Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.
“Lối mở” có bị đóng lại?
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó, có nội dung sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho các gian hàng. Về nội dung này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công Luật TNHH TGS cho biết, hiện nay các sàn TMĐT đã và đang nắm giữ thị phần rất lớn và đang lấn át và đe doạ tới sự phát triển của các phương thức mua bán truyền thống. Mặc dù đem lại nhiều tiện ích, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhưng nó cũng có mặt trái trong khâu quản lý nhà nước đặc biệt là về thuế trong khi các quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động TMĐT còn chưa đáp ứng được sự phát triển của hoạt động kinh doanh này.
Nhiều “con buôn” trên các sàn TMĐT vẫn thường truyền tai nhau các biện pháp nhằm “né” thuế, bằng các biện pháp như không đăng ký kinh doanh/ không kê khai nộp thuế, không ghi rõ về việc thường trú tại Việt Nam hoặc kê khai thiếu số lượng/ thấp giá trị của các mặt hàng để trốn thuế. Các “chiêu trò” này có thể dễ dàng thực hiện bởi sự quản lý chưa chặt chẽ của các sàn TMĐT cũng như các cơ quan có thẩm quyền cũng rất khó khăn để thu thập được căn cứ buộc tội, chứng minh cho hành vi vi phạm.
Điểm đ, khoản 1, Điều 8 Thông 40/2021/TT-BTC quy định:
"Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế. Trong thời gian chưa thực hiện được việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật, như họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan". |
Kể từ ngày 01/8/2021 khi Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực, các sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm triển khai việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo hình thức điện tử với chuẩn định dạng dữ liệu theo quy định của cơ quan thuế. Trường hợp cơ sở dữ liệu thông tin hiện tại của sàn giao dịch TMĐT chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật về TMĐT thì sàn có trách nhiệm cập nhật bổ sung thông tin theo đúng quy định chậm nhất trước ngày 01/8/2021.
Trường hợp sàn đã thực hiện khai thay, nộp thay cho cá nhân thì căn cứ doanh thu, tiền thuế đã nộp thuế thể hiện trên chứng từ do sàn phát hành để kê khai, điều chỉnh doanh thu và mức thuế tại cơ quan thuế quản lý địa điểm kinh doanh cố định.
Trường hợp sàn chưa thực hiện khai thay, nộp thay cho cá nhân thì cá nhân kinh doanh căn cứ kết quả kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT (theo chứng từ do sàn phát hành) và kết quả kinh doanh tại địa điểm kinh doanh cố định để kê khai, nộp thuế tại cơ quan thuế quản lý địa điểm kinh doanh cố định.
Khi Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực sẽ hỗ trợ rất lớn cho cơ quan quản lý thuế, hạn chế thất thu thuế nhưng nó sẽ tăng trách nhiệm cho chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (theo lộ trình). Ở một góc độ khác trong thủ tục đăng ký kinh doanh thì trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân sẽ có thể trở thành một điều kiện bắt buộc cho ngành nghề kinh doanh sàn giao dịch TMĐT.
Có làm khó cho các sàn TMĐT?
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cũng nhận định rằng, một số quy định trong Thông tư 40/2021/TT-BTC chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn với hoạt động kinh doanh của các sàn TMĐT. Bởi lẽ theo đại diện các sàn TMĐT, sàn giao dịch điện tử không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1 Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong khi các trách nhiệm của sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT lại không có trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay người bán và cũng chưa có quy định nào bãi bỏ Nghị định này.
Các sàn TMĐT cũng nêu kiến nghị về việc khó khăn khi kê khai thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn khi họ có thể là cá nhân ở các địa phương khác nhau trên toàn quốc khi tham gia kinh doanh trên sàn. Theo Điều 45 Luật Quản lý thuế, cá nhân kinh doanh sẽ phải kê khai và nộp thuế tại cơ quan thuế nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, các sàn TMĐT có thể có địa điểm kinh doanh ở tỉnh khác. Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai thay và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ dẫn đến mâu thuẫn với quy định hiện hành trong trường hợp cá nhân kinh doanh có trụ sở tại tỉnh khác. Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc cho các sàn TMĐT và cá nhân kinh doanh trong việc chứng minh với cơ quan thuế về số thuế đã khấu trừ, nộp thay với cơ quan thuế tại địa phương.
Cũng theo các chủ sàn giào dịch TMĐT, quy định khấu trừ thuế doanh thu đối với nhóm đối tượng sàn giao dịch TMĐT là quy định mới sẽ gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp, với lượng giao dịch khổng lồ lên tới chục triệu giao dịch mỗi ngày và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ chưa phát triển tương ứng thì việc quản lý, theo dõi thông tin của người bán cũng như khối lượng giao dịch từng cá nhân là khá khó khăn. Việc triển khai thực hiện từ ngày 01/8 là quá vội vàng, không đủ thời gian để sàn TMĐT có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Thực tế, kinh doanh qua các nền tảng TMĐT tạo ra doanh thu "khổng lồ", nhưng nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật Việt Nam. Dù vậy, các ý kiến cho rằng, quy định của Thông tư cần được xem xét kỹ lưỡng và có thể cần được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế, cần phải có lộ trình hành lang phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý thuế và các sàn giao dịch TMĐT khi áp dụng Thông tư 40/2021/TT-BTC.
LINH NHI