/ Trao đổi - Ý kiến
/ Thu thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức chia bằng cổ phiếu - Những bất cập trên góc độ pháp lý và thực tiễn

Thu thuế thu nhập cá nhân đối với cổ tức chia bằng cổ phiếu - Những bất cập trên góc độ pháp lý và thực tiễn

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngày 05/12/2020, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế chính thức có hiệu lực và sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế từ năm 2021 trở đi. Một trong số các điểm mới của Nghị định 126/2020/NĐ-CP là quy định về việc thay đổi chủ thể kê khai thuế, nộp thuế thu nhập cá nhân từ cổ tức bằng chứng khoán từ cá nhân nhà đầu tư sang tổ chức là các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, công ty quản lý quỹ nơi cá nhân ủy thác danh mục đầu tư.

Cụ thể, điểm d, khoản 5, Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định: “Tổ chức khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm do lợi tức ghi tăng vốn; cá nhân góp vốn bằng bất động sản, phần vốn góp, chứng khoán. Thời điểm khai thuế thay và nộp thuế thay được thực hiện khi cá nhân phát sinh chuyển nhượng chứng khoán cùng loại, chuyển nhượng vốn, rút vốn”.

Việc chuyển đổi kê khai và nộp thuế từ cá nhân sang các tổ chức liên quan ở trên đã tăng cường khả năng thu thuế cho Nhà nước nhưng cũng để lại không ít những bất cập và những ý kiến trái chiều xoay quanh quy định này nhìn nhận dưới góc độ thực tiễn.

Gánh nặng kê khai và nộp thuế cho các tổ chức liên quan

Hiện nay, các công ty chứng khoán đang loay hoay tìm cách xác định được một cách rõ ràng, chính xác đâu là cổ phiếu trả cổ tức, cổ phiếu thưởng trên tài khoản của nhà đầu tư để từ đó xác định thời điểm và mức giá mà nhà đầu tư thực hiện bán ra nhằm kê khai thuế. Nếu xác định sai thời điểm bán chứng khoán là cổ tức, cổ phiếu thưởng sẽ dẫn đến việc thực hiện khai thuế và nộp thuế thay không chính xác và có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư. 

Thông thường, cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng khi về tài khoản được gộp chung với cổ phiếu hiện có trong tài khoản, bao gồm cổ phiếu mua mới, nên việc xác định thời điểm kê khai thay và nộp thuế thay cho nhà đầu tư là rất khó. Nếu tuân thủ Nghị định 126, công ty chứng khoán có thể sẽ phải hạch toán khoản cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng vào các tiểu khoản riêng, để khi nhà đầu tư bán ra thì công ty sẽ thực hiện kê khai thay và nộp thuế thay cho nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, việc tách ra nhiều tài khoản như vậy sẽ gây khó khăn rất lớn cho cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư trong việc quản lý và giao dịch chứng khoán. Bản thân Nghị định 126/2020/NĐ-CP cũng chưa có Thông tư hướng dẫn định nghĩa căn cứ tính thuế đối với chứng khoán từ nguồn cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán, giá tính thuế cũng như chưa có hướng dẫn đồng bộ và như thế nào là giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.

Có phát sinh việc “thuế chồng thuế”?

Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính (bao gồm nghĩa vụ về thuế). Mặc dù nghĩa vụ về thuế ở đây là thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chứ không phải là thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nhưng về bản chất người chịu khoản thuế này chính là các cổ đông của công ty, trong đó bao gồm các nhà đầu tư cá nhân, bởi lẽ họ sẽ chỉ được hưởng cổ tức phát sinh từ lợi nhuận của công ty sau khi trừ đi các chi phí và các nghĩa vụ tài chính liên quan.

Ngoài thuế TNDN ở trên, trường hợp, cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu và khi chuyển nhượng số cổ phiếu này thì cá nhân sẽ phải nộp các nghĩa vụ thuế như: 0,1% trên giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng, 5% thuế thu nhập từ đầu tư vốn.

Xét về bản chất của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là một động thái pha loãng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, không làm thay đổi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (tại thời điểm chia), không làm giảm lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần của từng cổ đông, tất cả cổ đông công ty không nhận tiền mặt nào giống như hình thức chia cổ tức bằng tiền mặt. Nói cách khác, khi cổ đông nhận được cổ phiếu thì khoản này không được coi là thu nhập từ đầu tư vốn theo như quy định tại Điều 3 Điểm 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2014 vì họ không nhận được một đồng tiền nào để có thể gọi là thu nhập cả nên việc áp thuế thu nhập cá nhân đối với khoản cổ tức này là không vững vàng về cơ sở pháp lý.

Việc chia tách cổ phiếu làm lượng cổ phiếu mỗi cổ đông nắm giữ tăng lên nhưng không phát sinh thêm thu nhập vì số lượng cổ phiếu tăng thêm bao nhiêu lần thì giá trị mỗi cổ phiếu giảm đi bấy nhiêu lần và vốn hóa công ty không thay đổi. Do vậy, pháp luật nhiều nước không đánh thuế khi doanh nghiệp chia tách cổ phiếu, vì nghiệp vụ này không giúp nhà đầu tư có thêm thu nhập ở thời điểm chia tách.

Những hệ lụy phái sinh từ chính sách thuế

Với bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân có nhiều ý kiến tiêu cực về phương pháp “tận thu thuế” của cơ quan thuế khi áp dụng Nghị định 126/2020/NĐ-CP, họ sẽ phát sinh tâm lý tẩy chay cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu. Điều này sẽ dẫn tới việc các nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt nhiều hơn, hạn chế hình thức trả bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, làm cản trở cơ chế huy động vốn hàng năm và thường xuyên của các doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng nội địa trong nước sẽ gặp khó khăn khi đang cần giữ lại nhiều lợi nhuận sau thuế để xử lý nợ xấu và giảm lãi suất huy động cùng lãi suất cho vay.

Hiện tại, Hiệp hội Các Nhà Đầu tư Tài chính Việt Nam (Vafi) mới có công văn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chưa đánh thuế trả cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng. Dễ thấy, cơ quan nhà nước nên định hướng các chính sách thuế theo hướng công bằng, cần có cơ chế thu thuế thu nhập cá nhân trên cổ tức/ thưởng bằng cổ phiếu linh hoạt hơn, phù hợp hơn để một mặt không gây thất thu cho ngân sách nhưng mặt khác có những chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển bền vững.

TRẦN GIA THẾ

Một số vấn đề pháp lý liên quan vụ 50 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép

Lê Minh Hoàng