Ảnh minh họa.
1. Dấu hiệu pháp lý về tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi"
Một hành vi được xem là phạm tội "Dâm ô người dưới 16 tuổi" khi thuộc các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLHS, cụ thể:
Dấu hiệu khách thể của tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” là xâm phạm trực tiếp đến quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm mà cụ thể ở đây là quyền được phát triển bình thường về tình dục của người dưới 16 tuổi. Để xâm phạm đến khách thể này, đòi hỏi tội phạm phải tác động vào người dưới 16 tuổi. Nếu người có hành vi dâm ô đối với người trên 16 tuổi thì không bị coi là tội phạm.
Dấu hiệu khách quan của tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” là hành vi “không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác…”. Như vậy, hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi là hành vi tình dục có đặc điểm thỏa mảng hoặc khêu gợi, kích thích nhu cầu tình dục nhưng không phải là hành vi giao cấu hoặc hành vi quan hệ tình dục khác như tội phạm được quy định tại Điều 145 BLHS. Tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS về việc xét xử vụ án xâm phạm tình dục người dưới 18 tuổi (Nghị quyết số 06/2019/NQ–HĐTP) đã liệt kê cụ thể các hành vi sau:
“Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây:
a) Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (Ví dụ: Đụng chạm, cọ xát, chà xát,...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi;
b) Dùng bộ phận khác trên cơ thể (Ví dụ: Tay, chân, miệng, lưỡi,...) tiếp xúc (Ví dụ: Vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm,...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
c) Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (Ví dụ: Đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi;
d) Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (Ví dụ: Vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác;
đ) Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (Ví dụ: Hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi)”.
Như vậy, hành vi dâm ô rất đa dạng với nhiều biểu hiện khác nhau, đó là việc người phạm tội sờ mó bộ phận sinh dục của nạn nhân (âm hộ, dương vật hoặc những bộ phận nhạy cảm khác của nạn nhân mông, hậu môn) hoặc người phạm tội bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn ham muốn dục vọng nhưng có ý định giao cấu hay thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân.
Tuy nhiên, dấu hiệu bắt buộc của tội này là không thực hiện hành vi giao cấu hay quan hệ tình dục khác với nạn nhân, nếu có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác thì không cấu thành tội phạm này mà tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” hoặc tội “Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” hoặc tội "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
Dấu hiệu chủ quan của tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” là yếu tố lỗi và mục đích khi thực hiện hành vi. Lỗi của chủ thể là lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, là xâm hại đến trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm của trẻ dưới 16 tuổi và xâm phạm đến đạo đức, lối sống, văn hóa, truyền thống, pháp luật của Nhà nước.
Mục đích khi thực hiện hành vi này là nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình hoặc kích thích, khêu gợi nhu cầu tình dục của chính mình hoặc của trẻ em. Trong trường hợp, người thực hiện hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi mà có mục đích khác thì họ có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác.
Ví dụ: Người phạm tội thực hiện các hành vi dâm ô đối với trẻ em mục đích bôi nhọ hoặc trả thù thì có thể bị xử lý về tội "Làm nhục người khác" (Điều 155 BLHS năm 2015).
Dấu hiệu chủ thể của tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” không phân biệt giới tính (cả nam và nữ giới) đủ 18 tuổi trở lên, và không thuộc trường hợp không có năng lực hành vi dân sự (Điều 12 BLHS).
Với tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” được quy định tại Điều 146 BLHS, các nhà làm luật quy định 3 mức hình phạt, mức thấp nhất của khung hình phạt là 06 tháng tù giam và mức cao nhất của khung hình phạt là 12 năm tù giam. Ngoài ra, còn có hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Về các tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại khoản 2, 3 Điều 146 BLHS đã bổ sung thêm trường hợp phạm tội có tổ chức, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%, tái phạm nguy hiểm, gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên, làm nạn nhân tự sát để thay thế quy định “gây hậu quả nghiêm trọng” hay “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” như trong Điều 116 BLHS 1999.
2. Một số vướng mắc và hướng hoàn thiện quy định pháp luật về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”
Trong thời gian qua, dư luận đã hết sức hết sức phẫn nộ, bức xúc khi ngày càng nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm này được báo chí truyền thông lên tiếng. Thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn bởi đến nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về tình tiết phạm tội 02 lần trở lên.
Đây là tình tiết này được quy định ở hầu hết các tội xâm phạm tình dục người dưới 16 tuổi, trong quá trình áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 156 BLHS và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 06/2019/NQ–HĐTP phát sinh trường hợp hành vi dâm ô một người dưới 16 tuổi nhiều lần, trong đó chỉ có một lần nạn nhân dưới 16 tuổi còn những lần khác nạn nhân đã trên 16 tuổi. Hiện nay, có nhiều quan điểm giải quyết khác nhau, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình 02 lần trở lên nhưng có 01 lần nạn nhân thỏa mãn điều kiện về tuổi của tội phạm còn các lần khác nạn nhân đã đủ 16 tuổi thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo cấu thành cơ bản của tội phạm đó, nghĩa là không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”.
Quan điểm thứ hai cho rằng người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã thực hiện theo cấu thành tội phạm cơ bản theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLHS có khung hình phạt từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội phạm khác nếu những lần thực hiện hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác.
Theo quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, nghĩa là phải tách biệt các hành vi đã thực hiện, nếu thỏa mãn nhiều cấu thành tội phạm khác nhau thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tội phạm tương ứng.
Do đó, trong thời gian tới đề nghị cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn cụ thể về tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” theo hướng: “Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi thỏa mãn đầy đủ cấu thành tội phạm từ 02 lần trở lên nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu các hành vi khác mà người phạm tội đã thực hiện đủ để cấu thành một hay nhiều tội phạm khác và hành vi đó chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm đó”.
Thứ hai, đối với trường hợp hướng dẫn xác định những trường hợp không phải là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP đã nêu rõ những trường hợp không phải là dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tại Điều 146 BLHS, bao gồm:
- Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (Ví dụ: Cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...);
- Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (Ví dụ: Bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước...).
Về bản chất hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là các hành vi tình dục, có tính chất kích thích, khêu gợi, thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội hoặc kích thích khêu gợi nhu cầu tình dục của người dưới 16 tuổi. Cho nên chỉ cần quy định dâm ô là hành vi có tính chất tình dục là đã phân biệt hành vi dâm ô với những hành vi khác không phải là tội phạm (như chăm sóc, điều trị cho trẻ em...). Việc quy định cụ thể những hành vi không phải dâm ô mặc dù là cần thiết để thống nhất về đường lối xử lý. Tuy nhiên, Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP lại quy định những trường hợp này phải là đối tượng dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, ví dụ: Cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non... Vậy trường hợp cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con trên 10 tuổi thì xác định là hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi hay không?
Do vậy, theo tác giả, để thống nhất áp dụng trên thực tiễn cần phải sửa đổi quy định này theo hướng “Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 16 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (Ví dụ: Cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 16 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...)”.
NGUYỄN THỊ THÚY LOAN
PHẠM THỊ THỦY
Tòa án Quân sự Khu vực Quân khu 9
Giảng viên Trường Đại học Kiên Giang
Một số hạn chế, bất cập về tội 'Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác'