Có thể thấy, sau khi Hiến pháp 2013 ra đời, hàng loạt đạo luật tư pháp lần lượt được ban hành theo hướng đảm bảo tối đa quyền con người, đặc biệt là tố tụng hình sự quy định đảm bảo quyền của người bào chữa, quyền của người bị buộc tội, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng khi xét xử,…
Với thực tiễn hoạt động nghề nghiệp trong thời gian qua, tác giả cho rằng vai trò của Luật sư đã có những đóng góp vào công cuộc cải cách tư pháp và được Đảng và Nhà nước ghi nhận.
Ngay lời nói đầu Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nêu: “Cùng với những bước phát triển của đất nước, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện sứ mệnh của mình trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế”.
Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam được Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III (nhiệm kỳ 2021 - 2026) thông qua tại phiên họp ngày 26/12/2021 có điểm mới so với Luật Luật sư hiện hành là do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 856/QĐ-TTg. Điều này thể hiện sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước về hoạt động của Luật sư,của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật.
Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư, Bộ Quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đều khẳng định sứ mệnh cao cả của Luật sư và nó càng có ý nghĩa hơn trong giai đoạn hiện nay khi Đảng và Nhà nước quyết tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải cách hành chính, cải cách tư pháp
Là một Luật sư hành nghề gần 25 năm, chứng kiến những đổi thay ngày càng tiến bộ của Hiến pháp và hệ thống pháp luật, tác giả hi vọng các cơ quan nhà nước nói chung, đặc biệt những người tiến hành tố tụng nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho các Luật sư thực hiện được đầy đủ quyền của mình. Có như vậy, Luật sư mới có thể thực hiện được sứ mệnh bảo vệ sự độc lập của nền tư pháp; bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.
Mong muốn này xuất phát từ thực tiễn năm năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật sư tham gia tố tụng gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được đầy đủ quyền hành nghề, ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Luật sư khi đảm nhận bào chữa từ giai đoạn điều tra, ảnh hưởng lớn đến quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự.
Cụ thể, trong giai đoạn điều tra vụ án, quyền gặp mặt, trao đổi, làm việc của người bào chữa với bị can bị tạm giam còn gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký người bào chữa theo yêu cầu của người bị buộc tội, Luật sư có văn bản đăng ký gặp người buộc tội bị tạm giam nhưng với nhiều lý do khác nhau đều không được giải quyết. Hoặc sau khi kết thúc điều tra, người bào chữa đề nghị được đọc, ghi chép và sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án có liên quan đến việc bào chữa, nếu hồ sơ vụ án đang thuộc quyền quản lý của cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra phải tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa thực hiện yêu cầu này. Trên thực tế, Luật sư hầu như không thực hiện được quyền này, với lý do kết luận điều tra đã được chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố,…
Bên cạnh đó, Luật Luật sư nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư. Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư.
Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư hoặc cản trở Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào về chế tài hành vi cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư. Đồng thời, với Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng mới có hiệu lực trong tháng 9 vừa qua, Luật sư càng phải cẩn trọng trong ứng xử và hoạt động nghề nghiệp của mình trong suốt quá trình tố tụng.
Nhân Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam, ngoài những vấn đề tích cực của nghề luật, sự phát triển của nghề nghiệp trong tương lai, thì cũng cần nhìn nhận những khó khăn, rào cản còn tồn tại để tìm những biện pháp khắc phục, vượt qua,…
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa