Thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc

29/04/2022 16:04 | 2 năm trước

(LSVN) - Chiến thắng 30/4/1975 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhân dịp kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại ngày lịch sử này và xem lại công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc tài tình do Đảng ta thực hiện.

Ảnh minh họa. 

Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

Một đất nước với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc là một sắc thái văn hóa riêng. Một đất nước với lịch sử hàng nghìn năm bị đô hộ bởi chế độ phong kiến, mấy chục năm bị chia cắt bởi thực dân đế quốc… Nhưng với tư tưởng “nước Việt Nam là một”, tinh thần nghĩa đồng bào, trong đó có vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc… đã góp phần tạo nên một Việt Nam anh hùng, đoàn kết, quật cường. Chính vì thế mà ngay sau khi thống nhất đất nước, Đảng và Chính phủ đã quan tâm thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc

Việt Nam thời hiện đại không chỉ đến khi kết thúc chiến tranh mới hòa giải và hòa hợp mà ngay khi chiến tranh mới bắt đầu và kẻ thù vừa dùng kế thâm hiểm gây chia rẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào Nam bộ (ngày 31/5/1946) đã chỉ rõ: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài, nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng, đại độ. Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc”.

Chính cách ứng xử có tính chất hòa hợp dân tộc và chính sách đoàn kết của Mặt trận Việt Minh, Liên Việt, Mặt trận Giải phóng là hòa hợp dân tộc, nên ngay từ khi kháng chiến mới bắt đầu rồi trải qua trường kỳ kháng chiến cho đến ngày thắng lợi, mọi người Việt Nam không phân biệt giai cấp, tôn giáo, dân tộc đã được tập hợp, cùng nhau chống quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập và thực hiện thống nhất đất nước. Đã có biết bao nhân sĩ, trí thức lên chiến khu, ra bưng biền. Nhiều Luật sư, kiến trúc sư, giáo sư, hòa thượng… và những người yêu nước khác trong vùng tạm chiếm, giữa đô thành Sài Gòn, đã tham gia lãnh đạo Mặt trận và Chính phủ cách mạng lâm thời trong kháng chiến cứu nước. Chính cách ứng xử có tính chất hòa hợp dân tộc của người Việt Nam trong chiến tranh hiệu quả và thiết thực đã góp phần đưa đến thắng lợi của kháng chiến; cuối cùng giải phóng miền Nam mà thành phố Sài Gòn nguyên vẹn và không hề có “tắm máu”, sự hợp lực của sức mạnh hòa hợp dân tộc hiển minh như thế là rõ nhất.

Sau chiến tranh, Việt Nam vẫn làm theo bài học lịch sử mà các thế hệ trước đã làm, hòa hợp hòa giải dân tộc, tập hợp chung đồng bào trong một mặt trận kiến thiết đất nước, giữa 45 triệu người dân hai miền Nam - Bắc (sau năm 1975) và gần 100 triệu dân (năm 2019) trong nước, cùng với hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đọc lại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) càng thấy rõ sự tiếp nối cách ứng xử như đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn làm, nay phải: “Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh làm điểm tương đồng; xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; truyền thống nhân nghĩa, khoan dung đề cao tinh thần dân tộc, để tập hợp mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội”.

Theo đó, các chương trình và chính sách kinh tế - xã hội, cải cách và mở cửa do Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng và triển khai vào cuộc sống; kinh tế - xã hội đất nước ngày càng phát triển, tình trạng bất bình đẳng, phân hóa xã hội ngày càng giảm, đồng thuận xã hội được nâng lên; những mặc cảm, định kiến, hận thù, ai oán do lịch sử để lại dần thu hẹp.

Bằng cách nói và làm “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”, Việt Nam kiên trì và chủ động hòa giải với Hoa Kỳ, Trung Quốc và thế giới phương Tây, thực hiện “cân bằng quan hệ”, đặc biệt là cân bằng quan hệ các nước lớn. Đến năm 2019 Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước thuộc tất cả các châu lục, có quan hệ bình thường với tất cả nước lớn, các nước  Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; trong đó Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn, quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước và quan hệ đối tác toàn diện với 13 nước khác. Việc “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” trở nên thiết thực và rộng mở không chỉ với các nước từng tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam, cả với hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và trên 220 thị trường nước ngoài có quan hệ thương mại với Việt Nam.

Hiển nhiên, việc thống nhất và hòa giải, hòa hợp dân tộc ở Việt Nam sau khi phải trải qua chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ không tránh khỏi những đau thương, mất mát, ly tán, bi kịch trong mỗi gia đình hay mỗi vùng miền đất nước trong và sau chiến tranh. Đó là điều không ai mong muốn, cũng không nên đổ lỗi giữa những người Việt Nam với nhau - bởi suy cho cùng chỉ có tội ác của thực dân đế quốc ngoại bang đến xâm lược mà thôi. Công cuộc thống nhất đất nước là tất yếu, đi theo đường lối quyết sách đúng và đã giành thắng lợi hoàn toàn cho toàn dân tộc. Hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước là tiền đề cơ bản cho hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc, là việc đã làm hàng chục năm trong chiến tranh và đang làm trong hàng chục năm sau chiến tranh.

Với chính sách hòa hợp dân tộc hợp lòng dân của Đảng và Chính phủ, càng ngày người Việt khắp nơi trên thế giới bất kể vì lý do gì trước đây ra đi, đã thường xuyên trở về sum họp và xây dựng đất nước. Bằng chứng rõ nhất về tinh thần hòa hợp dân tộc là Chương trình “Xuân Quê hương” 2022 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao tổ chức, là chương trình thường niên dành cho kiều bào ở khắp nơi trên thế giới trở về quê hương đón Tết Nguyên đán. Sự kiện được cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài quan tâm và chờ đón. Đặc biệt, sau hai năm diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều bà con kiều bào không thể trở về quê hương đón Tết, việc nối lại tổ chức các hoạt động thường lệ của Chương trình Xuân Quê hương cho thấy chính sách nhất quán và thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Tại buổi gặp, thay mặt đoàn kiều bào tiêu biểu về dự "Xuân Quê hương 2022" và lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, trong năm qua, đại dịch Covid-19 đã lan rộng ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của bà con ta ở nước ngoài. Song, bà con đã nỗ lực thích ứng và phục hồi cuộc sống, công việc ở sở tại, đồng thời có nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, bà con kiều bào đã quyên góp số tiền lên tới 80 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch ở trong nước nói chung và Quỹ vaccine nói riêng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế. Những nghĩa cử cao đẹp này không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mà còn tôn vinh truyền thống đại đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” quý báu của dân tộc Việt Nam ta.

Đại diện các kiều bào cũng chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, nêu ý kiến về các vấn đề để làm tốt hơn việc phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bà con kiều bào mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách, giải pháp để đảm bảo cơ sở pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ công tác dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần gìn giữ, phát triển tiếng Việt nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trong cộng đồng kiều bào…

Dịp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đã tặng thưởng Bằng khen cho 33 tập thể và 45 cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Như thế, niềm vui trong ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước có cả sự hào hùng của cuộc kháng chiến vĩ đại, có cả hiện thực công cuộc hòa hợp dân tộc đã và đang làm với nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.      

QUÝ THÍCH

Người đứng đầu phải chủ động giải quyết các vấn đề theo thầm quyền