Thời gian qua, người trong dòng họ Trần Đức, xã Phong Bình, huyện Phong Điền tỏ thái độ bức xúc vì đất, nhà thờ của Phái 8 (thuộc họ Trần Đức) tồn tại đã gần 200 năm bị biến thành đất ở của một người khác.
Ông Trần Đức Phú (trú tại Tổ 1, phường Thủy Xuân, TP. Huế), đại diện cho con cháu Phái 8 bức xúc cho biết, nhà thờ Phái 8 tại thôn Đông Trung Tây Hồ, xã Phong Bình là nơi thờ tự từ đời thứ 10 đến đời thứ 18. Nhà thờ đã tồn tại trên manh đất này gần 200 năm.
Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng con, cháu nội, ngoại của Phái 8 vẫn chung tay tu sửa nhà thờ, không bỏ hoang hoá năm nào. Đến năm 1980, con cháu đã cùng nhau xây lại nhà thờ bằng bê tông, cốt thép. Năm 2021, cộng đồng Phái 8 tiếp tục đại trùng tu lại toàn bộ ba căn nhà trên (kinh phí gần 1 tỉ đồng). Toàn bộ đất và nhà thờ, công trình trên đất là tài sản chung của Phái 8.
Ông Trần Đức Phú cho biết thêm, trong Phái 8 có bà Trần Thị Thí, ông Trần Đức Rọm và bà Trần Thị Chanh. Cả 3 người không lập gia đình, nên được cộng đồng Phái 8 thống nhất cho ở tại nhà thờ để trông coi, hương khói cho tổ tiên. Đến năm 2012, ông Rọm, bà Thí lần lượt qua đời, bà Chanh vẫn tiếp tục được Phái 8 cho ở căn dưới của nhà thờ. Đến đầu năm 2023, khi đại diện Phái 8 đứng ra lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho dòng tộc đã phát hiện, mảnh đất này đã được UBND huyện Phong Điền cấp thành đất ở cho bà Bà Trần Thị Chanh từ năm 2003 và được Sở Tài nguyên và Môi Trường tỉnh Thừa Thiên Huế cấp lại năm 2017.
“Để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, gần 2 năm nay, cộng đồng Phái 8 liên tục gửi đơn lên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND huyện Phong Điền, các cơ quan nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Phúc bức xúc cho biết.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Công Đạt, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi Trường huyện Phong Điền thừa nhận hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu cho bà Chanh có nhiều thiếu sót. Theo đó, tại Công văn số 1295/UBND-TNMT ngày 20/3/2024 do Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Hồ Đôn ký ban hành thể hiện việc lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ lần đầu cho bà Trần Thị Chanh tại thửa đất số 07, tờ bản đồ số 12 (nay là thửa đất số 145, tờ bản đồ số 55) tại thôn Đông Trung Tây Hồ, xã Phong Bình “có vấn đề”.
Cụ thể, nguồn gốc đất trong đơn xin cấp GCNQSDĐ của bà Trần Thị Chanh bỏ trống; ngày tháng ký xác nhận của UBND xã Phong Bình bỏ trống; nội dung kê khai mục nguồn gốc chiếm dụng ruộng đất là thừa kế ông bà, nhưng không có hồ sơ thừa kế...
Tại Văn bản báo cáo số 87/BC-UBND ngày 02/5/2024 của UBND xã Phong Bình cũng thể hiện nội dung: Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2003, ngôi nhà 3 gian được sử dụng vào mục đích thờ cúng ông bà, tổ tiên và để ở. Đến năm 2013, bà Chanh chuyển sang nhà dưới để ở, căn nhà 3 gian chính thức sử dụng vào mục đích thờ cúng ông bà, tổ tiên.
Mới đây, ngày 09/7/2024, Phòng Tài nguyên Môi Trường huyện Phong Điền tiếp tục mời các bên liên quan đến làm việc. Tại biên bản làm việc, đại diện Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phong Điền đã đưa ra quan điểm, trường hợp khi cấp GCNQSDĐ nhưng trên thửa đất đó có hình thành tài sản của Phái 8 thì xem xét thu hồi theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 23/4/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Phong Điền rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý dứt điểm vụ việc theo đúng quy định pháp luật.
Theo Luật sư Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH MNLAW thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng: Liên quan đến những nội dung trên thấy việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho bà Trần Thị Chanh không đúng quy định pháp luật, cụ thể sai đối tượng được hưởng. Do vậy, để xử lý hậu quả việc cấp sai đối tượng thì theo quy định tại Điều 152 Luật Đất đai 2024, cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất phải có nghĩa vụ thu hồi Giấy chứng nhận này.
Theo điểm d, khoản 2, Điều 152 Luật Đất đai năm 2024 quy định về Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đã cấp như sau: “Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận”.
Cũng tại điểm c, khoản 3, Điều 152 Luật Đất đai 2024 quy định việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này được thực hiện như sau: “Trường hợp cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 136 của Luật này phát hiện giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do và quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định”.
Ngoài ra, trong Thông tư số 80/TANDTC hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về thừa kế của Tòa án nhân dân Tối cao, tại khoản 2 Nhà thờ họ, thuộc mục II Di sản thừa kế đã quy định: “Nhà thờ có từ lâu đời hoặc nhà thờ do các thành viên trong họ đóng góp công sức và tiền của xây dựng nên là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của những người trong họ, nên không thể trở thành di sản của người trưởng họ hoặc bất cứ cá nhân nào...”.