(LSO) - Trước thực trạng dâm ô trẻ em ngày càng gia tăng, đã có ý kiến tại nghị trường Quốc hội đề xuất "thiến hóa học" đối với loại tội phạm này để mang tính răn đe, phòng ngừa?.
Dư luận dường như vẫn chưa hết phẫn nộ về hành vi dâm ô của cựu Viện phó Viện KSND TP. Đà Nẵng đối với bé gái 7 tuổi tại một chung cư ở TP. HCM vào 4/2019. Mới đây, một giáo viên sinh năm 1982, dạy môn sinh học của trường THCS Phước Minh xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh dâm ô 4 nam sinh lớp 9 của trường trong một thời gian dài. Sự việc này làm dấy lên mối lo ngại khi liên tiếp các vụ dâm ô trẻ em phần lớn xuất phát từ những đối tượng có nhận thức, am hiểu pháp luật...
Đây thực sự là mối lo ngại đối với cộng đồng, có phải các biện pháp trừng phạt của pháp luật chưa nghiêm hay có sự "nhờn" luật của các đối tượng này? Việc nên "xử lý" hành vi này như thế nào để nhằm hạn chế đến mức tối đa của các đối tượng phạm tội?. Đã có nhiều quan điểm được đưa ra dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý, và được đưa ra thảo luận tại nghị trường Quốc hội.
Ngày 27/5, thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị áp dụng hình thức xử phạt "thiến hóa học" với loại tội phạm này.
Theo Đại biểu tỉnh Quảng Bình, hình thức "thiến hóa học" đã được thực hiện ở các nước. “Tôi cho rằng nếu trong pháp luật mình đưa hình thức xử phạt này vào thì ít nhất là phải giảm 50% vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong tương lai”, ông Phương nói.
Ngoài ra, ông Phương còn đề nghị mở rộng hình thức phạt như nâng mức xử phạt hành chính lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại, chống xu hướng tái phạm cao, đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Đồng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Luật sư Hà Kim Tâm, Chủ tịch Công ty Luật Onekey & Partners cho rằng, trong bối cảnh tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và cả người lớn đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp ở Việt Nam và có xu hướng gia tăng, số lượng năm sau cao hơn năm trước. "Trước đề xuất của Đại biểu Quốc hội về vấn đề này, dưới góc nhìn của luật sư tôi hoàn toàn đồng tình áp dụng nếu được các cơ quan, bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng. Cần phải áp dụng chế tài nghiêm khắc hơn thì mới đủ sức răn đe", Luật sư Tâm nói.
Theo vị Luật sư này, bên cạnh việc áp dụng hình phạt này thì cũng cần nghiên cứu và điều chỉnh theo hướng tăng mức bồi thường dân sự cho nạn nhân đối với loại tội phạm này một cách tương xứng với các tổn thất mà họ phải gánh chịu suốt cả cuộc đời.
Trong qua trình xây dựng luật các nhà làm luật cũng cần tính toán kỹ các phương án thực hiện trên thực tế như: trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng, cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử công khai minh bạch đúng người đúng tội.
Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng chống xâm hại trẻ em, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết từ năm 2015 đến 2019, đoàn giám sát của Quốc hội đã nghe Chính phủ, các bộ ngành báo cáo và đến giám sát trực tiếp tại 17 địa phương… Trong gần 4 năm, cả nước xảy ra gần 8.500 vụ với 8.700 trẻ bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục gần 6.500 vụ, hơn 850 vụ bạo lực. "Trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ bị xâm hại tăng đột biến với 1.400 trẻ, trung bình mỗi ngày 7 trẻ trở thành nạn nhân", bà Nga nói và cho rằng tình trạng này phản ánh thực tế người dân có ý thức hơn trong tố cáo hành vi. Đoàn giám sát cũng nhận thấy, nhiều trẻ bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời để xử lý, nhất là hành vi bạo lực gây tổn hại về thể chất, tinh thần. Có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại nhưng không tố giác. Tình trạng người thân, người quen xâm hại trẻ xảy ra nhiều ở các địa phương như Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, Cà Mau… Nhiều nơi có vụ bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái… Tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra trên cả nước, các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM nhiều nhất. |
LÊ MINH