Nguy cơ từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ
Trước hết, cần nắm rõ khái niệm “thuế đối ứng”. Thuế đối ứng [1] được hiểu đơn giản là một biện pháp trả đũa thuế quan do chính quyền Hoa Kỳ áp dụng nhằm bảo vệ nền công nghiệp nội địa. Cụ thể, khi một quốc gia áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sẽ đáp trả bằng cách áp thuế tương tự lên các mặt hàng nhập khẩu từ quốc gia đó. Đây là chiến lược “đáp trả” đã được chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa vào sử dụng nhằm làm giảm bớt lợi thế cạnh tranh của các quốc gia đối tác và tạo áp lực kinh tế lên những nước này. Việc áp thuế đối ứng đã gây ra không ít “xôn xao” trên thị trường thương mại quốc tế, bởi nó có thể làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh và làm thay đổi cán cân thương mại giữa các quốc gia.
Hiện tại, Hoa Kỳ đã công bố thông tin cụ thể về danh sách các quốc gia bị áp thuế đối ứng, trong đó Việt Nam bị áp thuế đối ứng với mức thuế suất cao (46%). Việc bị áp thuế đối ứng không chỉ là một giả thuyết mà là tình huống đã xảy ra, các sản phẩm của Việt Nam khi bị nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ chịu thêm mức thuế suất 56% (10% thuế suất nhập khẩu kể từ ngày 5/4 và 46% thuế suất thuế đối ứng kể từ ngày 09/4/2025) [2]. Khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất, biên lợi nhuận thu hẹp và doanh thu giảm sút khi giá thành tăng theo do bị áp thuế. Ngoài ra, việc tăng thuế đối ứng có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng giữa các quốc gia và ảnh hưởng đến khả năng duy trì nguồn thu ngoại tệ của quốc gia, tạo ra những tổn thất đáng kể không chỉ ở cấp doanh nghiệp mà còn ở quy mô quốc gia.

Ảnh minh hoạ.
Cần nhìn nhận rằng hiện đa phần các ngành sản xuất trong nước nói chung và sản xuất để xuất khẩu nói riêng vẫn phải nhập khẩu nguyên, vật liệu từ Trung Quốc - quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ - để gia công lại hoặc phục vụ cho quá trình sản xuất. Trước đó khi Việt Nam chưa trực tiếp chịu ảnh hưởng, tác động từ nước láng giềng Trung Quốc lên thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu rõ rệt khi chi phí đầu vào tăng, buộc giá thành xuất khẩu phải tăng theo, chưa kể mức thuế nhập khẩu từ các quốc gia khác trên thế giới. Khi giá thành sản phẩm tăng, người tiêu dùng Mỹ có thể chuyển sang lựa chọn sản phẩm từ các quốc gia khác hoặc sản phẩm nội địa Hoa Kỳ với giá thành rẻ hơn và chất lượng tương đương, dẫn đến mất đi thị phần của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thương mại Hoa Kỳ. Đây không chỉ là áp lực cho doanh nghiệp nội địa mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thương mại và nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu của cả nước.
Chủ động ứng phó từ chính sách thuế quan mới
Nghị định sửa đổi, bổ sung [3] đã thể hiện phạm vi áp dụng của thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi cho hàng nhập khẩu nói chung với thuế suất nhập khẩu cao nhất là 70% tập trung chủ yếu vào các loại xe ô tô nhập khẩu. Bên cạnh đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung cũng áp dụng thuế suất nhập khẩu thấp đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu dùng cho sản xuất, gia công (lắp ráp) các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển với mức thuế suất thấp nhất là 0%. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam có thể áp dụng đàm phán, thương thảo lại với Hoa Kỳ liên quan đến thuế đối ứng, việc mức thuế suất mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu sẽ không vượt qua một ngưỡng nhất định Việt Nam áp dụng cho Hoa Kỳ là khả thi. Dù hiện nay đã bị áp thuế đối ứng, cơ sở pháp lý từ Nghị định sửa đổi, bổ sung cho phép Chính phủ đề xuất rằng mức thuế đối ứng mà doanh nghiệp Việt Nam phải chịu không vượt qua một ngưỡng nhất định, đảm bảo tính công bằng và ổn định trong thương mại song phương. Việc khẳng định mức giới hạn thuế đối ứng dựa trên cơ chế thuế ưu đãi đối với các nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất sẽ giúp tạo ra một “điểm cân bằng” trong các cuộc đàm phán, góp phần giảm bớt tác động tiêu cực của các biện pháp bảo hộ mà đối tác nước ngoài đang áp dụng trong khi phần lớn các nhà máy sản xuất của các hãng công nghệ, sản phẩm tiêu dùng đều gia công tại Việt Nam và xuất khẩu trở lại Mỹ như Apple, Nike. Đồng thời, cơ sở pháp lý của Nghị định sửa đổi, bổ sung cũng tạo đòn bẩy để Chính phủ có thể đề xuất các chính sách hỗ trợ, bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất trong nước thông qua việc thương lượng lại các điều khoản thương mại với Hoa Kỳ, thể hiện một thiện chí hướng tới một mức thuế đối ứng hợp lý và ổn định hơn trong tương lai.
Từ cơ sở đó, khi thời gian để chính thức áp dụng thuế đối ứng đến 09/4/2025, việc đàm phán và đối thoại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để cân nhắc điều chỉnh và tạm hoãn áp thuế đối ứng nhập khẩu vào Mỹ cho Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định nên được ưu tiên. Song song với mặt đối ngoại, Chính phủ có thể xem xét, ban hành một văn bản pháp luật đặc biệt, hỗ trợ và cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn hoặc giảm nhẹ nghĩa vụ nộp thuế đối với các ngành hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng. Văn bản này nên điều chỉnh các quy định hiện hành của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế giá trị gia tăng, tạo cơ chế ưu đãi, hỗ trợ tài chính qua việc giảm lãi suất cho vay, bảo lãnh tín dụng, và hỗ trợ chi phí vận chuyển, tái cơ cấu sản xuất. Việc thiết lập một ban chỉ đạo liên ngành để giám sát và triển khai các chính sách hỗ trợ sẽ góp phần đảm bảo sự linh hoạt và kịp thời trong ứng phó với tình hình hiện tại, cơ chế được thực thi sẽ là hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Về dài hạn, việc cải cách khung pháp lý về thuế xuất nhập khẩu là cần thiết. Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong pháp luật thuế xuất khẩu và các nghị định hướng dẫn liên quan, tạo ra một cơ chế thuế linh hoạt, thích ứng với biến động của thị trường quốc tế và giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cũng như tối ưu hóa chuỗi giá trị.
Đối với doanh nghiệp, ứng phó với các biện pháp thuế đối ứng từ Hoa Kỳ đòi hỏi sự chủ động và linh hoạt trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trong giai đoạn trước mắt, các doanh nghiệp cần nhanh chóng đánh giá lại cấu trúc chi phí ước tính cho việc xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng, đàm phán lại điều khoản hợp đồng với đối tác và tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động tức thời của các biện pháp áp thuế. Việc chủ động theo dõi các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ là cơ sở để doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin và đề xuất các giải pháp ứng phó hiệu quả. Trong khi đó, về lâu dài, doanh nghiệp nên cân nhắc mở rộng thị trường sang các khu vực khác như châu Âu, châu Á hay các quốc gia khác, nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới với ưu đãi thuế quan, giúp doanh nghiệp có lối thoát trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và giảm thiệt hại về mặt chi phí, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia.
Việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh đàm phán với Hoa Kỳ để điều chỉnh mức thuế phù hợp, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Về phía doanh nghiệp, việc đa dạng hóa thị trường, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ là những chiến lược quan trọng trong thời gian tới. Khi đó, chính sự chủ động và linh hoạt sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ ứng phó hiệu quả với thách thức hiện tại mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
[1] [Reciprocal Trade and Tariffs – The White House], truy cập ngày 31/3/2025.
[2] [Fact Sheet: President Donald J. Trump Declares National Emergency to Increase our Competitive Edge, Protect our Sovereignty, and Strengthen our National and Economic Security – The White House], truy cập ngày 03/4/2025.
[3] [https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2025/3/73-cp.signed.pdf], truy cập ngày 01/04/2025.
Luật sư CAO NGUYỄN BẢO LIÊN
Công ty Luật HM&P