Tự hào về một vùng đất
Ngày 21/11/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, sáp nhập toàn bộ 6,81 km² diện tích tự nhiên và 3.276 người của xã Tiến Lộc vào thị trấn Nghèn. Sau khi sáp nhập, thị trấn Nghèn có diện tích 18,33 km² diện tích tự nhiên và dân số là 16.913 người.
Từ đó, thị trấn Nghèn từ đó có một không gian mới. 5 năm qua, sau sáp nhập Tiến Lộc, thị trấn Nghèn có thêm diện mạo mới.
Thị trấn Nghèn là vùng đất “sơn thủy hữu tình”, “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Đây là vùng đất chứa đựng một phần lịch sử văn hóa đặc biệt của. Thị trấn Nghèn từng có tên là Đan Liên, Trảo Nha, Đại Lộc. Đan Liên – Trảo Nha từ xa xưa đã là vùng đất trù phú nên có câu ca: “Thứ nhất vua ra, thứ nhì Trảo Nha mở hội”.

Nghèn là thị trấn đầu tiên ở Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại 4.
Thị trấn Nghèn là quê hương của nhiều danh tướng thời Hậu Lệ. Trong cộng đồng dân cư Nghèn có nhiều dòng họ, nhưng nhắc đến Trảo Nha xưa, thị trấn Nghèn ngày nay, không ai không biết đến dòng họ Ngô Trảo Nha. Đó là dòng họ võ tướng, 18 đời Quận công, đồng thời nhiều người giỏi văn. Điển hình như các Quận công: Ngô Phúc Tịnh, Ngô Phúc Vạn, Ngô Phúc Thiêm. Đặc biệt có Hoàng Quận công Ngô Phúc Túc vừa đậu tiến sĩ võ, vừa đậu Hương cống văn. Người đỗ đại khoa đầu tiên là tiến sỹ Ngô Phúc Lâm.
Lăng mộ Tào Quận công Ngô Phúc Vạn và Đền thờ ông, năm 1999 đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Thị trấn Nghèn còn là quê hương của các TS như Nguyễn Bật, Nguyễn Thọ Diên, Phan Đình Tá, Ngô Phúc Lâm, Ngô Đức Bình, Nguyễn Văn Trinh, Nguyễn Nhân Hiếu, Nguyễn Dương Cốc...
Thế kỷ XX, có các tiền bối cách mạng Ngô Đức Đệ là Bí thư chi bộ Nhà lao Kon Tum; Ngô Đức Tốn là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Ninh Thuận. Ngô Đức Mậu, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hóa.
Nghèn là quê hương của chí sĩ yêu nước, nhà thơ Ngô Đức Kế, tham gia phong trào Duy Tân, từng bị thực dân Pháp bắt, cầm tù ở Côn Đảo. “Ông Hoàng thơ tình”, nhà thơ Xuân Diệu cũng là người con của quê hương Nghèn. Họ luôn là niềm tự hào của thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
Nhân dân Thị trấn Nghèn giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Bến đò Thượng Trụ, bên bờ sông Nghèn chính là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, tháng 3/1930. Từ những hạt giống đỏ đầu tiên, trong những năm 1930 - 1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thị trấn đã vùng dậy đấu tranh chống áp bức bóc lột, thành lập chính Xô viết.
Nhân dân Thị trấn đã góp phần làm nên Cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Hiện nay trên quê hương ở Thị trấn Nghèn có Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh – nơi ghi dấu ấn của những ngày nông dân Thị trấn nói riêng, Can Lộc nói chung vùng lên giành chính quyền cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong Cách mạng tháng Tám 1945, Nhân dân Thị trấn cùng với Nhân dân huyện Can Lộc đã tiến hành khởi nghĩa và là địa phương giành chính quyền sớm nhất về tay Nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhân dân thị trấn Nghèn đã cùng cả nước “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Hàng trăm người con Thị trấn đã anh dũng ngã xuống trên chiến trường, chống Mỹ cứu nước. Nhân dân làng Hạ Lội trong một đêm đã tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà lát đường cho xe ra mặt trận. Từ đó làng có tên Làng K130. Năm 2006, Làng K130 đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Với thành tích xuất sắc sau hai cuộc kháng chiến, Nhân dân xã Đại Lộc và Nhân dân xã Tiến Lộc đều vinh dự được Đảng và nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trên quê hương Nghèn có nhiều bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Hiện nay, vùng đất Nghèn có rất nhiều con là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sỹ khoa học; sỹ quan cao cấp trong Quân đội, Công an; nhà thơ, nhà văn, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú và doanh nhân nổi tiếng... Người Thị trấn Nghèn đi ra luôn thành đạt và hướng về quê hương với tình cảm gắn bó, sâu nặng, thuỷ chung.
Đường tới văn minh, giàu đẹp
Những năm sau đổi mới đến nay, Đảng bộ và Nhân dân Thị trấn đã nhạy bén nắm bắt đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Huyện nhà, biến chủ nghĩa anh hùng trong đấu tranh cách mạng thành chủ nghĩa anh hùng trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương.

Bí thư Đặng Văn Kỳ phát biểu tại cuộc gặp lãnh đạo Thị trấn qua các thời kỳ (ngày 11/12/2024).
Từ một vùng đất thuần nông, thị trấn Nghèn tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tích cực phát triển thương mại, dịch vụ. Đặc biệt sau khi có Đã sớm bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, từ năm 2010 đến nay, bằng những bước đi cụ thể, thị trấn Nghèn đã sáng tạo chuyển đổi ruộng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ giới hoá nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…Trên lĩnh vực an sinh xã hội, Đảng ủy, chính quyền Thị trấn tích cực phát động phong trào xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở của dân, thực hiện chương trình nước sạch vệ sinh môi trường...
Sau 40 năm được thành lập (1984 – 2024), công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ Thị đến các khối phố theo các làng xóm trước đây ngày càng được tăng cường vững mạnh. Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, Nhân dân đồng thuận và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Những năm gần đây, thị trấn Nghèn đã phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, cơ sở kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, diện mạo đô thị đổi thay nhanh chóng.
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Thị trấn đã huy động được hàng chục tỷ đồng, hàng vạn ngày công, nhiều hộ dân hiến tặng đất đai để mở rộng đường làng, ngõ xóm, hạ tầng giao thông. Thị trấn đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị.
Năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế về nông nghiệp, thương mại dịch vụ, tài chính...đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác đầu tư cơ bản, quản lý nhà nước về đất đai đều chuyển biến tích cực. Lĩnh vực văn hóa- xã hội thu được kết quả tốt, an ninh quốc phòng giữ vững.
Hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thị trấn Nghèn hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu phát triển và đảm bảo phục vụ đời sống của nhân dân, theo đúng bộ tiêu chí của Bộ Xây dựng đối với đô thị loại IV. Thị trấn Nghèn hôm nay đã có nhiều thay đổi tích cực với diện mạo mới hiện đại, văn minh, xanh, sạch đẹp. Do vậy, Nghèn là thị trấn đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh được Bộ Xây dựng xem xét công nhận là đô thị loại IV.
Theo ông Đặng Văn Kỳ, Thường vụ Huyện ủy Can Lộc, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nghèn, Thị trấn sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của quê hương, phát triển nông nghiệp xanh, giảm phát thải carbon...; nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính và tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý góp phần phát triển bền vững.
Nhân dân thị trấn Nghèn vốn năng động, đoàn kết, tình nghĩa, thủy chung. Đây là một nguồn lực lớn, rất quan trọng để Thị trấn phát triển nhanh và bền vững trong thời kỳ mới, góp phần cùng huyện Can Lộc và tỉnh Hà Tĩnh bước vào kỷ nguyên vươn mình của đất nước.