/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thực hành quản trị nhà nước tốt để phòng, chống tham nhũng

Thực hành quản trị nhà nước tốt để phòng, chống tham nhũng

11/07/2023 06:17 |

(LSVN) - Thực hành quản trị nhà nước tốt là một trong những xu thế phổ biến và tất yếu trong xã hội đương đại, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình vận hành bộ máy nhà nước và đội ngũ thực thi công vụ. Đặc biệt, các nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt còn có liên hệ mật thiết với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hiện nay. Bài viết làm rõ bản chất của tham nhũng, vai trò của thực hành quản trị nhà nước tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng. Từ đó đề xuất, kiến nghị một số nội dung có liên quan.

Ảnh minh họa.

Quản trị nhà nước tốt trong bối cảnh toàn cầu hóa

Kể từ khi hình thành kiểu nhà nước đầu tiên trong lịch sử đến nay, các chức năng của nhà nước luôn có sự chuyển đổi, phát triển để phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội. Đó là một quá trình tiến hóa liên tục bao gồm sự thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, phát triển thể hiện ở số lượng, nội dung, hình thức, phương pháp thực hiện, trong phạm vi mỗi nước và trong mối liên hệ giữa các cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế (1). Trải qua các thời kỳ lịch sử, sự tiến hóa các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước được xem là mang tính tất yếu khách quan bởi sự tác động của hàng loạt yếu tố như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, bối cảnh quốc tế... Đồng thời, cùng với sự thay đổi, phát triển về chức năng của nhà nước, phương thức quản lý của nhà nước đối với đời sống cũng biến đổi không ngừng.

Trong thời kỳ cổ đại và trung đại, các nhà nước chủ yếu sử dụng phương thức cưỡng chế, áp đặt nhằm đàn áp sự phản kháng, bảo đảm đặc quyền, đặc lợi cho giai cấp thống trị. Chuyển sang thời kỳ cận hiện đại và hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa trở thành một xu thế chung, chức năng của các nhà nước đương đại đã có sự thay đổi, phát triển sâu sắc và tác động mạnh mẽ đến phương thức quản lý xã hội. Đó là xu thế chuyển dịch từ cai trị (government) sang quản trị (governance) ở các quốc gia từ những năm 1990 của thế kỷ XX.

Cho đến nay, vẫn có nhiều cách lý giải về thuật ngữ “quản trị” đến từ nhiều tổ chức viện trợ phát triển. Chẳng hạn, trong một tài liệu của Ngân hàng Thế giới được xuất bản vào năm 1992, quản trị được hiểu là cách thức mà quyền lực được thực hiện trong việc quản lý các nguồn lực kinh tế và xã hội của một quốc gia để phát triển (2). Đến năm 2007, Ngân hàng Thế giới tiếp tục bổ sung thêm cách hiểu về quản trị như là “...cách thức mà các quan chức và thể chế công nhận, thực hiện quyền hoạch định chính sách công và cung cấp hàng hóa, dịch vụ công” (3). Quan điểm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, quản trị là môi trường thể chế mà ở đó các công dân tương tác với nhau và với các cơ quan hay quan chức chính phủ. Tổ chức này còn nhận định: Khả năng của môi trường thể chế này rất quan trọng đối với sự phát triển vì nó giúp xác định tác động đạt được của các chính sách kinh tế mà chính phủ áp dụng (4). Có thể nói, quản trị là một tiến trình ra quyết định và tổ chức thực thi các quyết định để giải quyết những vấn đề chung có liên quan đến lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa trong phạm vi một quốc gia nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển. Với cách hiểu như trên, quản trị gắn liền với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở cấp độ quốc gia và ở cả cấp độ địa phương.

Cùng với sự phổ biến của thuật ngữ “quản trị” trong các nhà nước đương đại, khái niệm “quản trị tốt” (good governance) hay “quản trị nhà nước tốt” được nhắc đến ngày càng nhiều hơn trong các chương trình nghị sự. Không phải ngẫu nhiên mà quản trị tốt được đề cập cùng với các yếu tố khác của một nền dân chủ như pháp quyền, kiểm soát quyền lực nhà nước, cơ chế bảo hiến, thúc đẩy quyền con người... trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, quản trị tốt tự thân nó đã chứa đựng những nguyên tắc mang tính cơ bản và cần thiết trong mối liên hệ với các yếu tố khác trong một nền dân chủ kể trên. Đó là (i) sự tham gia; (ii) định hướng đồng thuận; (iii) trách nhiệm giải trình; (iv) công khai, minh bạch; (v) sự kịp thời; (vi) tính hiệu lực và hiệu quả; (vii) tính bình đẳng và không thể loại trừ và (viii) pháp quyền(5). Theo tác giả Vũ Công Giao, “quản trị tốt là một tập hợp những nguyên tắc và tiêu chí về quản lý xã hội nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy, bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững của một quốc gia. Quản trị tốt không phải là một phương thức hay mô hình tổ chức, hoạt động của một nhà nước hay một hệ thống chính trị, mà là các nguyên tắc định hướng cho việc thiết kế và vận hành bộ máy nhà nước hoặc hệ thống chính trị đó”(6).

Như vậy, quản trị tốt là một tập hợp các nguyên tắc nhằm đánh giá chất lượng của tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước hoặc hệ thống chính trị trên các lĩnh vực rất rộng lớn như kinh tế, xã hội hay chính trị. Chính vì vậy, việc bảo đảm vận hành toàn bộ tổ chức và hoạt động của nhà nước theo các nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt thực sự không dễ dàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà tình trạng tham nhũng, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước như hiện nay ở nhiều quốc gia, việc thực hành các nguyên tắc của quản trị tốt là một trong những biện pháp để phát triển bền vững, hạn chế tham nhũng và vi phạm nhân quyền.

Sự cần thiết của quản trị nhà nước tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng

Trong một tài liệu do Ngân hàng Thế giới xuất bản cách đây hơn 20 năm có tựa đề “Helping Countries Combat Corruption - The Role of the World Bank”, tổ chức này đã định nghĩa tham nhũng là hành vi lạm dụng quyền lực công để thu về lợi ích cá nhân (7). Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cũng có một định nghĩa tương tự, theo đó, tham nhũng là việc lạm dụng quyền lực được giao phó vì lợi ích cá nhân. Ở Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 giải thích: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (8). Có thể thấy rằng, tham nhũng có thể xuất hiện ở cả khu vực công và khu vực tư về thực tiễn cũng như sự ghi nhận trong pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, dù xảy ra ở khu vực nào, tham nhũng cũng chính là hệ quả của việc yếu kém trong quản lý nhà nước, khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng chưa đầy đủ hoặc thiếu hiệu quả trong quá trình thực thi cũng như sự suy thoái, biến chất của một bộ phận đội ngũ thực thi công vụ. Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), tham nhũng về cơ bản là một vấn đề liên quan đến quản trị mà ở đó chúng ta thấy được sự thất bại của các thể chế và sự thiếu năng lực để quản lý xã hội...(9) Chính vì vậy, để có thể góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, một nền quản trị tốt là thực sự cần thiết trong bối cảnh hiện nay, trong đó có Việt Nam, bắt nguồn từ hai lý do căn bản sau đây:

Thứ nhất, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong tình hình mới. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được, tổ chức bộ máy vẫn còn “cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối”; “hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”; “cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế” (10). Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng vẫn trong quá trình hoàn thiện, còn thiếu đồng bộ, nhiều sơ hở để cho nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi, đặc biệt trong những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp như đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, chứng khoán...

Thứ hai, xu hướng chuyển đổi mô hình quản trị nhà nước tốt phù hợp với định hướng xây dựng nhà nước, pháp luật và thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Với tư cách là một tập hợp các nguyên tắc nhằm hướng đến việc quản lý xã hội có sự tham gia của các chủ thể để tạo ra các quyết sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, quản trị nhà nước tốt đã được đề cập và sử dụng ở nước ta từ sau thực hiện công cuộc đổi mới tuy vẫn chưa thực sự rõ nét. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã nhấn mạnh đến nội dung này trên nhiều phương diện đa dạng của đời sống xã hội như: “quản trị quốc gia”, “quản trị chính quyền đô thị”, “quản trị đại học”(11), “quản trị doanh nghiệp”, “quản trị nhà nước”, “quản trị toàn cầu”(12), “quản trị công nghệ”(13)... Đặc biệt, trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định một trong những đột phá chiến lược là: “...Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”.

Có thể nói, việc ghi nhận về vấn đề quản trị quốc gia nói chung, trong đó có quản trị nhà nước, được xem là một bước phát triển mạnh mẽ trong tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, việc thực hành các nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt như tăng cường sự tham gia của các chủ thể vào hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình... đã được Việt Nam thực hiện xuyên suốt trong tiến trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng như công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng từ các kỳ Đại hội trước. Do đó, quản trị nhà nước tốt không phải là một vấn đề hoàn toàn mới ở nước ta; đồng thời, sự nhấn mạnh yếu tố quản trị trong các văn kiện Đại hội lần này thực chất là quá trình phản ánh từ thực tiễn khách quan cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy công quyền cũng như xu thế mở rộng dân chủ, hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa trong thế kỷ XXI.

Một số đề xuất, kiến nghị

Trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và thành tựu tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn còn khá nghiêm trọng, “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” (14). Do đó, trong thời gian tới, việc sử dụng tổng hợp nhiều giải pháp tích cực nhằm kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là vô cùng cần thiết. Trong đó, việc thực hành các nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt thiết nghĩ là một trong những giải pháp quan trọng. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đổi với hệ thống chính trị, đặc biệt trong công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ khi thành lập nhà nước đến nay, Việt Nam luôn cố gắng xây dựng và hoàn thiện các cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, trong đó Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là cơ chế chủ đạo. Thực tiễn cho thấy, cơ chế này đã thực sự phát huy hiệu quả, phản ánh đúng thực chất và giải quyết được các mối quan hệ cốt lõi tồn tại trong đời sống chính trị - xã hội ở nước ta. Để thực hiện được vai trò lãnh đạo của mình, thông qua Nhà nước, bằng Nhà nước, Đảng ta hiện thực hóa quyền, lợi ích và ý chí của các lực lượng xã hội mà mình đại diện. Trong đó, việc đấu tranh, ngăn chặn và góp phần đẩy lùi tham nhũng, lãng phí và những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội cũng chính là quá trình hiện thực hóa những mong muốn, lợi ích của các giai cấp, tầng lớp và cả dân tộc Việt Nam.

Dựa trên nguyên tắc sự tham gia của các chủ thể của quản trị nhà nước tốt, suy rộng ra đó là vai trò giám sát, phản biện của các lực lượng xã hội đối với cả hệ thống chính trị, khoản 2 Điều 4 Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Điều này một lần nữa khẳng định mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất được thừa nhận lãnh đạo Nhà nước và xã hội nhưng Đảng không độc quyền và không độc đoán, các tổ chức của Đảng và mọi đảng viên đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật - một trong những biểu hiện của pháp quyền. Đồng thời, Đảng và mỗi đảng viên còn chịu sự giám sát của quần chúng nhân dân trong việc đề ra các chủ trương, quyết sách lãnh đạo và hoạt động của mình.

Thứ hai, tăng cường công khai, minh bạch thông tin trong đời sống xã hội cũng như công tác quản lý, điều hành. Chính quyền kiến tạo phát triển ngày nay phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân như một nghĩa vụ chứ không phải là việc “ban phát”, “xin - cho” như trước đây. Đồng thời với trách nhiệm trên, người dân có quyền và có những cơ chế phù hợp để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của mình thông qua hệ thống văn bản pháp lý khá đầy đủ và toàn diện như: Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016... Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm góp phần khơi thông dòng chảy thông tin trong quản lý, điều hành.

Thứ ba, tiếp tục đề cao trách nhiệm giải trình trong quản trị quốc gia. Có thể nói, trách nhiệm giải trình là một trong những yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bởi lẽ, trách nhiệm giải trình bao hàm hai thành tố chủ yếu: (i) khả năng giải đáp và (ii) tính chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra (15) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Điều này được thể hiện ngày càng rõ nét dựa trên chất lượng của các cuộc tiếp xúc cử tri và những phiên chất vấn gần đây ở nghị trường của Quốc hội. Qua chất vấn và trả lời chất vấn, những vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong xã hội được đặt ra. Quả thực, phiên chất vấn không chỉ góp phần làm cho nhiều quy định, chính sách của Nhà nước trở nên minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân giám sát mà còn hạn chế được vấn nạn “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm” như nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đã cảnh báo.

Thứ tư, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ thực thi công vụ và loại bỏ những đối tượng “thoái hóa”, “biến chất” ra khỏi nền công vụ. Thực tiễn cho thấy, việc xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước nói chung và trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng là một hành động phổ biến diễn ra ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Xét từ góc độ pháp quyền, một trong những nguyên tắc của quản trị nhà nước tốt, công tác xử lý các sai phạm của cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực là một hành động cần thiết nhằm thiết lập một bộ máy nhà nước trong sạch, bảo đảm nguyên tắc “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” (16), “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” (17). Như vậy, quản trị nhà nước tốt không chỉ là nhà nước phải có hệ thống pháp luật ngày càng đồng bộ, hoàn thiện, khách quan mà còn phải có cơ chế thực thi pháp luật phù hợp, công bằng để trừng phạt, răn đe những hành vi tiêu cực, suy thoái làm băng hoại những giá trị, thành quả cách mạng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã gây dựng nên trong suốt chiều dài lịch sử.

Thứ năm, kiên quyết, kiên trì phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh để đạt được sự liêm chính trong quản trị nhà nước đương đại. Các giá trị của liêm chính được thiết lập dựa trên hai cơ sở nền tảng chủ yếu là các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật (18).

Thực tế cho thấy, những hành vi tham nhũng không chỉ là hậu quả của sự suy thoái, xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà còn là sự bất tuân các ràng buộc pháp lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, cần phải khẳng định rằng, xử lý tham nhũng là công tác tất yếu xuất phát từ yêu cầu quản trị nhà nước, đề cao tính pháp quyền, liêm chính trong quá trình vận hành quyền lực nhà nước.

Kết luận

Trong một thế giới ngày càng phẳng, đòi hỏi các nhà nước trên thế giới cần có những phương cách giải quyết hữu hiệu các vấn đề nảy sinh trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, trong đó có vấn nạn tham nhũng. Điều này buộc các quốc gia phải nỗ lực không ngừng để đổi mới nền quản trị từ các phương thức truyền thống sang hiện đại, từ vị trí là “người chèo thuyền” sang vai trò của “người chỉ huy”. Để làm được điều đó, các nguyên tắc của một nền quản trị nhà nước tốt thực sự không thể thiếu và cần được tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn vận hành các thiết chế trong bộ máy nhà nước.

-------------

  1. Hoàng Thị Kim Quế, Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015, tr. 141.
  2. World Bank Group (1992), Governance and Development (English), Washington, C.http://documents.worldbank.org/curated/ en/604951468739447676/Governance-and-development, ngày 07/6/2022.
  3. World Bank (2007), Strengthening World Bank Group Engagement on Governance and Anticorruption, p.i, para. 3, https:// worldbank.org/curated/en/426381468340863478/pdf/390550replacement.pdf, ngày 07/6/2022.
  4. ADB (1999), Governance: Sound Development Management, Manila, Philippines, 3.
  5. United NationsEconomic and Social Commission for Asia and the Pacific, What is Good Governance?, https://www. org/sites/default/files/good-governance.pdf, ngày 07/6/2022; Ethnocultural Diversity Resource Center and King Baudouin Foundation (2007), Good Governancein MultiethnicCommunities - Conditions, instruments, best practices, ways to achieve and measuregood governance at the local level,p. 12-13, https://www.academia.edu/8215605/Good_Governance_in_Multiethnic_ Communities, ngày 07/6/2022.
  6. Vũ Công Giao, Một số vấn đề lý luận về quản trị tốt, trong Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (đồng chủ biên), Quản trị tốt - Lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, 44.
  7. World Bank (1997), Helping Countries Combat Corruption - The Role of the World Bank, 8, https://documents1.worldbank.org/ curated/en/799831538245192753/pdf/Helping-Countries-Combat-Corruption-The-Role-of-the-World-Bank.pdf, ngày 08/6/2022.
  8. Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm
  9. UNDP (2004), Anti-corruption - Practice Note (Final version), p. 2, https://popp.undp.org/UNDP_POPP_DOCUMENT_ LIBRARY/Public/FRM_Accountability%20and%20Internal%20Controls_Program%20for%20Accountability%20and%20 pdf, ngày 08/6/2022.
  10. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII: Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
  11. Những thuật ngữ này được sử dụng trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
  12. Những thuật ngữ này được sử dụng trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
  13. Thuật ngữ này được sử dụng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
  14. Xem thêm: Phần thứ nhất, Mục I, tiểu mục 9 trong Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
  15. Chiavo-Campo và P.S.A.Sundaram, Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 13.
  16. Khoản 1 Điều 16 Hiến pháp năm
  17. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
  18. Tạ Thu Thủy, Phòng, chống tham nhũng tiếp cận từ góc nhìn liêm chính trong quản trị nhà nước, trong Nguyễn Thị Quế Anh, Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh (đồng chủ biên), Các lý thuyết, mô hình, cách tiếp cận về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2018, 475.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái, Chu Hồng Thanh và Vũ Công Giao (đồng chủ biên), Giáo trình Lý luận và pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013.
  2. Ethnocultural Diversity Resource Center and King Baudouin Foundation (2007), Good Governance in Multiethnic Communities - Conditions, instruments, best practices, ways to achieve and measure good governance at the local level, p. 12-13, https://www.academia.edu/8215605/Good_Governance_in_Multiethnic_Communities, ngày 07/6/2022.
  3. Vũ Văn Huân, Phòng, chống tham nhũng chính sách từ góc nhìn quản trị tốt, trong Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (đồng chủ biên), Quản trị tốt - Lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2017.
  4. Jeremy Pope (2000), Confronting Corruption: The Elements of a National Integrity System, Transparency International Source Book, Malaysia.

NCS NGUYỄN QUANG THÀNH

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM

Một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị trong việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính

 

Nguyễn Mỹ Linh