/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vướng mắc đối với tội 'Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy'

Vướng mắc đối với tội 'Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy'

27/04/2023 06:14 |

(LSVN) - Tội phạm tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay rất phức tạp, nhưng việc xử lý loại tội này gặp nhiều vướng mắc khi đánh giá chứng cứ, trong đó có nguyên nhân là quy định pháp luật chưa rõ ràng, đầy đủ. Bài viết phân tích vướng mắc và kiến nghị nhằm khắc phục vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết vụ án này.

Ảnh minh họa.

1. Dấu hiệu pháp lý về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy"

Ma túy là loại độc dược gây nghiện hết sức nguy hiểm cho người sử dụng nếu không tuân theo sự chỉ định của y, bác sỹ. Theo quy định của pháp luật, chỉ một số cơ quan nhà nước mới được phép sản xuất ma túy nhằm mục đích phục vụ trong lĩnh vực y tế nhằm mục đích chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

Dấu hiệu khách thể trực tiếp của tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" là chế độ độc quyền quản lý của Nhà nước về việc sử dụng các chất ma túy. Ngoài ra, hành vi phạm tội còn xâm hại đến các quan hệ xã hội khác như tính mạng, sức khỏe của con người, đồng thời còn làm gia tăng tệ nạn nghiên hút ma túy, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Dấu hiệu khách quan của tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" được quy định là hành vi phạm tội, là dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm. Dấu hiệu phạm tội có tổ chức hay đồng phạm có tổ chức là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự năm 2015, hoặc tình tiết này được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt trong một số tội phạm cụ thể quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" được quy định tại Điều 255, Bộ luật Hình sự năm 2015 có dấu hiệu "có tổ chức" là đặc điểm bắt buộc của hành vi khách quan có ý nghĩa trong việc định tội và ở cả phương thức thực hiện hành vi phạm tội, có nghĩa là người phạm tội có hành vi tổ chức cho người khác thực hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy hoặc đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác.

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy": Đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.

Dấu hiệu chủ quan của tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", lỗi của người phạm tội luôn là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm thấy rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật cấm, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.

Mục đích của người thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là nhằm đưa chất ma túy một cách trái phép vào cơ thể người khác. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là nhằm đưa chất ma túy trái phép vào cơ thể người khác thì không phải là phạm tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", mà tùy trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 256), hoặc các tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" (Điều 249), tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" (Điều 250)... Như vậy, mục đích nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

2. Vướng mắc và hướng hoàn thiện quy định pháp luật về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”

Tại mục a, điểm 6.2, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 quy định về Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương xviii “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 như sau: “a) Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy", mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" hoặc tội "Sử dụng trái phép chất ma túy”.

Quy định nêu trên thì đối với “người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép…” thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Vì vậy, đối với vụ án ma túy cần xác định rõ trong các bị cáo sử dụng ma túy có bị cáo nào không nghiện hay không? Ai là người chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác.

Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là một trong các hành vi sau đây: Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy. Người nào thực hiện một trong các hành vi theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy": Đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;…

Ví dụ: Sau bữa tiệc tổ chức liên hoan, các đối tượng nghiện ma túy cùng rủ nhau sử dụng ma túy. Trong trường hợp này, các bị cáo có phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hay không?

Đối với vụ án này sẽ xảy ra hai trường hợp:

- Nếu tất cả các bị cáo đều nghiện mà có một hoặc hai bị cáo có ma túy đưa cho các bị cáo khác cùng sử dụng thì không phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

- Nếu có một người khởi xướng, sau đó các bị cáo đều đồng ý sử dụng ma túy. Các bị cáo không có ma túy nên phải phân công nhau đi mua, phân công người chuẩn bị địa điểm, công cụ, phương tiện để sử dụng ma túy. Theo hướng dẫn tại điểm 6.1 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Vướng mắc: Qua ví dụ nêu trên có thể thấy, theo hướng dẫn tại điểm 6.1, mục 6, Phần II, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP thì đối với một số trường hợp các đối tượng về ma túy được “miễn trừ” về truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" thì tất cả những hành vi liên quan đến việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với những người nghiện ma túy tụ tập nhau lại để sử dụng ma túy cũng không thể được miễn trừ như hướng dẫn tại Thông tư 17 mà phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kiến nghị 

Bãi bỏ hướng dẫn tại điểm 6.1, mục 6, Phần II, Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT/BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP.

NGUYỄN PHI HÙNG

Tòa án Quân sự Quân khu 4

Tội ‘Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi’: Lý luận và thực tiễn

Nguyễn Hoàng Lâm