Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.
Ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai. Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai ông Hồ Văn Niên đã báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, Quý I/2022; phương hướng nhiệm vụ năm 2022 và thời gian tới.
Theo Bí thư Niên, năm 2021, GRDP của tỉnh đạt hơn 88.000 tỉ đồng, tăng 9,71%, đứng thứ ba cả nước. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm mạnh, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,96%.
Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021 của tỉnh đứng thứ 26 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, tăng 12 bậc so với năm 2020. Trong năm 2021, đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 54 dự án, tổng vốn đăng ký là 21.645 tỉ đồng.
Tỉnh đã tập trung cho công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát, thực hiện các dự án trên địa bàn.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; y tế, giáo dục và đào tạo đều có những bước tiến vững chắc, đã thực sự làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Trong năm 2021, Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.
Tỉnh Gia Lai đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 về đầu tư đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; giúp tỉnh Gia Lai thu hút vốn ODA; xem xét việc nâng hạng di tích quốc gia “Khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá” thành di tích quốc gia đặc biệt và công nhận Rìu tay là bảo vật quốc gia.
Cùng với đó, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đề xuất với Trung ương, Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giao các ban, bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh Gia Lai tìm đối tác để sớm triển khai tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Quy Nhơn (Bình Định) trước năm 2030.
Nếu đề xuất này được TW chấp nhận, thì đây sẽ là cao tốc có vai trò đặc biệt quan trọng, phát huy lợi thế vị trí địa lý kinh tế các tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum. Tuyến đường cũng tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung, kết nối Biển Đông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, vươn xa hơn kết nối các nước Thái Lan, Myanmar.
Theo dự kiến, tuyến đường này có điểm đầu giao Quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định), điểm cuối giao với tuyến cao tốc Bắc - Nam (phía Tây khu vực TP. Pleiku). Dự án với quy mô 4 làn xe, kinh phí dự kiến từ ngân sách, vốn vay ODA và thu hút nhiều nguồn khác.
Một vấn đề khác đáng quan tâm, mà tỉnh Gia Lai rất cần TW và Chính phủ tháo gỡ đó là dự án chuyển đổi hàng chục nghìn hecta rừng nghèo sang trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh, hiện đã có hiện tượng chết và kém phát triển; vướng mắc vùng tưới tại công trình thủy lợi Ia Mơr khoảng 3.000 tỉ đồng.
Theo Thủ tướng, Gia Lai có tiềm năng rồi, giờ chỉ cần thêm động lực để hiện thực hóa vấn đề này. Muốn vậy, cần phải thu hút nguồn lực bên ngoài để tạo đà phát triển trong tương lai.
Về việc chuyển đổi gần 13 nghìn ha rừng cao su kém phát triển, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá lại hiệu quả trên đất đối với diện tích này, kết hợp với bảo vệ rừng và chống biến đổi khí hậu. Trên cơ sở những đánh giá, phân tích và đề xuất, Chính phủ sẽ xem xét giải quyết, xử lý.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã kiên trì phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, tự hào, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Cùng với đó, Gia Lai cần tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ.
Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị làm tốt công tác quy hoạch theo hướng phát triển bền vững. Tiếp tục khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tập trung đầu tư phát triển du lịch, năng lượng tái tạo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5.
Phát huy tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
LAM SƠN – HƯƠNG TRẦN