV
Bộ GD&ĐT lý giải việc chốt thi tốt nghiệp THPT 04 môn từ năm 2025