/ Tư vấn
/ Thủ tục chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp khi sáp nhập tỉnh thành

Thủ tục chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp khi sáp nhập tỉnh thành

13/05/2025 07:17 |2 ngày trước

(LSVN) - Giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ, người dân không bắt buộc làm lại đồng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp. Nếu có nhu cầu chỉnh lý, người dân có thể thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai như chuyển nhượng, đăng ký đất đai...

Công văn 991/BNNMT-QLĐĐ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp nêu rõ: Về giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ, người dân không bắt buộc làm lại đồng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp. Nếu có nhu cầu chỉnh lý, người dân có thể thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai như chuyển nhượng, đăng ký đất đai...

Việc thay đổi thông tin của thửa đất (số tờ, số thửa, địa chỉ) trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT  về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không còn dòng trống để xác nhận thay đổi, người dân cần làm thủ tục cấp mới để bổ sung thông tin theo hướng dẫn của Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai.

Thủ tục chỉnh lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp khi sáp nhập tỉnh thành được quy định tại Điều 37 Nghị định 101/2024/NĐ-CP như sau:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ khoản 2 Điều 45 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, hồ sơ cần chuẩn bị khi thực hiện đính chính thông tin địa chỉ trên sổ đỏ gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Nghị định này;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

- Giấy tờ liên quan đến việc đính chính Giấy chứng nhận do sáp nhập.

- Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thủ tục thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật về dân sự thì phải có văn bản về việc ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.

Bước 2. Nộp hồ sơ

Người yêu cầu đăng ký nộp 1 bộ hồ sơ đến cơ quan tiếp nhận hồ sơ sau:

- Bộ phận Một cửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Văn phòng đăng ký đất đai.

- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 3. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ

Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

- Kiểm tra các điều kiện thực hiện quyền theo quy định của Luật Đất đai 2014 đối với trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất, của chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của Luật Đất đai 2024 thì Văn phòng đăng ký đất đai thông báo lý do và trả hồ sơ cho người yêu cầu đăng ký;

- Khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động đất đai mà thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận theo bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất thì Văn phòng đăng ký đất đai không phải thực hiện việc đo đạc, xác định lại diện tích thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.

Trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai mà Giấy chứng nhận đã cấp chưa sử dụng bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất, người sử dụng đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc chỉ có bản đồ địa chính dạng giấy đã rách nát, hư hỏng không thể khôi phục và không thể sử dụng để số hóa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 101/2024/NĐ-CP để thể hiện sơ đồ của thửa đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Người sử dụng đất được công nhận theo kết quả trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo bản đồ địa chính và phải trả chi phí đo đạc theo quy định; trường hợp đo đạc lại mà diện tích thửa đất lớn hơn diện tích trên Giấy chứng nhận đã cấp, ranh giới thửa đất không thay đổi so với ranh giới thửa đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất ở tăng thêm nằm ngoài hạn mức đất ở, tiền thuê đất đối với phần diện tích tăng thêm theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây;

- Gửi Phiếu chuyển thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo Mẫu số 12/ĐK ban hành kèm theo Nghị định 101/2024/NĐ-CP đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;

- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi trên Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc gửi cơ quan tiếp nhận hồ sơ để trao cho người được cấp.

Đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc quy định tại điểm này sau khi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Bước 4. Trả kết quả

Theo khoản 8, khoản 10 Điều 22 Nghị định 101/2024/NĐ-CP, thời gian thực hiện đính chính Giấy chứng nhận đã cấp là không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Thời gian trên không tính thời gian cơ quan thẩm quyền xác định nghĩa vụ tài chính, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian xem xét xử lý trường hợp đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định, niêm yết công khai, đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng, thời gian để thực hiện thủ tục chia thừa kế...

Đối với các xã ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thì tăng thêm 10 ngày làm việc.

THU HƯƠNG

Các tin khác