Trả lời về vấn đề trên, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, tại Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: “a) Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; c) Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; d) Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm”.
Theo điểm a, Tiểu mục 7.1, Mục 7, Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định: “Là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ".
Ngoài ra, Luật sư Hùng cũng cho biết, để được hoãn chấp hành hình phạt tù thì người bị xử phạt tù còn phải đáp ứng điều kiện: “… có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiệm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn...”.
"Vì vậy, bạn chỉ được miễn chấp hành hình phạt tù khi thuộc trường hợp 'bị bệnh nặng' và phải đáp ứng các điều kiện nêu trên, cũng như phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc bạn bị bệnh nặng và nếu bắt bạn đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bạn", Phó Giám đốc Công ty luật TNHH TGS cho hay.
Về thủ tục xin hoãn chấp hành hình phạt tù, Luật sư Hùng cho biết sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 và Mục 1 Phần III Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Theo đó: “Đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của VKS cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù. Đơn đề nghị hoặc văn bản đề nghị phải được gửi cho Tòa án đã ra quyết định thi hành án kèm theo các giấy tờ có liên quan".
"Do đó, bạn cần có đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù gửi đến Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án đối với bạn, kèm theo: Bản sao bản án hoặc bản sao trích lục bản án hình sự; Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật của bạn", Luật sư Nguyễn Đức Hùng nhận định.
Bên cạnh đó, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận.
Đồng thời, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù, Tòa án phải gửi quyết định đó cho bạn và các cơ quan có liên quan theo quy định của pháp luật.
MINH QUÝ