Ảnh minh họa.
1. Những nội dung cơ bản của Bộ Tiêu chí năm 2019, vai trò, ý nghĩa của Bộ Tiêu chí đối với việc triển khai công tác bồi thường nhà nước tại địa phương
1.1. Những nội dung cơ bản của Bộ Tiêu chí năm 2019
Nội dung cơ bản của Bộ Tiêu chí năm 2019 được cụ thể hóa trên cơ sở quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (UBND) quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN năm 2017) theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên phạm vi cả nước, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở Trung ương và UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án tại địa phương. Trên cơ sở đó, Bộ Tiêu chí năm 2019 bảo đảm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai áp dụng Bộ tiêu chí năm 2013 (được ban hành căn cứ vào các quy định của Luật TNBTCNN năm 2009). Bộ Tiêu chí năm 2019 gồm 04 chương 13 Điều. Kèm theo Quyết định số 3062/QĐ-BTP còn có 02 Phụ lục, cụ thể: (i) Phụ lục Bảng tự đánh giá, chấm điểm và (ii) Phụ lục Mẫu báo cáo tổng hợp kết quả đánh giá và xếp loại kết quả công tác bồi thường nhà nước.
Về phạm vi áp dụng
Bộ tiêu chí năm 2019 có phạm vi đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Như vậy, Bộ tiêu chí năm 2019 được áp dụng để đánh giá, chấm điểm và xếp loại Sở Tư pháp thông qua kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong cả 03 hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án ở địa phương.
Về tiêu chí đánh giá
Để phù hợp với quy định của Luật TNBTCNN năm 2017, Bộ tiêu chí năm 2019 đưa ra một số nhóm tiêu chí đánh giá.
Thứ nhất, đối với nhóm tiêu chí đánh giá thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước bao gồm 9 nhóm nhiệm vụ cụ thể hóa theo quy định tại Điều 73 Luật TNBTCNN năm 2017. Nhóm tiêu chí này được bổ sung để phù hợp với Luật TNBTCNN năm 2017 về nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường cũng như phù hợp với quy định tại Thông tư số 08/2019/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Thứ hai, nhóm tiêu chí đánh giá tổ chức các hoạt động phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Đây là nhóm tiêu chí nhằm phát huy vai trò của Sở Tư pháp trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương
Thứ ba, nhóm tiêu chí đánh giá tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 4 Điều 45 và khoản 3 Điều 46 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhóm tiêu chí này được bổ sung phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.
Thứ tư, nhóm tiêu chí đánh giá điều kiện bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước như ban hành kế hoạch công tác bồi thường, phân công công chức, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước và kinh phí thực hiện công tác bồi thường nhà nước
Thứ năm, nhóm tiêu chí đánh giá của cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan nhà nước khác có liên quan tại địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường. Nhóm tiêu chí này được bổ sung phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.
Về cách thức, thời điểm, quy trình đánh giá
Việc đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường nhà nước, chấm điểm địa phương được quy định cụ thể tại Bộ Tiêu chí năm 2019. Bộ Tiêu chí năm 2019 có bổ sung trường hợp cộng điểm và trừ điểm vào tổng điểm tự đánh giá, chấm điểm. Cụ thể, Sở Tư pháp được cộng thêm 05 điểm đối với 01 sáng kiến, giải pháp vào tổng điểm tự đánh giá trong trường hợp công chức thuộc Sở Tư pháp có sáng kiến, giải pháp trong quá trình thực hiện công tác bồi thường nhà nước. Trường hợp, Sở Tư pháp gửi chậm kết quả tự đánh giá sẽ bị trừ điểm theo quy định.
1.2. Vai trò, ý nghĩa của Bộ Tiêu chí năm 2019
Thứ nhất, việc ban hành Bộ tiêu chí năm 2019 là công cụ, tiêu chuẩn chung để các địa phương có cơ sở đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại địa phương cũng như đánh giá chất lượng hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường; chất lượng hoạt động công vụ đối với từng địa phương.
Thứ hai, qua việc thực hiện Bộ Tiêu chí năm 2019, Sở Tư pháp các địa phương đã quan tâm hơn về công tác bồi thường, thực hiện triển khai thực hiện đầy đủ để làm cơ sở thực hiện đánh giá cuối năm. Đồng thời, nắm bắt tình hình thực tế, thuận lợi, khó khăn của cơ chế bồi thường nhà nước trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân do người thi hành công vụ gây ra; đánh giá hiệu quả về nhận thức, ý thức, trách nhiệm công vụ của người thi hành công vụ. Trên cơ sở đó, thực hiện đề xuất, kiến nghị thực hiện hiệu quả công tác bồi thường nhà nước.
Thứ ba, việc thực hiện hiệu quả Bộ Tiêu chí góp phần giúp các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước ở cả trung ương và địa phương có thêm nguồn thông tin để nắm bắt, đánh giá về tình hình thực hiện công tác bồi thường nhà nước, sâu sát thực tế hơn đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường từ đó kịp thời đưa ra đề xuất kiến nghị để bảo đảm thực hiện hiệu quả hơn công tác bồi thường nhà nước cũng như thực hiện những biện pháp tăng cường hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN.
Thứ tư, việc ban hành Bộ Tiêu chí năm 2019 cũng là một trong cơ sở tạo điều kiện cho các Sở Tư pháp địa phương thi đua thực hiện hiệu quả công tác bồi thường nhà nước.
2. Kết quả thực hiện Bộ Tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả thi hành Luật TNBTCNN
2.1. Nhóm tiêu chí thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Thứ nhất, về hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường theo thẩm quyền
Qua thực tiễn thực hiện Bộ Tiêu chí, trong năm 2020, 2021 có tổng số 41/63 Sở Tư pháp nhận được đề xuất, kiến nghị hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường hoặc cơ quan khác có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước[1]. So với năm 2020 về đề xuất hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường có giảm 5%, theo đó, trong năm 2020, có 22/63 Sở Tư pháp (chiếm 35%) nhận được đề xuất, kiến nghị hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường của cơ quan giải quyết bồi thường hoặc cơ quan khác có liên quan đến công tác bồi thường nhà nước[2]. Nhìn chung, các Sở Tư pháp đã từng bước thể hiện vai trò, trách nhiệm của địa phương trong thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc, giúp cho việc thực hiện đối với nhiệm vụ này đi vào nền nếp.
Thứ hai, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước
Việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ. Trong năm 2020, 2021 do tình hình diễn biến phức tạp của dịch nên Sở Tư pháp các tỉnh đã triển khai bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước với nhiều hình thức bồi dưỡng phong phú, đa dạng phù hợp với tình hình từng địa phương và tình hình dịnh bệnh Covid-19 chỉ có 08 địa phương không thực hiện đối với nhóm tiêu chí này.
Thứ ba, xác định cơ quan giải quyết bồi thường
Theo báo cáo của các Sở Tư pháp, trong năm 2020, 2021, có 14/63 Sở Tư pháp[3] thực hiện xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong trường hợp người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Luật TNBTCNN năm 2017.
Thứ tư, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo thẩm quyền
Qua hai năm triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí năm 2019, tổng số trường hợp hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường theo thẩm quyền 18/63 trường hợp[4]. So với năm 2020, số lượng thực hiện hướng dẫn người bị thiệt hại có giảm 6 trường hợp trong năm 2021, có 06/63 Sở Tư pháp[5] đã thực hiện hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của người bị thiệt hại theo hình thức bằng văn bản theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ Tư pháp quy định biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước[6].
Thứ năm, theo dõi công tác bồi thường nhà nước
Trong năm 2020, 2021, các địa phương đã thực hiện theo dõi khi có căn cứ thực hiện theo dõi quy định tại công tác bồi thường nhà nước khi có căn cứ phát sinh Bộ theo quy định. Riêng trong năm 2021, có 49/63 địa phương không phát sinh căn cứ theo dõi[7]
Thứ sáu, đôn đốc công tác bồi thường nhà nước
Tổng số địa phương thực hiện đôn đốc công tác bồi thường nhà nước trong năm 2020, 2021 là 29/63 địa phương[8]. So năm 2020, số lượng vụ việc đôn đốc có giảm 05 trường hợp, trong năm 2021, chỉ có 12/63 Sở Tư pháp đã thực hiện đôn đốc công tác bồi thường nhà nước khi có căn cứ đôn đốc công tác bồi thường nhà nước được xác định theo quy định[9] nhằm giúp hoạt động giải quyết bồi thường đúng quy định của pháp luật bảo đảm quyền lợi người bị thiệt hại góp phần đưa Luật TNBTCNN đi vào cuộc sống.
Thứ bảy, thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước
Qua thực tiễn triển khai Bộ tiêu chí năm 2019 nhận thấy, đa số các địa phương đều ban hành kế hoạch hoặc lồng ghép trong thực hiện kế hoạch công tác bồi thường nhà nước. Theo đó, hầu hết các Sở Tư pháp đều ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường nhà nước trong năm 2021 và thực hiện kế hoạch kiểm tra, thực hiện linh hoạt hình thức kiểm tra. Trong năm 2020, 2021, chỉ có 12/63 địa phương[10] không thể hiện việc ban hành và thực hiện kiểm tra.
2.2. Nhóm tiêu chí về hiệu quả phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Để thực hiện hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, Sở Tư pháp các địa phương đã thực hiện phối hợp ngoài việc nắm bắt tình hình và kết quả hoạt động bồi thường nhà nước. Sở Tư pháp các tỉnh tăng cường phối hợp trao đổi nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh. Trong năm 2020, 2021, tổng số địa phương thực hiện nhóm tiêu chí này 50/63 các Sở Tư pháp có thực hiện hoạt động phối hợp thực hiện quản lý nhà nước đối với các cơ quan trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án[11]. Nội dung phối hợp được thực hiện để thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước như hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết yêu cầu bồi thường, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường. Hình thức phối hợp thực hiện những hoạt động này được thực hiện thông qua hoạt động họp liên ngành, trao đổi bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp. Các hoạt động phối hợp được thực hiện để thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước như ban hành quy chế phối hợp.
2.3. Tiêu chí về hiệu quả tham gia giải quyết bồi thường
Luật TNBTCNN năm 2017 quy định Sở Tư pháp tham gia xác minh thiệt hại (khi có đề nghị của cơ quan giải quyết bồi thường tại địa phương) và tham gia thương lượng việc bồi thường cùng cơ quan giải quyết bồi thường. Đối với nhóm tiêu chí này, phát sinh không nhiều. Theo đó, trong năm 2020, 2021 các địa phương đã thực hiện cử người tham gia xác minh thiệt hại 9/63 địa phương; 25/63 địa phương cử người tham gia thương lượng việc bồi thường khi phát sinh căn cứ theo quy định.
2.4. Tiêu chí về hiệu quả bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Trong năm 2020, 2021, về cơ bản, các Sở Tư pháp địa phương thực hiện đầy đủ bài bản đối với nhóm tiêu chí này. Qua kết quả tự đánh giá của các tỉnh, thành phố cho thấy, 100% các Sở Tư pháp đã quan tâm, thực hiện các điều kiện bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Công tác bồi thường nhà nước đã được thực hiện bài bản như: ban hành kế hoạch thực hiện công tác bồi thường nhà nước đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm, bảo đảm phân công công chức thực hiện công tác bồi thường và bố trí kinh phí thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong kinh phí chi quản lý hành chính thường xuyên và chi nghiệp vụ chuyên môn nghiệp vụ.
2.5. Tiêu chí về đánh giá của cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan nhà nước khác có liên quan tại địa phương trong việc thực hiện trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường
Tổng số địa phương thực hiện đánh giá đối với nhóm tiêu chí này trong hai năm 2020, 2021 là 21/63 địa phương. So với năm 2020, chỉ có 02 Sở Tư pháp thực hiện chấm điểm đối với nhóm tiêu chí V, năm 2021 đã có 19/63 Sở Tư pháp[12] đã triển khai bài bản đối nhóm tiêu chí V. Đây là nhóm tiêu chí đánh giá của cơ quan khác (cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan nhà nước khác có liên quan tại địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường và tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường) về việc thực hiện và phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường, tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường thông qua hình thức như khảo sát, phỏng vấn… Tuy nhiên, vẫn còn một số Sở Tư pháp thực hiện chưa đúng, tự đánh giá, chấm điểm về việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường và tham gia giải quyết yêu cầu bồi thường của mình.
2.6. Về điểm thưởng và điểm trừ
Trong năm 2020 và 2021 có tổng số 05/63 địa phương được điểm thưởng. Nếu như trong năm 2020 chỉ có 01 địa phương có sáng kiến trong công tác bồi thường thì năm 2021 có 04/63 Sở Tư pháp[13] (Sở Tư pháp các tỉnh An Giang, Bình Thuận, Hậu Giang và Sóc Trăng) có sáng kiến, giải pháp có liên quan đến việc thực hiện công tác bồi thường[14]. Trong năm 2020 và 2021 có tổng số 06/63 địa phương bị trừ điểm liên quan đến việc thống kê báo cáo bồi thường, gửi chậm kết quả công tác bồi thường nhà nước.
Nhìn chung, qua việc triển khai Bộ tiêu chí của các Sở Tư pháp đã giúp cho việc đánh giá thực chất, hiệu quả công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
Thứ nhất, qua việc triển khai Bộ tiêu chí giúp Sở Tư pháp đánh giá thực chất, hiệu quả công tác bồi thường nhà nước tại địa phương. Qua hai năm triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí năm 2019, việc thực hiện Quyết định số 3062 trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 nhưng 100% Sở Tư pháp đã quan tâm triển khai và thực hiện việc tự đánh giá, chấm điểm. Việc tự đánh giá và chấm điểm Bộ tiêu chí đã giúp Sở Tư pháp chủ động hơn trong việc tham mưu và thực hiện bài bản công tác bồi thường theo quy định mới của Luật TNBTCNN năm 2017.
Thứ hai, qua việc triển khai Bộ tiêu chí giúp có thêm nguồn thông tin thực hiện quản lý nhà nước, việc thực hiện Bộ tiêu chí cũng giúp Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố có thêm nguồn thông tin để nắm bắt, đánh giá về tình hình thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương. Qua đó, góp phần đưa công tác bồi thường nhà nước được thực hiện hiệu quả hơn. Có thể thấy rằng quy định về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được các Sở Tư pháp tham mưu thực hiện đã bảo đảm các quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.
Thứ ba, việc triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí giúp địa phương quan tâm thực hiện thực chất công tác bồi thường nhà nước tại địa phương để làm cơ sở đánh giá công tác bồi thường nhà nước, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc chấm điểm kết quả thực hiện Bộ Tiêu chí cũng phản ánh một số nhiệm vụ tại địa phương còn thực hiện chưa hiệu quả còn vướng mắc, khó khăn trong quá trình áp dụng.
3. Hạn chế, nguyên nhân
3.1. Hạn chế
Trong việc tổ chức triển khai Bộ tiêu chí
Thứ nhất, lĩnh vực bồi thường nhà nước đôi khi chưa được thực sự quan tâm tại địa phương. Hơn nữa, trong năm 2020, 2021 do diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, các địa phương phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19, một số địa phương phải thực hiện giãn cách cách hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg, Chỉ thị 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, kinh phí triển khai các hoạt động quản lý nhà nước bị cắt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, việc tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước, kiểm tra về công tác bồi thường nói chung và thực hiện áp dụng Bộ tiêu chí nói riêng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước về công tác bồi thường[15].
Thứ hai, công tác tham mưu của Sở Tư pháp đôi lúc chưa kịp thời, hiệu quả, chưa thực sự phát huy vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND cấp tỉnh trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương.
Thứ ba, mặc dù, đã qua hai năm áp dụng, nhưng một số Sở Tư pháp chưa thu thập thông tin đầy đủ, chưa diễn giải hoặc diễn giải chưa rõ và nguồn thông tin tài liệu phục vụ cho việc đánh giá, chấm điểm cũng chưa đáp ứng yêu cầu dẫn đến khó khăn cho việc tổng hợp và đánh giá.
Trong việc áp dụng Bộ tiêu chí
Thứ nhất, thực tiễn triển khai thi hành Bộ Tiêu chí năm 2019, hiện nay có tiêu chí khó thực hiện: tiêu chí bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước thực hiện hàng năm tại địa phương khó thực hiện vì hệ thống văn bản pháp luật về bồi thường không thay đổi do vậy, việc đề xuất kinh phí tổ chức thực hiện nhiệm vụ này còn có vướng mắc.
Thứ hai, đa số (70%) các tỉnh, thành phố chưa phát sinh vụ việc, do đó, việc đánh giá, chấm điểm đồng thời đối với các tỉnh, thành phố có phát sinh vụ việc và các tỉnh, thành phố chưa phát sinh vụ việc trong cùng một bảng chấm điểm với cùng tiêu chí chấm điểm, đánh giá là chưa khách quan và công bằng.
Thứ ba, nhóm tiêu chí về đánh giá hiệu quả phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước chiếm tỷ lệ điểm cao (20/100) trong 05 nhóm tiêu chí chấm điểm. Trong khi, tiêu chí về phối hợp quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước là một trong rất nhiều tiêu chí chấm điểm khác
Thứ tư, thực tiễn triển khai Bộ Tiêu chí thì hiện có một số tiêu chí thực hiện chưa thực sự hiệu quả tiêu chí về việc đánh giá của cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan nhà nước khác có liên quan tại địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và tham gia giải quyết. Đối với tiêu chí này không chỉ đánh giá về thực hiện quản lý nhà nước, phối hợp mà còn đánh giá về việc tham gia giải quyết bồi thường. Thực tiễn triển khai Bộ Tiêu chí hiện nay thì có một số địa phương không phát sinh vụ việc yêu cầu bồi thường nên việc thực hiện tiêu chí chưa thực sự khả thi trên thực tiễn áp dụng.
3.2. Nguyên nhân
Trong việc tổ chức triển khai Bộ tiêu chí
Thứ nhất, biên chế được giao phụ trách công tác bồi thường nói chung và triển khai tự đánh giá, chấm điểm Bộ tiêu chí nói riêng chủ yếu là kiêm nhiệm. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ tự đánh giá, chấm điểm, các công chức được giao phụ trách còn phải triển khai các công việc khác với khối lượng lớn nên việc áp dụng Bộ tiêu chí tại một số địa phương còn bị động và chưa thực sự hiệu quả. Do công việc luôn quá tải nên phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến kỹ năng, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác bồi thường nhà nước dẫn đến việc thực hiện đánh giá, chấm Bộ Tiêu chí năm 2019 còn khó khăn, lúng túng. Hơn nữa, đội ngũ này không ổn định thường xuyên thay đổi dẫn đến còn khó khăn trong triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí năm 2019.
Thứ hai, việc tổ chức triển khai Bộ Tiêu chí năm 2019 chưa hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trong việc áp dụng Bộ tiêu chí
Thứ nhất, thông qua việc đánh giá, chấm điểm một số Sở Tư pháp còn chưa kịp thời thu thập thông tin và tài liệu kiểm chứng đầy đủ để đánh giá, chấm điểm gây khó khăn cho công tác tổng hợp và đánh giá chấm điểm của Bộ Tư pháp.
Thứ hai, Bộ tiêu chí được xây dựng theo đó, các tỉnh, thành phố có phát sinh vụ việc và không phát sinh vụ việc đều được đánh giá trên cùng một thang, bảng chấm điểm.
4. Đề xuất các giải pháp khắc phục
Để tiếp tục triển khai Bộ Tiêu chí đạt hiệu quả, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
4.1. Trong tổ chức triển khai Bộ Tiêu chí
Thứ nhất, bảo đảm cơ chế phối hợp về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Sở Tư pháp cần phát huy hơn nữa vai trò trong tham mưu thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương. Để thực hiện hiệu quả Bộ tiêu chí Sở Tư pháp chủ động tham mưu cho UBND cấp tỉnh nhằm bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, kịp thời với các cơ quan đơn vị trong quá trình thực hiện nhiêm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương. Việc chủ động tham mưu của Sở Tư pháp trong phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Cục thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước nói chung, trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước nói riêng, nhất là các quy định về tham gia giải quyết bồi thường, xác định cơ quan giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng như quy định về xác định cơ quan giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Sở Tư pháp để bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
Thứ hai, tập huấn chuyên sâu về công tác bồi thường nhà nước
Qua thực tiễn, cho thấy, việc áp dụng Bộ tiêu chí còn một số khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, để việc triển khai áp dụng Bộ tiêu chí đạt hiệu quả, thống nhất việc tổ chức các lớp tập huấn, tập huấn chuyên sâu về công tác bồi thường nhà nước trao đổi, rút kinh nghiệm trong giải quyết bồi thường cho cán bộ phụ trách công tác bồi thường nhà nước là rất cần thiết.
Thứ ba, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cách thức đánh giá, chấm điểm của Bộ tiêu chí
Trên cơ sở tổng hợp những vướng mắc trong áp dụng Bộ Tiêu chí năm 2019 cần có văn bản triển khai, hướng dẫn cụ thể để Sở Tư pháp hiểu, thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về công tác bồi thường tại địa phương cũng như thực hiện đúng về cách thức đánh giá, chấm điểm của Bộ tiêu chí góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước đi vào thực chất hơn.
4.2. Trong áp dụng Bộ Tiêu chí
Thứ nhất, sửa đổi quy định về thang điểm Bộ Tiêu chí
Việc tự đánh giá chấm điểm giữa các địa phương phát sinh vụ việc và địa phương không phát sinh vụ việc trong cùng bảng điểm là chưa hợp lý. Do vây, cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi bổ sung, áp dụng Bộ Tiêu chí năm 2019 được hợp lý hơn. Đồng thời sửa đổi về cơ cấu thang điểm đối với nhóm tiêu chí về đánh giá hiệu quả phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước chiếm tỷ lệ điểm cao trong 05 nhóm tiêu chí chấm điểm
Thứ hai, sửa đổi quy định về nhóm tiêu chí V: tiêu chí về việc đánh giá của cơ quan giải quyết bồi thường, cơ quan nhà nước khác có liên quan tại địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước và tham gia giải quyết. Đây là nhóm tiêu chí thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối với tiêu chí thiết nghĩ cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi bổ sung để việc áp dụng Bộ Tiêu chí năm 2019 được khả thi, hợp lý hơn và có sự thống nhất áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Thứ ba, rà soát, sửa đổi nội dung, thời điểm gửi kết quả chấm điểm
Để kết quả thực hiện Bộ Tiêu chí được sử dụng làm cơ sở để đánh giá, chấm điểm, xếp hạng thi đua đối với các Sở Tư pháp hằng năm, thiết nghĩ cần rà soát, sửa đổi nội dung tiêu chí, quy định về thời điểm gửi báo cáo kết quả chấm điểm cho phù hợp. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi bổ sung Bộ Tiêu chí năm 2019 được hợp lý để làm cơ sở đánh giá, chấm điểm, xếp hạng thi đua hằng năm đối với các Sở Tư pháp.
[1] Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021 [2] Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021. [3] Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021 và Báo cáo 14/BC-BTNN ngày 04/02/2021 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2020. [4] Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021 và Báo cáo 14/BC-BTNN ngày 04/02/2021 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2020. [4] Báo cáo 14/BC-BTNN ngày 04/02/2021 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2020 và Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021 và. [5] Sở Tư pháp tỉnh, thành phố Đắc Nông, Đồng Nai, Lai Châu, Lạng Sơn, Kon Tum và Quảng Ninh [6] Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021. [7] Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021 [8] Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021 và Báo cáo 14/BC-BTNN ngày 04/02/2021 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2020. [9] Sở Tư pháp tỉnh, thành phố Cao Bằng, Cần Thơ, Bình Định, Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Quảng Trị, Quảng Ninh, Phú Yên, Lai Châu và Kon Tum. [10] Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021 và Báo cáo 14/BC-BTNN ngày 04/02/2021 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2020 [11] Báo cáo số 14/ BC-BTNN ngày 04/2/2021 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2020 và Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021. [12] Sở Tư pháp tỉnh thành: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Định, Cao Bằng, Đồng Tháp, Hà Nội, Hậu Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Lai Châu, Long An, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn và Yên Bái, . [13] Bình Thuận có sáng kiến trong việc tham mưu và phối hợp một số Sở Tư pháp đã chủ động hơn với các cơ quan tố tụng, thi hành án dân sự thông qua ký kết Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước; An Giang khảo sát ý kiến đánh giá tính hiệu quả trong công vác quản lý nhà nước về bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh thông qua ứng dụng Google Form; Hậu Giang sáng kiến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin phần mềm zoom tổ chức lớp tập huấn trong công tác bồi thường nhà nước năm 2021; Sóc Trăng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. [14] Báo cáo số 03/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021. [15] Báo cáo số 01/BC-BTNN ngày 17/01/2022 về kết quả triển khai Bộ Tiêu chí thực hiện công tác bồi thường nhà nước năm 2021 |
CHU THỊ TUYẾT LAN
Đề xuất công khai các thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh