/ Pháp luật - Đời sống
/ Thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tỉnh Lào Cai

Thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tỉnh Lào Cai

27/04/2023 14:33 |

(LSVN) - Bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng tới việc tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ảnh minh họa.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là gì?

Theo Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà là nền tảng cần thiết cho một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển toàn diện, bền vững. Bình đẳng giới phải đảm bảo phù hợp với pháp luật, chiến lược về bình đẳng giới và thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và của Việt Nam, Công ước CEDAW và các cam kết quốc tế có liên quan khác. Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó[1].

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau tham gia một cách trực tiếp và gián tiếp vào công việc của Nhà nước và xã hội, bao gồm cả việc thành lập và quản lý nhà nước, tham gia quyết định những công việc quan trọng của Nhà nước

Theo đó, Luật Bình đẳng giới năm 2006, quy định rõ bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là:

- Nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội.

- Nam, nữ bình đẳng trong quá trình thảo luận, đóng góp ý kiến nhằm xây dựng hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư hoặc xây dựng và ban hành các quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức.

- Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị.

- Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

Trong những năm qua, phụ nữ Việt Nam đã khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ tham gia cấp ủy, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đều tăng cả về số lượng và chất lượng; trong các ngành công nghiệp có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng; trong ngành giáo dục các nữ trí thức, nhà khoa học say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học, tham gia chủ trì nhiều đề tài là cơ sở hoạch định chính sách,… Vì vậy, để bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cần thực hiện nhiều nội dung, trong đó có thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được [2].

Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định[3] gồm: Quy định tỷ lệ nam nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam; hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam; quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam; quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam.

Ngoài các biện pháp nói trên, trong lĩnh vực chính trị, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới còn bao gồm: Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với tiêu chí quốc gia về bình đẳng giới; bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan Nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới ở tỉnh Lào Cai

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và mới đây nhất là Quyết định số 2282/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ Phê duyệt Chương trình "Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030", Chiến lược Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều kế hoạch hành động vì bình đẳng giới. Các kế hoạch đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó 100% mục tiêu, chỉ tiêu đều bằng và cao hơn các chỉ tiêu, mục tiêu chung của cả nước; bổ sung một số chỉ tiêu gắn với đặc thù của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, trong đó, các cấp ủy Đảng trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ nữ và đã đạt được những kết quả tích cực.

Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Công tác đào tạo cán bộ nữ được tỉnh quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ nữ tham gia học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị; cùng với đó là chính sách thu hút, đãi ngộ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, đã góp phần khuyến khích cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ nữ nói riêng tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để nâng cao kiến thức, kỹ năng làm việc theo vị trí việc làm, chức danh công tác. Trong giai đoạn 2011-2015: toàn tỉnh đã đào tạo 4.815 cán bộ[4] (gồm đào tạo chuyên môn, đào tạo ở nước ngoài và đào tạo lý luận chính trị); bồi dưỡng 70.193 lượt cán bộ (gồm: bồi dưỡng chuyên môn công tác xây dựng đảng; bồi dưỡng chức danh tại tỉnh và Trung ương; bồi dưỡng cán bộ nguồn; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh; kiến thức quản lý nhà nước; bồi dưỡng cấp ủy cơ sở; bồi dưỡng kiến thức công tác đoàn thể...).

Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng cho 16.379 lượt cán bộ, trong đó: Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính theo tiêu chuẩn chức danh: 7.358 lượt người; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức quản lý Nhà nước đạt chuẩn và trên chuẩn cho 6.744 người; bồi dưỡng đại biểu hội đồng nhân dân các cấp: 4.495 người[5]. Từ sau đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được 3.241 cán bộ (gồm đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng – an ninh và các kiến thức bổ trợ khác). Trong số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo có 30% là nữ. Điều này cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ tỉnh Lào Cai trong những năm qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Về quy hoạch đào tạo, bố trí, luân chuyển cán bộ nữ chủ chốt

Công tác quy hoạch đào tạo, bố trí, luân chuyển cán bộ nữ chủ chốt được Tỉnh ủy thường xuyên triển khai thực hiện. Kết quả trong quy hoạch cán bộ, tỷ lệ cán bộ nữ quy hoạch cấp ủy các cấp và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã được quan tâm, chú trọng và cơ bản tăng dần qua từng nhiệm kỳ. Quy hoạch ban thường vụ cấp huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ nữ 18/110 đạt 16,36%, nhiệm kỳ 2025 – 2030 tỷ lệ nữ 20/108 đạt 18,52%; quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025 (2021-2026) tỷ lệ nữ 153/637 đạt 24,02%, nhiệm kỳ 2025 – 2030 tỷ lệ nữ 138/554 đạt 24,91%; quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 tỷ lệ cán bộ nữ 11/57 đạt 19,03%, nhiệm kỳ 202 – 2030 tỷ lệ cán bộ nữ 8/66 đạt 12,12%; Quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 tỷ lệ cán bộ nữ 4/18 đạt 22,22%, nhiệm kỳ 2025 – 2030 tỷ lệ cán bộ nữ 2/20 đạt 10%.

Về bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nữ lãnh đạo quản lý các cấp

Trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai đã có những nỗ lực vượt bậc nhằm bảo đảm tỷ lệ nữ ứng cử viên đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Tỉnh ủy Lào Cai đã phát huy vai trò định hướng trong việc lựa chọn và giới thiệu nhân sự là nữ. Trên cơ sở đó, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đã quán triệt sâu sắc chủ trương bình đẳng giới, bảo đảm những phụ nữ đủ tiêu chuẩn đều được đưa vào danh sách chính thức ứng cử. Nhờ vậy, sự tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở của phụ nữ ở địa bàn tỉnh đạt được những thành tựu đáng mừng.

Ở cấp tỉnh giai đoạn 2015-2020, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 15,69%, tăng 1,14% so với nhiệm kỳ 2010-2015; tỉ lệ nữ tham gia ban thường vụ đạt 6,67%, bằng so với nhiệm kỳ trước; nhiệm kỳ 2020-2025, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy  đạt 13,72%. Đối với cấp huyện, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 21,2%, tăng 2,87% so với nhiệm kỳ 2010-2015; tỉ lệ nữ tham gia ban thường vụ đạt 12,71%, giảm 0,74% so với nhiệm kỳ trước; nhiệm kỳ 2020-2025, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy  đạt 17,05%. Ở cấp xã, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 20,92%, tăng 6,12% so với nhiệm kỳ 2010-2015; tỉ lệ nữ tham gia ban thường vụ đạt 6,22%, tăng 0,22% so với nhiệm kỳ 2010-2015; nhiệm kỳ 2020-2025, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy  đạt 24,62%[6].

Tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng hơn so với nhiệm kỳ 2016-2021. Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2021 - 2026 đạt và vượt được mục tiêu bình đẳng giới đề ra, cụ thể: Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 2/6 đồng chí, đạt 33,33% (giữ nguyên so với nhiệm kỳ trước); tỉ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 21/55 đồng chí đạt 38,18% (tăng 4,25% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện là 125/298 đồng chí đạt 41,95% (tăng 7,57% so với nhiệm kỳ trước), cấp xã là 1198/3218 đồng chí đạt 37,23% (tăng 5,16% so với nhiệm kỳ trước)[7].

Đối với cán bộ nữ là lãnh đạo quản lý các cấp, tỉ lệ nữ là trưởng, phó ngành và tương đương cấp tỉnh là 50 người, có 24/57 sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh và tương đương có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Nữ cán bộ trưởng, phó phòng và tương đương đạt 151/453 người, chiếm 33,33%; ở cấp huyện, nữ trưởng, phó các phòng ban, đoàn thể đạt 166/595 người, chiếm 27,89%; ở cấp xã, nữ lãnh đạo cấp trưởng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đạt 218/851 người, chiếm 25,62%[8]. Có thể khẳng định rằng, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào bộ máy lãnh đạo của các cơ quan Đảng, quản lý nhà nước và các đoàn thể đều tăng lên cả 3 cấp hành chính, nhiều cán bộ nữ trẻ tuổi đã được bổ nhiệm vào các vị trí chủ  chốt của các ban ngành, đoàn thể các cấp.

Về thụ hưởng chính sách độ đãi ngộ, thu hút, hỗ trợ đào tạo

Thực hiện các chế độ hỗ trợ theo chủ trương của Đảng, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành những văn bản, như: Nghị quyết số 36/2016/NQ-HĐND ngày 18/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020, Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai và Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên hơn cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức nữ về độ tuổi được hưởng hỗ trợ: “có tuổi đời tính đến thời điểm hưởng chính sách thu hút không quá 45 tuổi đối với nữ, không quá 50 tuổi đối với nam”. Trong thời gian qua, số lượng cán bộ nữ được được hưởng các chính sách đãi ngộ, thu hút, hỗ trợ đào tạo của tỉnh đều cơ bản đều tăng. Nếu năm 2016, số lượng nữ được hưởng chính sách đãi ngộ là 44/152 người, năm 2017 là 32/100 người, năm 2018 là 67/196 người, năm 2019 là 72/210 người, năm 2020 là 82/239 người, năm 2021 là 315/817 người, năm 2022 là 305/866 người. Số cán bộ nữ được hưởng chính sách thu hút: năm 2016 không có, năm 2017 là 18/46 người, năm 2018 là 01 người, năm 2019 là 10/24 người, năm 2020 là 15/26 người, năm 2021 là 02/29 người, năm 2022 là 10/26 người. Số lượng nữ được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo: năm 2016 là 02/12 người, năm 2017 là 19/25 người, năm 2018 là 05/09 người, năm 2019 là 07/15 người, năm 2020 là 02/05 người, năm 2021 không có, năm 2022 là 05/14 người[9].

Có thể khẳng định, trên cơ sở thực hiện các biện pháp hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt việc bố trí sử dụng cán bộ như bổ nhiệm, luân chuyển, giới thiệu ứng cử cán bộ nói chung trong đó đặc biệt quan tâm đối với đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của từng người nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đến nay đội ngũ cán bộ nữ các cấp trong tỉnh cơ bản đã trưởng thành về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn. Tuy nhiên, thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tỉnh Lào Cai còn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định.

Thứ nhất, phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo, quản lý có tỉ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ. Cán bộ nữ thường được quy hoạch ở vị trí cấp phó, rất ít đưa vào quy hoạch các chức danh đầu ngành. Một số ngành tỉ lệ cán bộ nữ đông nhưng không cơ cấu nữ làm lãnh đạo.

Thứ hai, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn quy hoạch đối với cán bộ nữ đôi khi chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến thiếu hụt nguồn cán bộ nữ kế cận cho nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trên thực tế, phụ nữ vẫn bị hạn chế trong tham gia hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị các cấp; trong việc tham gia ý kiến vào dự thảo các chính sách, kế hoạch có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ  ba, việc phân công, bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý có lúc còn mang nặng định kiến giới. Phụ nữ trong khối chính quyền trên địa bàn tỉnh thường phụ trách công tác văn xã, giáo dục, thi đua, đoàn thể. Việc bố trí, sắp xếp đôi khi chưa thực sự căn cứ vào trình độ năng lực chuyên môn được đào tạo. Không có trường hợp phân công cán bộ lãnh đạo nữ giữ vị trí cấp trưởng quản lý theo dõi chỉ đạo lĩnh vực kinh tế, kế hoạch đầu tư.

Một số kiến nghị đối với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai nhằm thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị trên địa bàn tỉnh

Một là, tiếp tục thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và lập ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới và bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác bình đẳng giới. Ban hành các chính sách, chương trình, kế hoạch và đưa ra các biện pháp cụ thể, quyết liệt để phụ nữ tham gia ứng cử đạt tỷ lệ ngang bằng với nam giới tức phải từ 50% trở lên.

Hai là, cần phải đề ra những biện pháp cụ thể và mạnh mẽ hơn trong công tác quy hoạch, tạo nguồn lãnh đạo nữ các cấp, các ngành; đổi mới, kiên quyết và kiên trì trong việc tạo nguồn, phát hiện nhân tố tích cực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nữ; quan tâm tới công tác đề bạt, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm cán bộ nữ.

Ba là, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ; xây dựng chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nữ phù hợp với tình hình thực tiễn và có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, vùng sâu là người dân tộc thiểu số; nỗ lực giảm khoảng cách giới trong công tác quản lý, lãnh đạo sẽ không thể tách rời với nỗ lực bình đẳng giới trong tất cả các lĩnh vực của đời sống.

Bốn là, đánh giá thực hiện chính sách và dự báo tình hình chỉnh chính sách để kiến nghị điều chỉnh  (nếu cần thiết)

Ở góc độ quản lý nhà nước, công tác đánh giá chủ yếu mang tính định kỳ, hằng năm, sơ kết, tổng kết giai đoạn thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và trước mỗi nhiệm kỳ bầu cử đại biểu HĐND. Tuy nhiên, trong các báo cáo tổng kết về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ yếu là liệt kê các lớp học đã tổ chức, trình độ đào tạo về lý luận chính trị, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, chưa thể hiện được các tiêu chí đánh giá thực hiện chính sách và phân tích nguyên nhân hạn chế.

Bên cạnh đó, có thể nhận thấy sự tác động của định kiến giới về vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị sự tác động mạnh mẽ đến tất cả các hoạt động thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý. Tâm lý “nam ngoại, nữ nội” còn phổ biến không chỉ từ cách nhìn của nam giới, mà cả ở phụ nữ với định kiến truyền thống là phụ nữ cần ở nhà chăm sóc công việc gia đình hơn là tham gia các hoạt động xã hội. Do đó, nhiều người có tâm lý ủng hộ nam giới làm lãnh đạo, quản lý hơn so với nữ giới, mặc dù họ có cùng năng lực và điều kiện cần thiết.

Như vậy, để thúc đẩy bình đẳng giới trong chính trị cần xem xét tổng thể từng nội dung nêu trên và thực hiện đồng bộ ở các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Đặc biệt, sự thay đổi đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới về vai trò của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý sẽ có tác động đến các nội dung thực hiện chính sách bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý trong toàn hệ thống chính trị nói chung.

[1] Khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006.

[2] Khoản 1 Điều 14 Nghị định 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

[3] Khoản 1, điều 19, Luật Bình đẳng giới.

[4] Nguồn: Báo cáo tổng kết 5 năm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giai đoạn 2011-2015 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

[5] Nguồn: Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án số 16-ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020.

[6] Nguồn: Báo cáo tổng kết Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.

[7] Nguồn: Báo cáo kết quả bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

[8] Nguồn: Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp.

[9] Nguồn: Sở Nội vụ tổng hợp.

Thạc sĩ NGÔ THỊ NHUNG

 

 

Bùi Thị Thanh Loan