/ Hoạt động Luật sư
/ Tọa đàm thực hành nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0

Tọa đàm thực hành nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0

31/10/2021 05:11 |

(LSVN) – Ngày 31/10, Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp tổ chức Tọa đàm Thực hành nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 bằng hình thức trực tuyến. Tại Tọa đàm, các ý kiến của các chuyên gia, Luật sư nêu lên những thách thức, cơ hội của Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm thành công cho Luật sư trẻ.

Tọa đàm Thực hành nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Tham dự Tọa đàm có bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế; Luật sư Trương Nhật Quang, Luật sư điều hành Công ty luật YKVN; bà Nguyễn Kim Loan, Giám đốc khối Pháp chế và Tuân thủ, Công ty bảo hiểm Manulife Việt Nam; Luật sư Yuho Kim, CEO LAW2B (Hàn Quốc); bà Mai Phan Zymaris, cộng sự cấp cao của Morrison & Foerster (Hoa Kỳ).

Phát biểu mở đầu Tòa đàm, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế cho biết, hiện nay, việc hành nghề luật chịu tác động rất lớn bởi bối cảnh quốc tế và đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Những tác động, thách thức phải kể đến chính là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, yêu cầu ngày càng cao và đa dạng về kiến thức, kỹ năng, ý thức trách nhiệm của người thực hành nghề luật. Để giúp học viên của Chương trình đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế có thông tin định hướng về nghề nghiệp tương lai trong bối cảnh nghề đầy biến động và đặc biệt là được trao đổi, học hỏi từ các Luật sư Việt Nam, Luật sư nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, thực hành nghề luật ở những môi trường chuyên nghiệp, Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế, Học viện Tư pháp tổ chức Tọa đàm Thực hành nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cung cấp, chia sẻ những thông tin hữu ích về cơ hội, thách thức đối với nghề Luật sư trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Các kiến thức và kỹ năng cần phải trang bị để thực hành nghề Luật sư chuyên nghiệp và hiệu quả; Vai trò của Học viện Tư pháp và tổ chức tuyển dụng trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành nghề Luật sư; Chia sẻ kinh nghiệm thành công và đặc thù môi trường thực hành nghề của các Luật sư.

Khách mời tại Tòa đàm cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thành công và đặc thù môi trường thực hành nghề của Luật sư, giải đáp những câu hỏi, vướng mắc của học viên. 

Theo Luật sư Trương Nhật Quang, Luật sư điều hành Công ty luật YKVN, thị trường pháp lý ở Việt Nam tương đối trẻ. Trước đây, phần lớn các Luật sư Việt Nam đều hành nghề tại các văn phòng nhỏ, tập trung chủ yếu là tố tụng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa, các giao dịch thương mại ngày càng nhiều, với sự gia nhập thị trường của các công ty luật hàng đầu trên thế giới, thị trường pháp lý tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi.

Luật sư Quang cũng đưa ra nhận định số lượng Luật sư so với tổng dân số còn tương đối thấp, tập trung chủ yếu tại TP. HCM và Hà Nội. Về các tổ chức hành nghề Luật sư hiện nay, theo đánh giá, có khoảng hơn 100 công ty luật hàng đầu trên thị trường trong đó có cả công ty luật nước ngoài. Bên cạnh đó, có khoảng trên 4000 văn phòng Luật sư nhỏ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tố tụng, dân sự. Các lĩnh vực hoạt động chủ yếu trên thị trường hiện nay phải kể đến các hoạt động thương mại, đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp; giao dịch tài chính, ngân hàng; giao dịch về sở hữu trí tuệ; các hoạt động tố tụng. 

Các học viên tham gia Tọa đàm được nghe các khách mời chia sẻ về các kiến thức và kỹ năng cần phải trang bị để thực hành nghề Luật sư hiệu quả tại các môi trường hành nghề luật chuyên nghiệp tại Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Việt Nam...; Các chức danh công việc của Luật sư trong các hãng luật và các kiến thức, kỹ năng cần trang bị với từng vị trí; Cách thức tuyển dụng, đánh giá kết quả công việc của các văn phòng Luật sư; Các lỗi thường gặp của trợ lý Luật sư, Luật sư tập sự; Các đặc thù về kiến thức và kỹ năng đối với Luật sư nội bộ; Cách thức tuyển dụng của các doanh nghiệp sử dụng Luật sư nội bộ.

Về vai trò của Học viện Tư pháp và tổ chức tuyển dụng trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng thực hành nghề Luật sư, bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Giám đốc Trung tâm Liên kết đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế cho biết, Học viện Tư pháp ngày càng khẳng định là đơn vị đào tạo chuyên nghiệp nhất về kỹ năng hành nghề Luật sư tại Việt Nam hiện nay. Học viện Tư pháp là nơi giới thiệu kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất cho các học viên về kiến thức chuyên môn cũng như các kỹ năng thực hành nghề Luật sư. Học viện chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch giảng dạy kiến thức, đào tạo kỹ năng thực hành nghề Luật sư, tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình các môn học trong chương trình đào tạo nghề Luật sư.

Bên cạnh đó, Học viện Tư pháp luôn quản lý chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo nghề Luật sư; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; tổ chức các phong trào phát huy sáng kiến trong công tác giảng dạy của giảng viên. Đối với học viên tham gia khóa đào tạo nghề Luật sư, ngoài học từ thầy cô, đồng nghiệp, khách hàng… các học viên cũng cần phải tự học, tự củng cố, tự tổng hợp để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như tích lũy kinh nghiệm nghề luật cho chính mình.

Ngoài ra, các khách mời tại Tòa đàm cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thành công và đặc thù môi trường thực hành nghề của Luật sư, giải đáp những câu hỏi, vướng mắc của học viên Chương trình đào tạo Luật sư Thương mại quốc tế về định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Ý NHƯ

Khai giảng trực tuyến Lớp đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế khóa V tại thành phố Hồ Chí Minh

Lê Minh Hoàng