(LSVN) - Bố tôi vẫn nhận lương hưu ở Thái Bình. Giờ bố tôi chuyển lên Hà Nội sống với con cháu, liệu có chuyển nơi lĩnh lương hưu về Hà Nội được không và thủ tục như thế nào? Do già yếu, bố tôi có thể uỷ quyền cho tôi nhận thay được không? Bạn đọc P.T. hỏi.
Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội, trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng muốn chuyển hưởng sang địa bàn khác, thì thực hiện thủ tục thay đổi nơi nhận lương hưu.
Thủ tục thay đổi nơi nhận lương hưu cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 115 Luật BHXH số 58/2014/QH13; Căn cứ Quyết định số 116/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 của BHXH Việt Nam, người đang hưởng lương hưu kê khai “Đơn đề nghị” (mẫu số 14-HSB) và gửi tới cơ quan BHXH nơi đang chi trả lương hưu theo 1 trong 3 cách sau:
Cách 1. Nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH:
- Nộp trực tiếp cho Bộ phận một cửa của cơ quan BHXH.
- Nộp qua dịch vụ bưu chính công ích.
Cách 2. Thực hiện thao tác trên ứng dụng VssID - BHXH số
Để thực hiện được cách này, cần phải có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và đã cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID trên thiết bị thông minh cá nhân (điện thoại di động).
Bước 1: Đăng nhập tài khoản VssID.
Bước 2: Chọn: “Dịch vụ công”.
Bước 3: Chọn dịch vụ: “Chuyển địa bàn hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH”.
Bước 4: Điền thông tin về địa chỉ cư trú mới và ấn Gửi.
Cách 3. Thực hiện thao tác tại Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam
Để thực hiện được cách này, cũng cần phải có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH và đã cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID như cách 2.
Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản VssID – Bảo hiểm xã hội số của cá nhân người lao động theo đường link: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.
Bước 2: Chọn Kê khai hồ sơ.
Bước 3: Chọn thủ tục “Giải quyết chuyển hưởng sang địa bàn khác đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng”.
Bước 4: Điền thông tin về nơi cư trú mới.
Bước 5: Nhập mã kiểm tra và chọn: “Xác nhận”.
Thủ tục ủy quyền nhận lương hưu
Theo quy định tại Điều 18 Luật BHXH năm 2014, một trong những quyền của người lao động là được ủy quyền cho người khác nhận lương hưu. Do đó, bố của bạn có thể ủy quyền cho bạn nhận lương hưu thay.
Căn cứ Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN, bạn cần thực hiện các bước thủ tục để ủy quyền lĩnh lương hưu như sau: Giấy ủy quyền (mẫu 13-HSB ban hành kèm theo Quyết định 166/QĐ-BHXH) hoặc Hợp đồng ủy quyền nhận thay lương hưu theo quy định pháp luật điền đầy đủ thông tin theo mẫu; Nội dung ủy quyền ghi rõ: Nhận thay lương hưu; Thời hạn ủy quyền do các bên tự thỏa thuận và ghi rõ từ ngày/tháng/năm đến ngày/tháng/năm (trường hợp để trống thì thời hạn ủy quyền là 1 năm kể từ ngày xác lập ủy quyền).
Bạn đọc cần lưu ý, giấy ủy quyền phải được UBND cấp xã, hoặc Phòng Công chứng chứng thực chữ ký của người ủy quyền. Hồ sơ kèm theo Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, hoặc hộ chiếu của người được ủy quyền nhận lương hưu.
Hồ sơ gửi về Cơ quan BHXH cấp huyện/tỉnh, hoặc Bưu điện - nơi được cơ quan BHXH ký hợp đồng để thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH và quản lý người hưởng.
Bạn căn cứ quy định trên để tiến hành các bước thay đổi nơi nhận lương hưu hưu thay bố của bạn.
PV
Thêm nhiều địa phương chốt lịch tựu trường năm học 2023 - 2024