Ảnh minh hoạ.
Bài viết này chúng tôi dẫn chứng qua một vụ án cụ thể (tên các văn bản liên quan và tên của bị can, bị cáo đã được mã hoá để bảo vệ quyền lợi của người phạm tội) để làm rõ sự hạn chế, tồn tại trong thực trạng của vấn đề trên và nhấn mạnh tính cần thiết của việc nhận thức và áp dụng đúng quy định của pháp luật trong hoạt động định tội danh.
Dấu hiệu pháp lý của tội cưỡng đoạt tài sản
Tại khoản 1 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2015 (BLHS)quy định như sau: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Căn cứ vào quy định này, tội cưỡng đoạt tài sản có các dấu hiệu định tội bao gồm:
- Dấu hiệu chủ thể: Là người đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự
- Dấu hiệu hành vi khách quan: Hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc hành vi (thủ đoạn) khác uy hiếp tinh thần người quản lý tài sản
- Dấu hiệu lỗi: Chủ thể thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp
- Dấu hiệu mục đích: Nhằm chiếm đoạt tài sản
Về hành vi khách quan của tội cưỡng được tài sản, dưới góc độ lý luận, các hành vi được mô tả trong BLHS tại khoản 1 Điều 170 BLHS được hiểu như sau:
Đối với hành vi đe doạ dùng vũ lực, được hiểu là người phạm tội có những lời nói, cử chỉ tác động lên một phần tinh thần (ý chí) của người quản lý tài sản, để họ hiểu rằng, họ cần phải đưa tài sản cho người phạm tội. Bởi vì, nếu không đưa thì sau khoảng thời gian nhất định người phạm tội có thể sẽ dùng vũ lực. Mục đích của hành vi đe doạ dùng vũ lực là chỉ tạo sức mạnh tác động lên nhận thức của người quản lý tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản, chứ không có ý thức dùng sức mạnh thể chất hoặc vật chất đối với chủ sở hữu tài sản hoặc đối với người thân thích của họ, người bị đe dọa cũng nhận thức được là người phạm tội không dùng vũ lực ngay lập tức nếu không đưa tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt. Do đó, mức độ mãnh liệt của lời đe dọa dùng vũ lực không đến mức làm tê liệt ý chí của người bị đe dọa, mà chỉ nhằm gây sức ép về tinh thần để nạn nhânsuy nghĩ, cân nhắc lựa chọn những phương án hành vi khác nhau để bảo vệ tài sản của mình.Vềthời điểm đe dọa dùng vũ lực của tội cưỡng đoạt tài sản thì“kéo dài, chậm và đứt quãng”[1].
Đối với hành vi - thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người quản lý tài sản, được hiểu là: là hành vi đe dọa sẽ gây thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự, uy tín cho người đang quản lý tài sản hoặc người thân thích của họ nếu không giao tài sản cho người phạm tội.Trong thực tiễn cho thấy, “Thủ đoạn khác” là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như: doạ sẽ tố cáo với chồng về việc vợ ngoại tình, doạ sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản...
Cũng như hành vi “đe dọa sẽ dùng vũ lực”, hành vi khác uy hiếp tinh thần người khác không làm người bị đe dọa bị tê liệt tinh thần, họ không bị lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Người bị đe dọa vẫn còn có thời gian nhất định để lựa chọn cách xử sự phù hợp như chuẩn bị các điều kiện ngăn cản hoặc báo cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của người đe dọa. Người phạm tội có thể sử dụng bất cứ thủ đoạn nào miễn là có thể khống chế được ý chí, tinh thần của người bị đe dọa, làm cho người bị đe dọa có căn cứ lo sợ lời đe dọa được thực hiện trên thực tế nên buộc phải trao tài sản cho người phạm tội [2].
Vấn đề nhận thức và xác định hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản thông qua vụ án Lê H. V.
Tóm tắt vụ án trên cơ sở hồ sơ và kết luận cáo trạng
Lê H. V. (sinh năm 1989), trú tại TDP 5, phường NP, TP. GN, tỉnhĐN, là phóng viên của báo CL.Qua tác nghiệp và thu thập thông tin của ngành báo, Lê H. V.nhận được thông tin của người dân phản ánh ông Nguyễn H. Q.(trú tại thôn 5, xã ĐR, huyện ĐM, tỉnh ĐN) có hành vi lấn chiếm đất của nhà nước, đổ đất san lấp lòng hồ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình nhà ở, nhà nuôi yến trái phép tại khu vực mỏ đá đô ri. Sau đó, V đăng kí đề tài với Ban Biên tập báo CL và được cấp giấy giới thiệu số 138 ngày 10/7/2023 (hạn đến ngày 10/8/2023) với nội dung: Tìm hiểu về tình hình thực thi pháp luật liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây nhà trên đất nông nghiệp, lấn chiếm lòng hồ tại xã ĐR, huyện ĐM, tỉnh ĐN. Sau khi có giấy giới thiệu, V. đến chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai huyện ĐM, Uỷ ban nhân dân xã ĐR, làm việc và được cung cấp một số giấy tờ liên quan đến các thửa đất ông Nguyễn H. Q.đang sử dụng và canh tác. Khi ông Q. biết được thi ông Q. có xin số điện thoại của V. qua Chủ tịch xã ĐR và chủ động gọi cho Lê H. V. Quá trình ông Q. và V. trao đổi qua điện thoại thì ông Q. xin gặp V. Để có nguồn thông tin đa chiều và nghe ông Q. trình bày thì V. đồng ý cho ông Q. gặp. Ngày 30/7/2023, ông Q. đến GN gặp V. tại quán cà phê EnJoy.
Tại đây, ông Q. có nói với V. ông mua đất của Công ty khoáng sản có giấy tờ rõ ràng nên ông không sai. Tuy nhiên, để không ồn ào vì ông Q. đang xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất này nên ông Q. đưa cho V. một phong bì trong đó có 5.000.000 đồng với mong muốn cho V. không viết bài, nhưng ông Q. không nói ra mong muốn này với V. Sau đó một thời gian, đến ngày 15/8/2023, V. đang đi vận động ủng hộ cho giải Tennis của báo CL tổ chức tại TP.GN để xây dựng nhà cho người nghèo, thì ông Q. có gọi cho V. (theo nhận ký cuộc gọi) theo lời khai của V. thì ông V. gọi nói có căn nhà rông (mô hình) làm bằng gỗ thuỷ tùng muốn tặng V., khi đó V. nói “nếu anh có lòng thì ủng hộ giải Tennis để xây dựng nhà tình thương cho người nghèo”. Theo lời khai của ông Q. tại BL223 thì ông Q. khai khi sau 10 ngày V. có gọi và nói “Vương đang vận động để xây nhà tình nghĩa ủng hộ người nghèo nên yêu cầu hỗ trợ”. Ngày hôm sau, ông Q. khai đã chủ động gọi điện lại cho V. và mong muốn được gặp V. Khi đi cầm theo số tiền 10.000.000 đồng và một mô hình nhà rông bằng gỗ trị giá 5.000.000 đồng làm quà, mong muốn V. đừng viết báo”.
Nên đến ngày 16/8/2023, ông Q. và V. gặp nhau tại quán cà phê Todayở TP.GN. Tại đây, ông Q. có đưa cho V. 10.000.000 đồng và một nhà rông mô hình (tại kết quả định giá 4.000.000 đồng).Số tiền 10 triệu này V. đưa cho anh C. mua cúp và bóng phục vụ cho giải Tennis đồng thời khi nhận tiền V. có báo cáo anh C. (Là Trưởng VPĐD tại Miền trung Tây Nguyên) để thông báo về việc ông Q. sẽ ủng hộ giải Tennis 50 triệu.
Vào hồi 11 giờ 43 phút ngày 24/8/2023 (có file ghi âm), Q. chủ động gọi cho V., khi đó V. và chị Tr. đang đi vận động ủng hộ giải thì ông Q. cónói với V. xin hẹn gặp V thì khi đó V. nới với ông Q.“Nếu được thì lát nữa em chạy về thì anh hỗ trợ cho em mà không thì thôi em cũng không ép anh gì cả. Cái này là em kêu gọi và em có thư kêu gọi của Tổng Biên tập ký, em làm cho người nghèo thôi chứ chẳng cho gì em nghe, còn nếu được thì anh hỗ trợ còn không thì thôi”, sau đó vào lúc 12 giờ 42 phút cùng ngày ông Q. gọi điện lại và nói lại “ừ thôi bây giờ anh nói chú nhá, tại vì thôi chú cũng kêu gọi như thế thì anh cũng nhất trí” (có file ghi âm). Do đó,khoảng 4 giờ cùng ngày hai bên hẹn gặp nhau tại quán Cà phê Mộc xã ĐR. Tại đây, ông Quân đưa cho V. 10.000.000 đồng và bỏ vào phong bì, V. có gọi điện cho anh C. là Trưởng VPĐĐ Miền trung Tây Nguyên của báo CL và nói “có anh Q. ủng hộ 50.000.000 đồng cho giải Tennis” và sau đó ghi số tài khoản 113000002074 Vietinbank báo CL vào phong bì cho ông Q. chụp lại để sau này ông Q. chuyển tiền ủng hộ trực tiếp vào tài khoản của Ban Biên tập báo CL. Tại thời điểm đi theo có chị Tr. (là người giữ tiền ủng hộ của giải Tennis) và V. đã đưa số tiền này cho chị Tr. giữ cho giải, ngay sau đó tại đây V. bị Cơ quan điều tra huyện ĐM đã mời về làm việc và tạm giữ V.
Như vậy, trong 3 lần gặp gỡ ông Q. đã đưa cho V. tổng cộng số tiền 25.000.000 đồng, cụ thể như sau: Lần 1: Đưa vào ngày 30/7/2023tại quán cà phê EnJoy số tiền 5.000.000 đồng, do lo sợ sự việc bị viết bài phản ánh sai phạm đăng lên báo; Lần 2: Vào ngày 15/8/2023, Lê H. V. gọi điện thoại cho ông Q. đề nghị ủng hộ giải Tennis số tiền 150.000.000 đồng thì ông Q. trình bày hoàn cảnh khó khăn và hẹn gặp V tại quán cà phê Today thuộc phường NT, TP. GN, tỉnh ĐN. Tại quán cà phê Today, ông Q. đã đưa cho Vsố tiền 10.000.000 đồng và một căn nhà gỗ (nhà mô hình); Lần 3: Vào ngày 24/8/2023, Lê H. V. hẹn gặp ông Q.tại quán cà phê Mộc thuộc thôn 4, xã ĐR, huyện ĐM, ĐN. Tại đây, ông Q. đưa V.số tiền 10.000.000 đồng.
Quá trình điều tra Lê H. V. đã khainhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình (BL 167 – 253). Tại bản cáo trạng kết luận: :“Trong khoảng thời gian từ ngày 30/7/2023 đến ngày 24/8/2023, Lê H. V. đã có thủ đoạn đe doạ sẽ viết bài đăng báo phản ánh về những sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất của ông Nguyễn H. Q. rồi chiếm đoạt 25.000.000 đồng và 01 căn nhà r ông có giá trị là 4.000.000đồng bằng cách ép buộc ông Q. phải quyên góp, ủng hộ cho giải Tennis do báo CL tổ chức để chiếm đoạt Q. 29.000.000 đồng” để truy tố ông Vra toà huyện ĐM xét xử về tội (Cưỡng đoạt tài sản) theo quy định tại Điều 170 BLHS.
Đánh giá về kết luận của Cáo trạng
Trong vụ án này ông Q. có đưa cho ông V. số tiền 25 triệu và một căn nhà rông (bằng mô hình) trị giá 4 triệu đồng. Tuy nhiên, để xác định ông V. có phạm tội Cưỡng đoạt tài sản hay không thì phải chứng minh, trước khi ông Q. đưa số tiền này cho ông V. thì ông V. có thực hiện hành vi “đe doạ sẽ dùng vũ lực” hoặc có “thủ đoạn khác” để uy hiếp tinh thần ông Q. để gây sức ép buộc ông Q. phải đưa tiền cho ông V. hay không?
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ của vụ án cho thấy:
Thứ nhất, đối với việc ông Q. đưa 5 triệu cho ông V. vào ngày 30/7/2023 tại quán cà phê EnJoy.
Theo lời khai của ông Q. tại cơ quan điều tra như sau: "Tôi xin anh A. số điện thoại của phóng viên sau đó anh A. cho tôi số của ông Lê H. V. sau đó tôi và V. có liên lạc qua điện thoại.. “nội dung các cuộc điện thoại giữa tôi với V. là tranh luận, trao đổi cung cấp thông tin về việc quản lý sử dụng đất đai của gia đình tôi”. Ngoài ra, trong 3 file ghi âm để chứng minh nội dung nói chuyện qua điện thoại giữa ông Q. và V. ngày 30/7/2023, thể hiện “giữa ông Q. với V., trao đổi cung cấp thông tin về việc quản lý sử dụng đất đai và xoay quanh vấn đề làm quen nhau,mặt khác có nội dung ông Q. nhiều lần xin hẹn gặp V.”.
Sau nhiều lần ông Q. xin gặp V. thì hai bên có hẹn nhau gặp tại TP. GN, khi đó ông Q. nhờ con trai tên Nguyễn T. L. lấy ô tô chủ động đi gặp V. và đến chỗ hẹn quán cà phê EnJoy tại TP. GN. Tại Cơ quan điều tra ông Q. khai: “Tôi vào quán cầm theo số tiền 5.000.000 đồng, còn L. ngồi ngoài xe chờ tôi”. Ngoài ra tại bút lục này ông còn khai “Nhận thấy việc mình làm không sai, do việc mua bán diện tích đất trên với Công ty khoáng sản ĐL có giấy tờ đầy đủ, tuy nhiên để không ảnh hưởng đến tiến độ của việc cấp GCNQSD đất nên tôi không tranh luận và đưa một phong bì bên trong có 5.000.000 đồng cho V., V. nhận tiền không nói gì và chúng tôi ra về”.
Như vậy, đối chiếu giữa lời khai của các bên và 3 file ghi âm cho thấy nội dung 3 file ghi âm không có bất cứ nội dung nào thể hiện V. có thủ đoạn “đe doạ sẽ viết bài đăng báo phản ánh về những sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất của ông Nguyễn H. Q.” để ông Q. phải đưa số tiền này. Bên cạnh đó, ông V. không trực tiếp tìm gặp liên hệ ông Q., mà ông Q. là người chủ động xin số điện thoại của ông V. qua một người khác và gọi điện gặp ông V. và trước khi ra khỏi nhà ông Q. đã chuẩn bị sẵn phong bì 5 triệu từ nhà, rồi đi gần 100 km để gặp V. Mặt khác về tinh thần ông Q. cũng không bị uy hiếp, vì bản thân ông tự nhận thấy “việc mình làm không sai” (thể hiện rõ trong lời khai của ông Q.). Những việc ông Q. xin gặp V. là để cho mọi việc được diễn ra thuận lợi đối với ông Q.
Từ những căn cứ nêu trên có đủ căn cứ kết luận, đối với số tiền của ông Q. đưa lần này cho V là sự tự nguyện và là mong muốn của ông Q., do đó hành vi trên của V. không thoả mãn dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội “Cưỡng đoạt tài sản” vì V. không có thủ đoạn“ đe doạ sẽ viết bài đăng báo phản ánh về những sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất của ông Q.” để buộc ông Q. phải đưa số tiền. Tài liệu, hồ sơ không thể hiện chứng cứ nào chứng minh V. đe dọa hoặc có thủ đoạn trên để buộc ông Q. phải đưa số tiền. Cáo trạng của Viện Kiểm sát lấy số tiền này để kết luận: Số tiền này V. chiếm đoạt bằng thủ đoạn uy hiếp tinh thần ông Q. “đe doạ sẽ viết bài đăng báo phản ánh về những sai phạm của ông Q.” là còn thiếu sót và chưa đủ căn cứ.
Thứ hai, đối với số tiền ông Q. đưa cho V. 10 triệu và căn nhà rông (mô hình bằng gỗ) vào ngày 16/8/2023 tại quán cà phê Today. Sau khi gặp gỡ lần đầu tiên cho đến ngày 15/8/2023 thì V. không gặp hoặc gọi điện hay nhắn tin nào cho ông Q. (Lịch sử tin nhắn, cuộc gọi mà Cơ quan điều tra thu thập thể hiện rõ việc này)
Theo lịch sử cuộc gọi và lời khai của V. thì tự nhiên khoảng 13 giờ 30 phút ngày 15/8/2023 ông Q. có gọi điện cho V. và nói: “Anh có căn nhà rông làm bằng gỗ Thuỷ Tùng muốn biếu chú làm quà”. Khi nghe ông Q. gọi và nói biếu căn nhà làm bằng gỗ Thuỷ Tùng thì V. từ chối và nói lại với ông Q. “nếu anh có lòng thì ủng hộ giải Quần vợt do báo CL tổ chức tại GN để xây nhà cho người nghèo”. Lời vận động quyên góp này của V. là phù hợp với lời khai của ông Q. tại Cơ quan điều tra. Cụ thể, ông Q. khai: “Khoảng 10 ngày sau ngày đưa 5 triệu thì V. có gọi điện vận động ủng hộ giải Tennis để xây nhà tình nghĩa”, và nội dung V. khai ông Q. tự nhiên gọi nói biếu căn nhà rông làm bằng gỗ Thuỷ Tùng là phù hợp với lời khai của ông Q. tại cơ quan điều tra.
Ngoài ra quá trình điều tra, khi đượccơ quan điều tra hỏi “Lý do đưa tiền cho V? Mục đích đưa tiền cho V? Nguồn gốc số tiền đưa cho V? Việc anh đưa tiền cho V. là tự nguyện hay bị ép buộc, anh bị ảnh hưởng tinh thần như thế nào? Việc đưa tiền cho V., anh có trao đổi bàn bạc với ai không?”, thì ông Q. trả lời:“Lý do đưa tiền cho V. là muốn V. không viết bài” về diện tích đất tôi đang canh tác và sử dụng để tôi có thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không bị vướng mắc... vì khi này tôi đang làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Và tại cơ quan điều tra lời khai của ông Q. khai: “V, đang vận động để xây nhà tình nghĩa ủng hộ người nghèo nên yêu cầu hỗ trợ”... Ngày hôm sau ông Q. khai đã chủ động gọi điện lại cho V. và mong muốn được gặp V... Khi đi tôi cầm theo số tiền 10.000.000 đồng và một mô hình nhà rông bằng gỗ trị giá 5.000.000 đồng làm quà, mong muốn V. đừng viết báo”.
Như vậy, trong lần gặp gỡ thứ 2 này, căn cứ các tài liệu, chứng cứ lời khai của ông Q. và V. trích dẫn nên trên, có đủ căn cứ để kết luận: Việc ông Q. đưa tiền cho V. là tự nguyện, mục đích đưa theo ý chí của ông mong muốn không bị viết bài, còn đối với căn nhà rông bằng mô hình ông cho V thì lời khai của ông đã thừa nhận để làm quà. Mặt khác, lời khai của ông Q. tại cơ quan điều tra cũng khẳng định ông Q. nhận thấy việc mình làm không sai. Do đó, không xảy ra “tình trạng quẫn bách” để V. dựa vào tình trạng này để đe dọa, uy hiếp tinh thần ông Q.
Vì vậy, Cáo trạng của Viện Kiểm sát kết luận V. có thủ đoạn “đe doạ sẽ viết bài đăng báo phản ánh về những sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất của ông Q.” chỉ có tính chất suy luận và thiếu sót trong việc nhận định và đánh giá chứng cứ.
Thứ ba, đối với số tiền 10 triệu đồng ông Q đưa cho V vào khoảng 4 giờ ngày 24/8/2023 tại quán Cà phê Mộc xã ĐL.
Nội dung file ghi âm lúc 11 giờ 43 phút ngày 24/8/2023, có đoạn như sau:“Nếu được thì lát nữa em chạy về thì anh hỗ trợ cho em mà không thì thôi em cũng không ép anh gì cả. Cái này là em kêu gọi và em có thư kêu gọi của Tổng Biên tập ký, em làm cho người nghèo thôi chứ chẳng cho gì em nghe, còn nếu được thì anh hỗ trợ còn không thì thôi” đoạn ghi âm này thể hiện rõ V. kêu gọi ủng hộ giải Tennis trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, không có sự đe doạ và uy hiếp hoặc ép ông Q. phải ủng hộ giải “Nếu được thì hỗ trợ còn không thì thôi”.
Sau đó, mấy phút sau tại cuộc gọi ghi âm vào lúc 12 giờ 42 phútngày 24/8/2023 ông Q. nói “ừ thôi bây giờ anh nói chú nhá, tại vì thôi chú cũng kêu gọi như thế thì anh cũng nhất trí”. Sau khi nhận được tiền thì V. đã đưa chị Tr. (Người giữ tiền ủng hộ giải của các mạnh thường quân) và gọi điện báo cáo cho anh C. số tiền ông Q. ủng hộ để báo CL biết. Ngoài ra V. còn ghi số tài khoản của Toà soạn ngay trên phong bì cho ông Q. để ông Q. ủng hộ gửi trực tiếp vào tài khoản của Toà soạn. Căn cứ vào các chứng cứ vật chất này, có thể thấy số tiền 10 triệu ông Q. đưa cho V. trong lần thứ 3 này cũng là tự nguyện (đưa để ủng hộ giải Tennis). Căn cứ các file gi âm có trong hồ sơ thể hiện V không có thủ đoạn“đe doạ sẽ viết bài đăng báo phản ánh về những sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất của ông Q.” để uy hiếp tinh thần để ông Q. phải đưa số tiền này.
Qua 3 lần ông Q. đưa tiền cho V. mà chúng tôi đã phân tích từng lần nêu trên cho thấy: Việc ông Q. đưa tiền cho V. là hoàn toàn tự nguyện, đưa theo mong muốn và mục đích của ông Q. Trong từng lần đưa tiền V. không hề đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn “đe doạ sẽ viết bài đăng báo phản ánh về những sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất của ông Q.” để ông Q. phải đưa số tiền 25 triệu và một nhà rông mô hình trị giá 4 triệu (Không có tài liệu nào trong hồ sơ vụ án thể hiện thủ đoạn này). Do đó, hành vi của V. không thoả mãn dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 BLHS.
Ngoài các biểu hiện về hành vi của ông V, trong vụ án này cũng cho thấy, tinh thần của người bị hại là ông Q. luôn ở trong thế chủ động, thể hiện qua việc, ông tự tìm số điện thoại của bị can V., tự liên hệ với ông V. nhiều lần để mong muốn được sắp xếp cuộc hẹn. Bên cạnh đó, ông cũng là người chuẩn bị các khoản lợi ích vật chất trong để đưa ông V. trong lần gặp thứ nhất và thứ hai. Điều này cho thấy, người bị hại hoàn toàn có sự tự do trong ý chí, các quyết định được đưa ra là do bản thân người bị hại tự quyết, chứ không vì một sức ép nào từ phía bị can V. Do đó, cơ quan chức năng cần đưa ý chí của bị hại vào xem xét trong vụ án này để đánh giá khách quan sự việc.
Do đó, Bản cáo trạng đưa ra kết luận: “Trong khoảng thời gian từ ngày 30/7/2023 đến ngày 24/8/2023, Lê H. V. đã có thủ đoạn đe doạ sẽ viết bài đăng báo phản ánh về những sai phạm liên quan đến việc sử dụng đất của ông Q. rồi chiếm đoạt 25.000.000 đồng và 01 căn nhà rông có giá trị là 4.000.000đồng bằng cách ép buộc ông Q. phải quyên góp, ủng hộ cho giải Tennis do báo CL tổ chức để chiếm đoạt 29.000.000 đồng” để truy tố ông V. ra toà xét xử về tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 170 BLHS là có sai lầm trong việc nhận định và đánh giá chứng cứ, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Bởi vì, qua những lời khai của ông Q. đã nói lên ngườibị hại đưa tiền là tự nguyện và là mong muốn đạt mục đích riêng của mình.
Kiến nghị
Để không xảy ra những sai lầm tương tự trong việc áp dụng pháp luật như vụ án của Lê H. V., đồng thời để việc áp dụng pháp luật một cách thống nhất giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng tôi kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cần ban hành văn bản rút kinh nghiệm hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc áp dụng quy định pháp luật về tội “Cưỡng đoạt tài sản” Điều 170. Cụ thể như sau:
Thứ nhất,cần hướng dẫn, như thế nào là nhằm chiếm đoạt vàviệc xác định mục đích nhằm chiếm đoạt này không bị thay đổi khi có sự khác nhau về giá trị tài sản mà người phạm tội mong muốn chiếm đoạt. Theo đó, mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu định tội của tội cưỡng đoạt tài sản và giá trị tài sản mà người phạm tội mong muốn chiếm đoạt, chỉ là căn cứ để chứng minh rõ hơn ý thức chủ quan của người phạm tội là có mục đích chiếm đoạt tài sản. Giá trị tài sản mà người phạm tội hướng đến chiếm đoạt đó không có tính chất quyết định làm thay đổi sang tình tiết định khung tăng nặng.
Cụm từ “nhằm chiếm đoạt tài sản” của điều luật không khống chế định lượng giá trị tài sản một cách cụ thể mà người phạm tội “nhằm” chiếm đoạt là bao nhiêu. Do đó, dù các bị cáo có “nhằm” chiếm đoạt bao nhiêu đi nữa (một triệu hay từ 500 triệu trở lên) nếu người phạm tội mới chỉ “nhằm” chiếm đoạt mà chưa “chiếm đoạt” được của bị hại một giá trị vật chất cụ thể nào thì các bị cáo chỉ thoả mãn dấu hiệu cấu thành quy định tại khoản 1 của Điều 170 BLHS.
Thứ hai, đối với các khung hình phạt tăng nặng của tội cưỡng đoạt cần hướng dẫn về cách hiểu và việc áp dụng tình tiết “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ…”, theo hướng “chỉ khi người thực hiện hành vi tội phạm phải nắm giữ được tài sản của bị hại và tước đi cái quyền định đoạt tài sản của người quản lý tài sản một giá trị cụ thể”. Đối với các khung hình phạt tăng nặng được quy định từ khoản 2 đến khoản 4 của Điều luật, nhà làm luật đã quy định rõ: “Chiếm đoạt tài sản có trị giá từ…” và quy định rõ giá trị, vật chất chiếm đoạt một cách cụ thể, không còn sử dụng cụm từ “nhằm chiếm đoạt”. Do đó, chỉ khi người phạm tội “chiếm đoạt” của bị hại được giá trị vật chất cụ thể bao nhiêu thì mới bị truy tố tương ứng với khung hình phạt mà Điều luật quy định.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hoà: “Để phân biệt giữa mục đích chiếm đoạt và hành vi chiếm đoạt với chiếm đoạt được cần có sự thống nhất về nhận thức khái niệm chiếm đoạt. Hành vi chiếm đoạt, xét về mặt khách quan là hành vi làm cho chủ tài sản mất hẳn khả năng thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình và tạo cho người chiếm đoạt có thể thực hiện được việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản đó. Như vậy, chiếm đoạt xét về mặt thực tế là quá trình vừa làm cho chủ tài sản mất tài sản vừa tạo cho người chiếm đoạt có tài sản đó”[3].
Thứ ba,cần có hướng dẫn cụ thể như thế nào là người bị hại bị bị uy hiếp tinh thần. Căn cứ vào thực tiễn áp dụng trong vụ án trên, cho thấy các cơ quan chức năng kết luận bị cáo V có thực hiện hành vi uy hiếp tinh thần, nhưng chưa chứng minh biểu hiện của hành vi này thông qua các hành động nào của bị cáo. Đồng thời cũng chưa chứng minh nạn nhân có bị ép buộc về tinh thần không? Và tinh thần của nạn nhân bị uy hiếp được thể hiện qua những biểu hiện như thế nào? Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề chứng minh hành vi khách quan của chủ thể, giúp giảm thiểu được tình trạng kết luận oan, sai.
Do đó, chúng tôi kiến nghị đến Hội đồng thẩm phán toà án tối cao, ban hành văn bản giải thích về trường hợp người bị hại bị bị uy hiếp tinh thần được thể hiện qua một số biểu hiện cụ thể như thế nào, để giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất về nhận thức, từ đó vấn đề áp dụng pháp luật hiệu quả hơn.
[1] Trần Văn Hùng (2023), Nhận diện hành vi tội cướp tài sản hay tội cưỡng đoạt tài sản, tạp chí Toà án nhân dân, https://tapchitoaan.vn/nhan-dien-hanh-vi-toi-cuop-tai-san-hay-toi-cuong-doat-tai-san9702.html truy cập ngày 10.7.2024 [2] Trịnh Quốc Toản (Chủ biên, 2022), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần Các tội phạm (Quyển 1), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 286. [3] Nguyễn Ngọc Hoà - chủ biên (2018), Bình luận khoa học BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nxb Tư pháp; Tr.263 |
Tài liệu tham khảo 1. Nguyễn Ngọc Hoà - chủ biên (2018), Bình luận khoa học BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Nxb Tư pháp 2. Trịnh Quốc Toản Chủ biên (2022), Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam - Phần Các tội phạm (Quyển 1), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội. 3. Trần Văn Hùng (2023), Nhận diện hành vi tội cướp tài sản hay tội cưỡng đoạt tài sản, Tạp chí Toà án nhân dân, https://tapchitoaan.vn/nhan-dien-hanh-vi-toi-cuop-tai-san-hay-toi-cuong-doat-tai-san9702.html truy cập ngày 10/7/2024 |
TS. NGUYỄN THỊ BÌNH
Trưởng bộ môn Luật hình sự - Đại học Luật Huế
Thạc sĩ, Luật sư HOÀNG VĂN QUANG
Công ty luật Quốc tế FDI - Đoàn luật sư TP. HCM