/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thực tiễn thực hiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự

Thực tiễn thực hiện ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can trong tố tụng hình sự

17/07/2023 06:09 |

(LSVN) – Trong những năm qua, cùng với tiến trình cải cách tư pháp, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử ở nước ta đã đáp ứng yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân - một trong những đòi hỏi tất yếu của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ngày 27/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 với nhiều quy định mới, trong đó có quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự.

Ảnh minh họa.

Để hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, ngày 01/02/2018, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT- BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP (Thông tư liên tịch số 03) hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Với những điểm mới của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và những văn bản có liên quan đã quy định tương đối chặt chẽ quy trình tố tụng nói chung và hoạt động hỏi cung bị can nói riêng, nhằm ngăn chặn hành vi bức cung, mớm cung, dùng nhục hình của điều tra viên cũng như ngăn chặn việc bị can phản cung trong quá trình xét xử. Đây là một bước tiến mới trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công bằng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, đáp ứng đòi hỏi của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi lại âm thanh hoặc hình ảnh có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội; lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là phương tiện, thiết bị ghi âm thanh hoặc ghi hình có âm thanh. Phương tiện, thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh bao gồm: thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, đầu ghi hình, máy chủ, các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Thông tư liên tịch số 03.

Hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung, lấy lời khai theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can là hoạt động theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, phải tuân thủ theo đúng quy trình. Khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao một số nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh".

Thứ hai, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch, nguyên vẹn của dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Để bảo đảm tính khách quan trong quá trình điều tra vụ án nói chung và hoạt động hỏi cung bị can nói riêng, điều tra viên làm kế hoạch ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh buổi hỏi cung bị can. Điều tra viên thông báo cho kiểm sát viên, luật sư của bị can biết về thời gian, địa điểm tiến hành hỏi cung bị can để họ có thể tham gia. Quá trình hỏi cung bị can, điều tra viên phải thực hiện đúng các quy định về trình tự thủ tục, thông báo cho bị can biết việc ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung, thông báo các sự cố kỹ thuật trong quá trình hỏi cung (nếu có) và ghi rõ vào biên bản hỏi cung. Điều tra viên không được nói hay tiến hành các hoạt động nhằm tác động tới tâm lý của bị can trước khi vào buổi hỏi cung để gây ảnh hưởng tới quá trình hỏi cung.

Dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là một bộ phận của hồ sơ vụ án hình sự được sử dụng, bảo quản, lưu trữ theo quy định của pháp luật về sử dụng, bảo quản và lưu trữ hồ sơ vụ án hình sự. Các điều tra viên, cán bộ điều tra không được tự ý chỉnh sửa, cắt ghép, giả mạo, hủy trái phép, làm sai lệch, làm hư hỏng, làm thất lạc dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; không sao chép; không phát tán; không khai thác, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh ngoài mục đích phục vụ cho hoạt động điều tra; kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong điều tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thẩm định vụ án hình sự.

Thứ ba, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can; sử dụng, bảo quản, lưu trữ, kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Trình tự tiến hành hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh được tiến hành qua các bước: điều tra viên lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; đăng ký với cán bộ chuyên môn tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra; làm thủ tục trích xuất bị can; thông báo cho bị can về việc ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung; thực hiện các thao tác kỹ thuật và thông báo cho bị can biết khi bắt đầu, khi kết thúc, tạm dừng; lập biên bản hỏi cung bị can. Trường hợp hỏi cung bị can tại địa điểm khác, nếu không bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình thì điều tra viên phải thông báo cho bị can, nếu họ không đồng ý thì không được tiến hành hỏi cung bị can.

Việc bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cán bộ chuyên môn có trách nhiệm bảo quản dữ liệu ghi âm được lưu giữ trong máy chủ trong suốt quá trình điều tra vụ án. Khi dữ liệu đã được sao lưu ra đĩa và giao cho điều tra viên, cán bộ chuyên môn phải tiến hành lập biên bản giao nhận; điều tra viên có trách nhiệm bảo quản đĩa dữ liệu kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh buổi hỏi cung bị can cùng với hồ sơ vụ án. Cơ quan điều tra phải bố trí tủ bảo quản đối với các thiết bị ngoại vi lưu dữ liệu ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung bị can. Khi kết thúc điều tra vụ án, điều tra viên nộp lưu đĩa dữ liệu kết quả ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung bị can cùng với hồ sơ vụ án tại phòng hồ sơ nghiệp vụ. Việc lưu giữ, bảo quản thiết bị lưu giữ kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh buổi hỏi cung bị can được tiến hành như đối với hồ sơ vụ án.

Thứ tư, việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can phải bảo đảm tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bị can được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can, điều tra viên phải thông báo rõ cho bị can biết về việc ghi âm hoặc ghi hình buổi hỏi cung và giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ của bị can. Điều tra viên phải bảo đảm quyền của bị can được trình bày lời khai, trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, đồ vật; bị can có quyền không đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc phải thừa nhận mình có tội; bị can có quyền được đưa ra các yêu cầu. Quá trình hỏi cung, nếu tình hình sức khoẻ của bị can không bảo đảm, điều tra viên phải cho dừng buổi hỏi cung. Điều tra viên phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không được có lời nói, hành động xúc phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự của bị can.

Thứ năm, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can đòi hỏi phải có hệ thống phương tiện, thiết bị kỹ thuật chính xác, đồng bộ bảo đảm yếu tố kỹ thuật. Phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ, trụ sở cơ quan điều tra là phòng chuyên dụng bảo đảm đủ điều kiện về diện tích, ánh sáng, an toàn và được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đạt chất lượng về âm thanh và hình ảnh.

 Điều tra viên khi tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh quá trình hỏi cung bị can tại trụ sở cơ quan điều tra hoặc tại cơ sở giam giữ phải lựa chọn các phòng hỏi cung đã được bố trí các trang thiết bị kỹ thuật theo quy định, phòng phải có độ phủ nhám tường để cách âm, có điều hòa, đủ ánh sáng, có đủ điều kiện để tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đạt chất lượng. Trong trường hợp cần thiết, không thể tiến hành hỏi cung tại trụ sở cơ quan điều tra hoặc tại cơ sở giam giữ, điều tra viên phải lựa chọn địa điểm hỏi cung phù hợp, không phải là nơi đông người, ồn ào, có đủ ánh sáng, phải có phương tiện, thiết bị kỹ thuật di động để tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi tiến hành hỏi cung bị can.

Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Khi tiến hành hỏi cung bị can tại nơi khác, nếu bị can hoặc kiểm sát viên yêu cầu, điều tra viên phải tiến hành ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Khi không bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh thì cán bộ hỏi cung phải thông báo cho bị can biết, nếu họ đồng ý thì tiến hành làm việc, trường hợp họ không đồng ý thì không được hỏi cung. Trường hợp đang hỏi cung mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì cán bộ hỏi cung phải thông báo cho bị can biết, nếu họ đồng ý tiếp tục làm việc thì vẫn tiến hành hỏi cung. Trường hợp bị can không đồng ý tiếp tục làm việc thì dừng buổi hỏi cung. Do đó, đòi hỏi cơ quan điều tra phải bố trí đầy đủ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật (cả cố định, cả di động) để phục vụ cho hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.

Để triển khai thực hiện áp dụng biện pháp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, lấy lời khai theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong giai đoạn từ năm 2018 đến 01/01/2020, Bộ Công an đã tiến hành thí điểm việc trang bị phương tiện kỹ thuật 42 phòng hỏi cung tại 5 cơ quan công an các đơn vị, địa phương gồm: Tổng cục An ninh (4 phòng); Tổng cục Cảnh sát (4 phòng); Công an TP. Hà Nội (Trại tạm giam số 1, trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự, Nhà tạm giữ Công an quận Cầu Giấy - mỗi nơi bố trí 4 phòng); Công an TP. Hồ Chí Minh (Trại tạm giam Chí Hòa, trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra, Nhà tạm giữ Công an Quận 1 - mỗi nơi bố trí 4 phòng); Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang (4 phòng), trụ sở Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang (4 phòng) và Nhà tạm giữ Công an TP. Bắc Giang (2 phòng).

Cùng với các đơn vị được thí điểm như trên, Bộ Công an đã xây dựng dự án “cơ sở vật chất, kỹ thuật thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự” nhằm triển khai đầu tư xây dựng, sửa chữa cải tạo và lắp đặt các phòng hỏi cung có thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh cho công an các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, trong thời gian qua một số đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng, cải tạo, lắp đặt các phòng hỏi cung có thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh. Chỉ tính riêng Công an TP. Hà Nội hiện có hơn 30 phòng hỏi cung có lắp đặt thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Theo đó, từ ngày 01/01/2018 đến tháng 6/2022, tổng số vụ án đã được tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh là 13.812 vụ, trong đó có một số địa phương đã chủ động thực hiện công tác ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can như Long An (1.570 vụ), Nam Định (1.385 vụ), Bến Tre (732 vụ), Phú Thọ (610 vụ), Điện Biên (553 vụ)...

Thời gian qua, việc hỏi cung, lấy lời khai người tham gia tố tụng được ghi âm, ghi hình có âm thanh trên phạm vi toàn quốc về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu công tác điều tra đối với số vụ án phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, góp phần bảo đảm khách quan trong hoạt động tố tụng hình; đồng thời là cơ sở để cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá kết quả hỏi cung trong trường hợp bị can phản cung. Kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh các phiên hỏi cung bị can được cơ quan điều tra sử dụng để làm căn cứ đấu tranh khi bị can thay đổi lời khai, kết quả bị can không thể chối cãi và phải chấp nhận lời khai đã được ghi hình trong buổi hỏi cung đó. Điều tra viên còn trích xuất kết quả ghi hình buổi hỏi cung bị can trong vụ án để nghiên cứu và tìm ra những điểm mấu chốt, những mâu thuẫn trong lời khai của các bị can để thống nhất hướng điều tra.

Mặt khác, việc tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can đã hạn chế tối đa tình trạng bức cung, mớm cung, dùng nhục hình của điều tra viên, cán bộ điều tra đối với bị can. Đã có nhiều lượt thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình buổi hỏi cung bị can để kiểm tra việc chấp hành pháp luật của điều tra viên, cán bộ điều tra trong quá trình hỏi cung. Kết quả cho thấy thái độ của cán bộ hỏi cung là đúng mực, không có hành vi gây sức ép hay áp lực gì đối với bị can. Các câu hỏi trong quá trình hỏi cung là đúng pháp luật, phù hợp với việc khai thác thông tin của vụ án.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung, lấy lời khai thời gian qua còn một số hạn chế. Số vụ thực hiện việc hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số vụ án thụ lý hàng năm (khoảng 6,1%). Tại một số đơn vị, địa phương đã lắp đặt, mua sắm thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh nhưng cũng chưa tiến hành ghi âm hoặc ghi hình được đầy đủ các buổi hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Còn nhiều đơn vị, địa phương chưa thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh do chưa có đủ cơ sở vật chất để thực hiện, hoặc chờ Bộ Công an hướng dẫn việc mua sắm, trang bị hệ thống máy móc nên chưa chủ động triển khai ghi âm, ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can.

Mặt khác, các phòng hỏi cung đã được lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh, hệ thống thiết bị hay bị hỏng (như bộ lưu điện dự phòng UPS (Uninterruptible Power Supply), bộ hút ẩm, các nút bấm trên thiết bị, míc thu tiếng), các phòng hỏi cung thường xuyên bị ẩm, mốc, bong tróc nên trong thời gian đợi sửa chữa thiết bị, các buổi hỏi cung bị can không được tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh. Phòng hỏi cung chỉ được lắp đặt 01 camera để ghi hình toàn cảnh mà chưa có camera ghi hình cận cảnh bị can và cán bộ hỏi cung... dẫn đến có nhiều lượt hỏi cung có ghi âm, ghi hình gặp trục trặc.

Những hạn chế, khó khăn trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan như: nhiều địa phương cơ sở vật chất, trang thiết bị số lượng hạn chế, trong khi đó số vụ án, bị can phải thụ lý, điều tra rất lớn (ví dụ trung bình một quận của Công an TP. Hà Nội thụ lý khoảng 500 - 600 vụ án/ năm với khoảng 700 - 800 bị can, số lượng các lần hỏi cung, lấy lời khai hàng ngàn lượt) do đó không đủ cơ sở vật chất, thiết bị để đáp ứng yêu cầu thực tế công tác hỏi cung bị can, lấy lời khai, gây ảnh hưởng tới tiến độ, thời hạn điều tra các vụ án, đặc biệt các vụ án có nhiều bị can, các vụ án cần thu thập nhanh tài liệu để truy xét, truy bắt đối tượng, thu giữ vật chứng... Mặt khác, khi triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 03 còn một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai quy định về phòng chuyên dụng, cán bộ chuyên môn, hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu đặt tại cơ sở giam giữ nhưng lại giao cho cơ quan điều tra quản lý, các quy định về việc quản lý, bảo quản và lưu trữ dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh sau khi kết thúc điều tra.

Kinh phí thực hiện đề án do ngân sách nhà nước bảo đảm và được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tuy nhiên, hầu như các địa phương không có kinh phí mua sắm, hoặc không bố trí hoặc bố trí rất ít nguồn kinh phí cho dự án trang bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh nên cơ sở vật chất, kỹ thuật không đủ để triển khai ghi âm, ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can. Bên cạnh đó, công tác tập huấn về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can cho điều tra viên, cán bộ điều tra ở nhiều đơn vị, địa phương chưa chủ động, thường xuyên. Công tác bố trí cán bộ chuyên môn để thực hiện công tác ghi âm, ghi hình có âm thanh và xử lý sự cố kỹ thuật chưa được triển khai đồng bộ...

Từ thực tiễn trên có thể thấy, để triển khai có hiệu quả công tác ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung, lấy lời khai, trong thời gian tới cần tập trung làm tốt một số giải pháp sau:

Một là, tập trung ngân sách nhà nước đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để bảo đảm hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can đạt kết quả. Chính phủ, Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung cân đối, bố trí nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để triển khai việc ghi âm, ghi hình có âm thanh hoạt động hỏi cung bị can. Công an các đơn vị, địa phương cần phải chủ động lập dự toán để báo cáo với Bộ Công an, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố để xây dựng dự toán chi ngân sách hàng năm theo các khoản: chi đầu tư ban đầu; chi thường xuyên; dự kiến nhu cầu kinh phí vận hành, duy tu hàng năm đối với các phòng hỏi cung và hệ thống trang thiết bị ghi âm, ghi hình.

Hai là, cần có văn bản hướng dẫn làm rõ một số quy định tại Thông tư liên tịch số 03, cụ thể: hướng dẫn chi tiết, cụ thể tiêu chuẩn kỹ thuật của “phòng chuyên dụng”; có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, trình độ, chứng chỉ và trách nhiệm của cán bộ chuyên môn để bố trí đủ cán bộ chuyên môn thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh; có quy định cụ thể về đối tượng và cơ chế giám sát cán bộ chuyên môn và những người có thẩm quyền quản lý lưu trữ dữ liệu.

Ba là, xây dựng và triển khai thực hiện quy trình cụ thể, thống nhất khi tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can đối với cơ quan điều tra. Quy trình tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung, lấy lời khai phải được tiến hành thống nhất từ khâu lập kế hoạch, thông báo việc hỏi cung, đăng ký địa điểm hỏi cung, trích xuất hoặc triệu tập bị can, chuẩn bị các điều kiện khác, tiến hành ghi âm, ghi hình có âm thanh hỏi cung bị can, kết thúc ghi âm hoặc ghi hình việc hỏi cung bị can, bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can. Thực hiện đúng quy trình sẽ bảo đảm sự thống nhất giữa các đơn vị, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu.

Bốn là, đào tạo đủ cán bộ chuyên môn, mở các lớp tập huấn cho điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can. Cục Tổ chức cán bộ Bộ Công an xây dựng và triển khai thực hiện dự án “kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự” để triển khai việc bố trí đội ngũ cán bộ chuyên môn có đủ năng lực, trình độ thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh cho công an các đơn vị, địa phương. Tổ chức các đợt tập huấn cho điều tra viên, cán bộ điều tra về công tác ghi âm, ghi hình trong hỏi cung, lấy lời khai để có kỹ năng vận hành các thiết bị ghi âm, ghi hình.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai có hiệu quả hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng nhằm bảo đảm quyền con người, làm cho hoạt động tố tụng hình sự nói chung và hoạt động điều tra vụ án nói riêng được khách quan, minh bạch, công bằng góp phần xây dựng nền tư pháp khoa học, tiến bộ đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiến sĩ NGÔ THỊ MAI LINH

Học viện Cảnh sát nhân dân

Phân công, kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng chống tham nhũng

Nguyễn Mỹ Linh