(LSO) - Quản lý nhà nước về cư trú là việc chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào quy định của pháp luật về cư trú để đặt ra các quy định nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền cư trú của công dân, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Quản lý nhà nước về cư trú là hoạt động được tiến hành trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhằm bảo đảm cho công dân được hưởng đầy đủ nhất quyền cư trú của mình theo lựa chọn về nơi cư trú để được đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng. Tuy nhiên, quyền của công dân cần được kết hợp hài hòa các nguyên tắc đăng ký và quản lý cư trú, theo sự phân vạch địa giới hành chính, có sự phân cấp quản lý theo quy định của pháp luật.
Để thực hiện có hiệu quả trách nhiệm của chủ thể có thẩm quyền trong đăng ký và quản lý cư trú, hoạt động này cần tuân theo các nguyên tắc:
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
- Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
- Trình tự, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm hiệu quả.
- Mọi thay đổi về cư trú phải được đăng ký; mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi.
Nội dung quản lý nhà nước về cư trú là tổng thể các biện pháp, chính sách, pháp luật được chủ thể có thẩm quyền quản lý nhà nước về cư trú đặt ra, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả các vấn đề về cư trú, quyền cư trú của công dân, của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, vẫn còn quốc tịch Việt Nam khi trở về Việt Nam sinh sống và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình các chủ thể có thẩm quyền thực hiện các thủ tục liên quan đến cư trú (đăng ký tạm trú, thường trú, lưu trú, tạm vắng).
Các chủ thể có thẩm quyền quản lý nhà nước về cư trú bao gồm: Chính phủ, Bộ Công an và ủy ban nhân dân các cấp.
Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cư trú trong phạm vi cả nước. Căn cứ vào các quy định của Luật Cư trú, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Nghị định này đã quy định chi tiết cụ thể các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nghiêm cấm các hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền của công dân; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp và công dân trong việc thực hiện các quy định về hộ khẩu; nơi cư trú của công dân, thời hạn…, đã tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc đăng ký thường trú, tạm trú của công dân, xác định trách nhiệm của các bộ (trước tiên và chủ yếu là Bộ Công an), ngành, ủy ban nhân dân các cấp trong lĩnh vực này.
Bộ Công an là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chuyên môn ở trung ương, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú trong các lĩnh vực sau:
- Xây dựng và trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về cư trú (Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 35/2014/BCA hướng dẫn thi hành Luật cư trú và Nghị định 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú);
- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú;
- Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về quản lý cư trú trái với quy định của Luật Cư trú;
- Ban hành các biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về cư trú (Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú);
- Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý cư trú;
- Thống kê nhà nước về cư trú, tổng kết, nghiên cứu khoa học về quản lý cư trú, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về cư trú;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú;
- Hợp tác quốc tế về quản lý cư trú. Bộ Công an đã thường xuyên thiết lập quan hệ quản lý cư trú với cơ quan an ninh các nước trong khu vực và một số nước trên thế giới nhằm trao đổi kinh nghiệm lĩnh vực cư trú và kinh nghiệm đấu tranh phòng chống tội phạm đa quốc gia trong lĩnh vực cư trú giữa các quốc gia láng giềng có chung đường biên giới lãnh thổ đất liền, hải đảo;
- Theo thẩm quyền của mình, Bộ Công an tiến hành các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn điều hành, thanh tra, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực cư trú: đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, đăng ký lưu trú, đăng ký tạm vắng.
Ủy ban nhân dân các cấp là cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung ở địa phương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về cư trú tại địa phương theo quy định của Luật Cư trú, các quy định khác của pháp luật có liên quan và phân cấp của Chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên, cụ thể:
- Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về cư trú tại địa phương;
- Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan hải quan, thanh tra, quân đội, công an ở địa phương về quản lý cư trú, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biểu hiện vi phạm pháp luật về cư trú ở địa phương;
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về cư trú;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để bảo đảm hiệu quả quản lý về cư trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm:
- Niêm yết công khai, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú;
- Bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt làm công tác đăng ký, quản lý cư trú;
- Cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú đúng thời hạn cho công dân theo quy định của Luật Cư trú;
- Quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về đăng ký, quản lý cư trú;
- Giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú.
Người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú của cơ quan đăng ký quản lý cư trú phải đạt các yêu cầu sau đây:
- Là người đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, phù hợp với nhiệm vụ được giao;
- Có thái độ hoà nhã, khiêm tốn, độc lập, khách quan và tôn trọng quy định của pháp về đăng ký và quản lý cư trú khi tiếp công dân;
- Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc hướng dẫn đăng ký và quản lý cư trú.
Thực trạng quản lý nhà nước về cư trú
Trong những năm qua, với sự ra đời của Luật Cư trú năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013; Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 35/2014/TT-BCA của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/ NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 36/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú; Thông tư số 09/2015/TT-BCA ngày 10/2/2015 của Bộ Công an quy định điều lệnh cảnh sát khu vực… và các văn bản quy phạm pháp luật hữu quan về cư trú đã tạo hành lang pháp lý cho việc bảo đảm các quyền cư trú cho công dân ở trong nước, người Việt Nam còn quốc tịch Việt Nam định cư ở nước ngoài khi trở về Việt Nam sinh sống; các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Bộ Công an, ngành và ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm thực hiện quyền cư trú cho công dân.
Những quy định về cư trú, thủ tục đăng ký cư trú, việc xác định nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hợp pháp và điều kiện để công dân được hưởng quyền cư trú theo quy định của các văn bản nói trên đã tháo gỡ rất nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc so với trước khi có Luật Cư trú.
Đồng thời với việc cải cách thủ tục đăng ký và quản lý cư trú, quản lý hộ khẩu, các quyền của công dân được ghi nhận theo chiều hướng gia tăng, an ninh trật tự, an toàn xã hội được được củng cố, xây dựng được niềm tin trong nhân dân.
Quản lý nhà nước về cư trú, về đăng ký và quản lý hộ khẩu và những quy định mang tính thống nhất về cư trú, quyền cư trú của công dân không những là biện pháp theo dõi sự biến động của tình hình dân cư một cách tự nhiên mà còn theo dõi sự biến động của tình hình dân cư một cách cơ học, những số liệu này đã cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền có những kế hoạch cụ thể để xây dựng chiến lược dân số lao động và việc làm ở nước ta giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần được khắc phục và có sự điều chỉnh của pháp luật.
Thứ nhất, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, dẫn tới một lượng lao động dư thừa từ nông thôn ra thành phố lao động, làm ảnh hưởng đến trật tự quản lý đô thị; số lao động này không ở cố định một địa phương, một số không đăng ký tạm trú, lao động không có tay nghề cao nên giá trị nhân công rẻ, không có hợp đồng lao động, rủi ro từ lao động là rất lớn và khả năng được bảo vệ lại không cao. Hệ quả là các ủy ba nhân dân phường, cảnh sát khu vực rất vất vả trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội đối với nhóm lao động này tại địa phương mình quản lý;
Thứ hai, tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp tại như Bình Dương, Bắc Ninh…, việc quản lý cư trú, đăng ký hộ khẩu tạm trú, an ninh trật tự, an toàn xã hội gặp nhiều khó khăn, phần vì người lao động không thực hiện đăng ký tạm trú, phần vì có cả lao động người nước ngoài vào nước ta trái phép, cạnh tranh với lao động trong nước, dẫn đến nạn thất nghiệp và không cạnh tranh được với lao động nước ngoài ngay tại đất nước mình. Ngoài ra, còn có những mâu thuẫn giữa những người lao động với nhau về các vấn đề về xã hội, lao động và y tế… cũng cần được cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp;
Thứ ba, vấn đề quản lý nhà nước về cư trú đối với người lao động ở các làng nghề, ở nơi ở thực tế (người lao động có nơi đăng ký thường trú, có nơi đăng ký tạm trú) nhưng họ lại đi lao động ở địa phương khác và ở nơi lao động này, không đăng ký tạm trú với người có thẩm quyền;
Thứ tư, có nhóm người làm các công việc mang tính chất lưu động, nơi ở không cố định như ở trên đò, trên thuyền…, với những nhóm người lao động này thì việc quản lý về cư trú với họ đã khó khăn, tuyên truyền pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho họ càng khó hơn. Mặt khác, họ không có nơi ở cố định trên sông, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, an toàn giao thông đường thủy…
Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội cần sớm ban hành Luật Cư trú mới, hướng tới hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước ở mỗi cấp về cư trú; trình tự, thủ tục đăng ký và quản lý cư trú; quy định rõ thẩm quyền đăng ký và quản lý cư trú về thường trú, tạm trú, lưu trú và đăng ký tạm vắng; các biện pháp chế tài theo hướng đủ mạnh để bảo đảm các nội dung của Luật được thực thi có hiệu quả.
Nghị định hướng dẫn của Chính phủ cần quy định cụ thể, chi tiết, xác định rõ thẩm quyền quản lý và chế độ trách nhiệm của người có thẩm quyền vi phạm chế độ trách nhiệm trong việc đăng ký và quản lý cư trú.
Bộ Công an cần quy định rõ ràng, cụ thể trình tự, thủ tục thẩm quyền của các cấp đăng ký và quản lý cư trú; có biện pháp mạnh tay hơn đối với đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật gây rối an ninh trật tự, an toàn xã hội, cư trú bất hợp pháp.
Ở các địa phương, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần yêu cầu bên được chuyển nhượng đất nông nghiệp ở địa phương sử dụng một tỷ lệ phù hợp lao động tại địa phương, sau đó định hướng lao động, đào tạo nghề cho người dân tại địa phương phù hợp với yêu cầu lao động và sử dụng lao động của bên sử dụng đất nông nghiệp tại địa phương, tránh tình trạng người lao động từ nông thôn tràn ra thành phố, gây ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội và điều lo ngại nhất là quyền lợi của họ về cư trú, lao động không được bảo đảm.
Cần có quy định pháp luật cụ thể chi tiết cho người lao động cư trú tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, nơi ở thực tế, người lao động và cư trú có tính chất lưu động (trên thuyền, đò…); cần có biện pháp chế tài đủ mạnh tác động đến nhận thức của người lao động để họ có ý thức tự lựa chọn hành vi ứng xử phù hợp trong lĩnh vực cư trú.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật về cư trú, ý nghĩa của việc đăng ký cư trú cho nhân dân và người lao động, đặc biệt là lao động ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, nơi ở thực tế.
ThS. LÊ THỊ THÚY