Hội nhập kinh tế quốc tế đã diễn ra hơn ba thập niên vừa qua sau khi Việt Nam bắt đầu quá trình đổi mới nền kinh tế. Đây là hoạt động hai chiều không chỉ diễn ra đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam mà còn là hoạt động các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại nước ngoài. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, các tổ chức hành nghề Luật sư cũng tham gia tư vấn và giải quyết tranh chấp cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Các tổ chức hành nghề Luật sư ở Việt Nam trở thành một bộ phận quan trọng và không thể thiếu trong việc tạo lập và thúc đẩy các quan hệ thương mại.
Đứng từ góc độ hành nghề Luật, nghĩa vụ quan trọng nhất của Luật sư là bảo vệ tốt nhất lợi ích của khách hàng. Quy tắc 03 trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư quy định: “Luật sư có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng, tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng theo quy định của pháp luật, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư”. Bảo đảm chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng, tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng là các tiêu chuẩn phổ quát áp dụng cho hoạt động của Luật sư trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Hội nhập kinh tế quốc tế tái khẳng định tầm quan trọng của nguyên tắc này, đồng thời đặt ra các yêu cầu cao hơn cho hoạt động hành nghề của Luật sư tại Việt Nam.
Yêu cầu của Luật sư trong thời kỳ hội nhập
Về cơ bản, nghề Luật sư là nghề cung cấp dịch vụ và hoạt động tư vấn pháp luật của Luật sư có một số yêu cầu đặc thù. Các yêu cầu đặc thù này phần nào được thể hiện qua câu chuyện cười khá quen thuộc với nhiều Luật sư dưới đây:
“Vị giáo sư Luật học yêu cầu một sinh viên xuất sắc trả lời câu hỏi tình huống: “Nếu anh (chị) phải trao cho ai đó một trái cam, anh (chị) sẽ nói thế nào?”.
Người sinh viên đáp:
- Em sẽ nói: “Mời ngài dùng trái cam này!”.
Giáo sư giận dữ:
- Không thể như vậy được! Hãy nghĩ như Luật sư xem nào.
Sinh viên hắng giọng:
- Vậy thì, em sẽ nói với người đó: “Tôi, sau đây, trao và chuyển quyền sở hữu toàn bộ và duy nhất của tôi với tất cả các tài sản, quyền lợi, quyền hạn, nghĩa vụ, lợi ích của mình trong trái cam này cho ngài, cùng với toàn bộ cuống, vỏ, nước, cùi và hạt của nó, với tất cả các quyền hợp pháp cắn, cắt, ướp lạnh hoặc ăn nó, quyền được trao nó cho người khác với tất cả cuống vỏ, nước, cùi và hạt của nó. Tất cả những gì được đề cập trước và sau đây hoặc bất kỳ hành vi, hoặc những hành vi, phương tiện thuộc bất kỳ bản chất hoặc loại nào không tương hợp với tuyên bố này, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đều không có giá trị pháp lý…”.
Câu chuyện này cũng như nhiều câu chuyện cười khác về nghề Luật sư chủ yếu chế giễu một cách hài hước những người làm nghề này. Luật sư được đào tạo và làm việc trên cơ sở luôn “chẻ sợi tóc ra làm tư” và luôn nghiên cứu, phân tích và trình bày vấn đề một cách phức tạp không cần thiết. Ở một góc độ khác, câu chuyện cũng thể hiện nhận thức của xã hội về các kỹ năng hành nghề cơ bản của luật sư. Khi được giáo sư yêu cầu “nghĩ như Luật sư”, bạn sinh viên luật trong câu chuyện đã nghiên cứu và phân tích vấn đề pháp lý liên quan đến câu hỏi của giáo sư và trình bày câu trả lời của mình. Nói cách khác, cùng là một vấn đề nhưng nếu “nghĩ như Luật sư” thì vấn đề phải được nghiên cứu, phân tích và trình bày một cách kỹ lưỡng, đầy đủ và có hệ thống.
Trên thực tế, khi khách hàng đến gặp Luật sư để yêu cầu giải quyết một vấn đề cụ thể thì luật sư cần có hai kỹ năng cơ bản là kỹ năng nghiên cứu, phân tích và kỹ năng trình bày. Trong đó, kỹ năng nghiên cứu, phân tích đòi hỏi luật sư cần phải (i) tìm hiểu yêu cầu và xác định vấn đề pháp lý; (ii) tìm quy định pháp lý và thông tin có liên quan và (iii) phân tích quy định pháp lý và thông tin có liên quan để đưa ra nhận định và giải pháp pháp lý cho khách hàng. Về cơ bản, Luật sư phải nghiên cứu và sau đó trình bày kết quả nghiên cứu và giải pháp về mặt pháp lý trong khung thời gian và với mục đích mà khách hàng mong muốn.
Trong bối cảnh hội nhập, các yêu cầu này được đặt ra cao hơn. Phần lớn các vụ việc đều có yếu tố nước ngoài (thông thường là có sự tham gia của tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài), có giá trị lớn, cơ cấu phức tạp và có thể liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau. Luật sư không chỉ nghiên cứu và phân tích pháp luật Việt Nam mà còn phải nghiên cứu các hệ thống pháp luật khác có liên quan đến vụ việc để giúp khách hàng có một câu trả lời đầy đủ. Ví dụ, khi một tổ chức hành nghề Luật sư tư vấn cho một khách hàng Singapore đầu tư vào Việt Nam thì tổ chức hành nghề luật sư phải nắm vững pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, tổ chức hành nghề Luật sư còn cần tìm hiểu pháp Luật Singapore nơi khách hàng được thành lập để xác định pháp luật nước đó đặt ra các yêu cầu gì khi khách hàng đầu tư vào Việt Nam. Nếu các hợp đồng và thỏa thuận liên quan đến khoản đầu tư được điều chỉnh bởi một hệ thống pháp luật khác (ví dụ Luật Singpore, Luật Anh hoặc Luật bang New York), tổ chức hành nghề Luật sư cũng cần tư vấn cho khách hàng về pháp luật điều chỉnh các hợp đồng và thỏa thuận. Tổ chức hành nghề Luật sư cần có Luật sư hiểu biết về các hệ thống pháp luật có liên quan hoặc làm việc cùng các tổ chức hành nghề khác tại các nước có liên quan để có thể tư vấn cho khách hàng. Tại thời điểm hiện nay, tổ chức hành nghề Luật sư cần có khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng trên cơ sở nhiều hệ thống pháp luật như vậy.
Trong phần lớn các trường hợp, khách hàng mong muốn một giải pháp tổng thể và thực tế để xử lý vấn đề phát sinh trong vụ việc. Khách hàng không muốn Luật sư chỉ đơn giản trình bày một công trình nghiên cứu chi tiết về mọi quy định pháp lý có thể liên quan mà không tìm ra giải pháp pháp lý để xử lý tình huống cụ thể của họ. Trong một vụ việc có yếu tố nước ngoài, Luật sư cũng cần trình bày để khách hàng chỉ quen thuộc với các hệ thống pháp luật khác có thể hiểu được ý kiến tư vấn về pháp luật Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc thông thạo ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) và có một góc nhìn so sánh giữa hệ thống pháp luật Việt Nam và các hệ thống pháp luật khác giúp khách hàng dễ hiểu ý kiến tư vấn và có thể trao đổi hiệu quả với Luật sư. Ngoài ra, Luật sư cũng cần hiểu tập tục và thông lệ của môi trường quốc tế mà khách hàng đang hoạt động. Nếu Luật sư chỉ chú trọng vào việc giải thích quy định của pháp luật Việt Nam và không hiểu cách suy nghĩ của khách hàng trong môi trường quốc tế thì việc tư vấn sẽ khó đạt được hiệu quả cao. Ví dụ, trong thời gian gần đây, các Công ty đa quốc gia rất chú ý đến các vấn đề về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh cũng như các vấn đề liên quan đến chống hối lộ, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Luật sư cần có sự hiểu biết về các vấn đề trên để có thể tư vấn cho khách hàng một cách phù hợp từ góc độ pháp luật Việt Nam.
Công tác đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế
Công tác đào tạo Luật sư có sự tham gia của nhiều bên. Hiện nay, ba chủ thể chính tham gia vào quá trình này là: (i) các cơ sở đào tạo Luật (như các trường Luật hoặc khoa Luật của các viện Đại học); (ii) Học viện Tư pháp và (iii) các tổ chức hành nghề luật sư. Các yêu cầu cơ bản áp dụng chung cho việc hành nghề luật tại Việt Nam cũng như các yêu cầu mới đặt ra trong thời kỳ hội nhập tạo ra các áp lực mới cho việc đào tạo luật sư ở Việt Nam, đặc biệt là đối với vai trò của Học viên Tư pháp và các tổ chức hành nghề Luật sư.
Trước khi trở thành Luật sư, cử nhân luật được đào tạo về kiến thức Luật và một số kỹ năng hành nghề tại các trường Luật. Các cơ sở đào tạo Luật chủ yếu trang bị kiến thức Luật và hành nghề cho cử nhân nhân Luật. Khi ra trường, cử nhân Luật có thể làm nhiều công việc khác nhau, từ việc làm Luật sư cho đến làm việc tại các Cơ quan Nhà nước (như Tòa án hoặc Viện Kiểm sát), làm việc tại bộ phận pháp chế của doanh nghiệp hoặc tham gia công tác giảng dạy ở các cơ sở đào tạo Luật. Do mục đích của việc đào tạo cử nhân Luật không chỉ giới hạn ở việc hành nghề Luật và đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo Luật không được phép hành nghề Luật sư (và do vậy ít có kinh nghiệm hành nghề Luật sư). Do đó, nhiệm vụ chính của các cơ sở đào tạo Luật không phải và không nên là đào tạo kỹ năng hành nghề của Luật sư.
Luật Luật sư quy định một quy trình đào tạo Luật sư và đây là nhiệm vụ chính của Học viện Tư pháp và các tổ chức hành nghề Luật sư. Sau khi có bằng cử nhân Luật, quá trình trở thành Luật sư chính thức tại Việt Nam theo Luật Luật sư trải qua hai giai đoạn, thông thường kéo dài trung bình 24 tháng. Hai giai đoạn này bao gồm: học khóa đào tạo hành nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp kéo dài 12 tháng; phải tập sự tại một tổ chức hành nghề Luật sư trong 12 tháng. Khi kết thúc giai đoạn tập sự, Luật sư tập sự phải thi kết thúc tập sự và nếu đỗ, đăng ký gia nhập một đoàn Luật sư. Khóa đào tạo hành nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp và giai đoạn tập sự tại một tổ chức hành nghề Luật sư chủ yếu nhằm trang bị các kỹ năng hành nghề Luật sư trên thực tế. Tuy nhiên, đây chỉ là điểm khởi đầu và Luật sư tiếp tục được đào tạo tại tổ chức hành nghề Luật sư nơi họ làm việc.
Hoạt động của các tổ chức hành nghề Luật sư
Tại thời điểm hiện nay, các Công ty Luật lớn nhất Việt Nam có khoảng từ năm mươi đến hơn một trăm nhân sự (bao gồm cả Luật sư, Luật sư tập sự và chuyên viên trợ giúp pháp lý). Công việc nhiều và lặp đi lặp lại cho phép các Công ty Luật lớn nhất Việt Nam có sự chuyên môn hóa trong hoạt động tư vấn. Các Công ty Luật này có các bộ phận tư vấn riêng biệt tập trung vào các lĩnh vực hoạt động chính như: Giao dịch thương mại, đầu tư nước ngoài và hoạt động công ty (bao gồm cả hoạt động mua bán và sáp nhập); Tài chính ngân hàng; Thị trường vốn; Sở hữu trí tuệ và tố tụng (bao gồm cả Tố tụng Tòa án và Trọng tài).
Trong những lĩnh vực trên, phần lớn các Công ty Luật Việt Nam tập trung vào các giao dịch thương mại, đầu tư nước ngoài và hoạt động doanh nghiệp (bao gồm cả hoạt động mua bán và sáp nhập). Đây có lẽ là lĩnh vực hoạt động lớn nhất của các Công ty Luật Việt Nam. Họ giúp khách hàng thành lập doanh nghiệp hoặc xin giấy phép dự án đầu tư tại Việt Nam và tư vấn trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp hoặc dự án. Các vấn đề tư vấn chủ yếu liên quan đến lao động, xây dựng, bất động sản, bảo hiểm, huy động vốn và thuế. Hầu như tất cả các Công ty Luật có uy tín tại Việt Nam đều tư vấn về mua bán, sáp nhập và tại nhiều thời điểm, tư vấn về mua bán, sáp nhập có thể chiếm một tỉ trọng rất lớn trong toàn bộ cơ cấu doanh thu của một Công ty Luật.
Không có nhiều Công ty Luật Việt Nam tư vấn về tài chính ngân hàng. Đây là một lĩnh vực tương đối chuyên sâu và thị trường tại Việt Nam chưa phát triển nhiều trên lĩnh vực này, do đó các công ty luật còn cân nhắc trong việc đầu tư phát triển mảng hoạt động này. Tư vấn về tài chính ngân hàng tại Việt Nam thông thường bao gồm tư vấn về tài trợ Công ty, tài trợ dự án, tài trợ mua tài sản, các vấn đề về hoạt động ngân hàng và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính. Trong thời gian 10 năm gần đây, lĩnh vực thị trường vốn bắt đầu phát triển, bao gồm cả tư vấn về huy động vốn cổ phần, như các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và huy động vốn nợ (như phát hành trái phiếu). Các giao dịch phát hành trái phiếu quốc tế đặc biệt phát triển ở Việt Nam, bao gồm phát hành trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu với lãi suất cao.
Tố tụng tại Tòa án và Trọng tài Việt Nam chủ yếu do các văn phòng Luật sư của các Luật sư tranh tụng hàng đầu đảm nhận. Một số Công ty Luật có uy tín trên thị trường cũng tập trung hoạt động trong lĩnh vực tố tụng. Trong một thời gian dài, phí Luật sư trong hoạt động tố tụng tại Tòa án và Trọng tài tại Việt Nam chủ yếu được tính trên cơ sở phí trọn gói. Tuy nhiên, trong một vài năm gần đây, ngày càng nhiều khách hàng là các Công ty nước ngoài hoặc đa quốc gia có tranh chấp giải quyết tại Tòa án và Trọng tài tại Việt Nam sẵn sàng trả phí theo giờ. Một xu hướng khác cũng đáng chú ý là ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hoạt động tố tụng tại nước ngoài, đặc biệt là tố tụng tại Trọng tài quốc tế. Điều này tạo điều kiện cho một số Công ty Luật Việt Nam phát triển mảng tố tụng Trọng tài quốc tế thông qua việc cùng hợp tác với các Công ty Luật nước ngoài tham gia đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các Công ty Việt Nam trước các cơ quan tài phán ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Công tác đào tạo tại các Công ty Luật lớn
Ở thời điểm hiện nay, một số Công ty Luật lớn của Việt Nam đã có chương trình đào tạo chính thức cho Luật sư, Luật sư tập sự và chuyên viên trợ giúp pháp lý. Các công ty này tập trung vào việc đào tạo các kỹ năng cơ bản trong việc hành nghề và các kỹ năng cụ thể trong lĩnh vực hoạt động chuyên môn hóa.
Trong những năm đầu tiên khi mới bước vào nghề, việc đào tạo các Luật sư trẻ, Luật sư tập sự và chuyên viên trợ giúp pháp lý thường tập trung vào các kỹ năng chung trong việc hành nghề, đặc biệt là kỹ năng nghiên cứu, phân tích và kỹ năng trình bày. Thông qua các chương trình đào tạo chung tại Công ty, nhân viên sẽ được trang bị các bước để thực hành các kỹ năng này. Đồng thời, thông qua quá trình làm việc với các Luật sư có kinh nghiệm hơn trong Công ty ở nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau, các nhân viên sẽ được thực hành các kỹ năng này trong các vụ việc khác nhau trên thực tế. Quá trình này thường kéo dài từ 02 - 03 năm hoặc có thể lâu hơn.
Sau khi đã được đào tạo cơ bản, các Luật sư trẻ sẽ bắt đầu được đào tạo trong các lĩnh vực hoạt động chuyên môn cụ thể như mua bán và sáp nhập, tài chính ngân hàng, thị trường vốn, sở hữu trí tuệ hoặc tố tụng. Trong quá trình này, họ vẫn sẽ tiếp tục được đào tạo các kỹ năng chung trong việc hành nghề, đặc biệt là kỹ năng nghiên cứu, phân tích và kỹ năng trình bày. Điểm khác biệt là họ sẽ được thực hành các kỹ năng này trong các vụ việc tập trung vào các lĩnh vực hành nghề cụ thể. Họ cũng sẽ được dần đào tạo các kỹ năng hành nghề khác như soạn thảo hợp đồng và văn bản tố tụng, phát triển quan hệ khách hàng và làm việc với cơ quan nhà nước. Khi các Luật sư càng ngày càng có kinh nghiệm hơn, họ sẽ được giao trách nhiệm nhiều hơn, đặc biệt là quản lý vụ việc và quản lý khách hàng. Phần lớn các Luật sư có kinh nghiệm trong các Công ty Luật lớn phải có khả năng làm việc trực tiếp với khách hàng nước ngoài, thông thạo tiếng Anh, có một góc nhìn so sánh giữa các hệ thống luật và hiểu biết thông lệ thị trường.
Có thể nói, thời kỳ hội nhập tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới cho hoạt động của Luật sư Việt Nam. Các yêu cầu này cũng đặt ra những áp lực mới cho việc đào tạo Luật sư. Việc đào tạo kỹ năng hành nghề thực tế là nhiệm vụ của Học viện Tư pháp và các tổ chức hành nghề Luật sư, đặc biệt là các Công ty Luật lớn của Việt Nam. Tại thời điểm hiện nay, các Công ty Luật lớn nhất Việt Nam đã có sự chuyên môn hóa khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cùng với đó, những Công ty Luật này đã có các chương trình đào tạo chính thức và đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo Luật sư tại Việt Nam.
Luật sư TRƯƠNG NHẬT QUANG
Công ty Luật YKVN